Giun đũa 10cm sống trong lòng đại tràng, cách giúp phát hiện sớm

14-09-2023 11:17 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Các bác sĩ Bệnh viện TW Quân đội 108 vừa nội soi đại tràng của một bệnh nhân nữ 40 tuổi (quê ở Thanh Hóa) khi đi khám sức khỏe định kỳ và phát hiện giun đũa khoảng 10cm ký sinh trong lòng đại tràng. Giun đũa sống trong lòng đại tràng gây hệ lụy gì? Làm thế nào để phát hiện sớm?

Giun đũa có thể gây viêm phổi, viêm mắt, viêm ruột - tắc ruột, áp xe gan

Giun đũa là loại ký sinh trùng lây truyền qua đất (trứng giun phát triển ở đất ẩm thông qua thực phẩm, rau, nước… ) vào trong ống tiêu hóa để phát triển, sinh sản. Giai đoạn đầu người bệnh không hề có bất cứ triệu chứng gì, khi giun đũa phát triển, sinh sôi chúng sẽ di chuyển đến nhiều cơ quan gây ra hàng loạt các triệu chứng: Viêm phổi, viêm mắt, viêm ruột - tắc ruột, áp xe gan…

Tại nơi cư trú bình thường (ruột non) giun trưởng thành ít gây tai hại nhưng nhiễm nặng có thể gây ra viêm ruột, xoắn ruột tắc ruột hoặc lòng ruột.

Giun đũa khoảng 10cm kí sinh trong lòng đại tràng, làm gì để phát hiện sớm và gây hệ lụy gì ? - Ảnh 1.

HÌnh ảnh giun đũa khi nội soi đại tràng của một bệnh nhân 40 tuổi, ở Thanh Hóa.

Ngoài ruột, khi giun đi lang thang có thể lạc đến những nơi cư trú bất thường và gây ra triệu chứng cấp tính: tắc ruột, thủng ruột ở những vùng hồi manh tràng, viêm ruột thừa cấp do giun, làm nghẽn ruột viêm túi thừa, chấn thương dạ dày hoặc ruột, làm nghẽn bóng Varer làm hoại tử, tắc ống dẫn mật dẫn đến vàng da. Giun xâm nhập vào mô gan gây áp xe gan, vào cơ quan sinh dục làm thủng thực quản.

- Áp xe do giun đũa: Do giun đũa cái trên đường di chuyển từ đường dẫn mật chung vào gan thì chết tại đây, trứng được phóng thích ra ngoài. Về mô học có thể thấy phản ứng tạo u hạt chung quanh xác giun với trứng nằm chung quanh trong nhu mô gan, trứng nhẫn có hình thoi, vỏ ngoài đã bị tiêu đi.

- Tổn thương ở màng bụng: Trong trường hợp giun thoát ra khỏi ruột, đi vào phúc mạc, giun cái đẻ trứng và trứng bị phản ứng viêm bao quanh tạo ra u hạt, có thể có những sang thương phúc mạc giống như lao.

- Giun đũa ở đường mật: Giun đũa ở đường mật không hiếm ở Philippines, nơi có 20% bệnh nhân được giải phẫu bệnh lý đường mật tìm thấy giun đũa còn sống hay đã chết trong đường mật. Ở Nam Phi, chứng bệnh này phổ biến ở trẻ em với biểu hiện khởi đầu đau ở hạ sườn phải, đôi khi có sốt và vàng da do viêm túi mật tái đi tái lại.

Giun trưởng thành có thể thấy trên phim chụp X-quang có chất cản quang. Điều trị với thuốc tẩy giun cho kết quả tốt, các triệu chứng cấp tính giảm và khỏi bệnh.

Giun đũa khoảng 10cm kí sinh trong lòng đại tràng, làm gì để phát hiện sớm và gây hệ lụy gì ? - Ảnh 2.

Tại ruột, nhiễm giun đũa thường gặp có biểu hiện rối loạn tiêu hóa.

Triệu chứng khi nhiễm giun đũa

Ở xứ nhiệt đới như nước ta, môi trường sinh sống và ăn uống vô cùng đa dạng, vấn đề lây nhiễm bởi các loại ký sinh trùng là khó tránh khỏi. Triệu chứng khi nhiễm giun đũa rất đa dạng, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác.

Tại ruột, nhiễm giun đũa thường gặp có biểu hiện rối loạn tiêu hóa, viêm ruột già và nôn ói. Nếu nhiễm nặng, biểu hiện chủ yếu là tắc ruột, thường xảy ra ở trẻ em, có trường hợp bắt được 100 con giun ở 1 bệnh nhân.

Ở trẻ em, triệu chứng có thể là trẻ bị rối loạn tiêu hóa kéo dài, suy dinh dưỡng, còi cọc, cân nặng chậm phát triển.

Nếu có quá nhiều giun trong ruột, sẽ có biểu hiện của tắc ruột. Cụ thể là người bệnh bị đau bụng quặn từng cơn kèm chướng bụng, táo bón. Nếu giun từ ruột non đi qua ống mật sẽ gây tắc mật, giun xuống ruột thừa gây viêm ruột thừa cấp.

Nếu giun đi lạc chỗ lên phổi, người bệnh có thể đến khám vì lý do khò khè, khó thở mạn tính hay biểu hiện cấp tính như đau ngực dữ dội, ho khan, sốt cao.

Một số trường hợp hiếm gặp là thấy được giun sống chui ra từ phân khi trẻ đi tiêu hay bắt gặp giun chui ra từ miệng, mũi khi trẻ ngủ hay ho, sặc.

Giun đũa khoảng 10cm kí sinh trong lòng đại tràng, làm gì để phát hiện sớm và gây hệ lụy gì ? - Ảnh 3.

Vệ sinh tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh để phòng nhiễm giun.

Phòng chống nhiễm bệnh giun đũa

Để phòng chống nhiễm bệnh giun đũa cũng như các loại ký sinh trùng khác nói chung, các chuyên gia cho rằng không có biện pháp nào hiệu quả hơn là thực hành vệ sinh sạch sẽ.

- Vệ sinh tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, lau dọn nhà cửa, vật dụng, đồ chơi của trẻ thường xuyên với nước sát trùng.

- Luôn ăn thức ăn đã nấu chín, nước đun sôi để nguội.

- Hạn chế ăn rau sống; nếu cần, nên rửa rau kỹ lưỡng nhiều lần với nước rửa rau chuyên dụng.

- Không đi chân trần; nếu làm vườn, dọn rác, cây cỏ, cần đi ủng, mang khẩu trang, găng tay. Không được dùng phân tươi để bón rau, bón cây.

- Đối với nhà vệ sinh, cống rãnh thoát nước, cần thường xuyên quét dọn, xử lý hóa chất diệt trùng thân thiện môi trường.

- Cần có thói quen uống thuốc tẩy giun định kì mỗi sáu tháng cho cả gia đình. Thuốc có tác dụng không chỉ trên giun đũa và còn giúp diệt trừ các loại giun sán khác.

Tuy điều kiện sống ngày nay đã phát triển, nhưng nguy cơ lây nhiễm giun vẫn chưa loại trừ hoàn toàn. Giữ vệ sinh sạch sẽ, ăn chín uống sôi là việc đơn giản nhất để phòng tránh nhiễm giun, bảo vệ sức khỏe của bạn.

Hơn trăm con giun đũa trong bụng, bé 5 tuổi bị tắc ruộtHơn trăm con giun đũa trong bụng, bé 5 tuổi bị tắc ruột

SKĐS - Nhập viện trong tình trạng sốt, đau bụng vật vã, nôn, đi cầu phân lỏng, bệnh nhi 5 tuổi còn bị suy dinh dưỡng nặng, bụng chướng căng. Tại BV Phụ sản Nhi Quảng Nam, các bác sĩ phát hiện trong ruột bệnh nhi có một búi giun đũa "khổng lồ" hơn trăm con.

BS. Bùi Thị Thanh
Ý kiến của bạn