Đó là câu chuyện buồn của gia đình chị Bùi Thị Hương (SN 1980, trú xóm 2, xã Nghi Hưng, Nghi Lộc, Nghệ An). Chồng chị là anh Trần Ngọc Hoa (SN 1978), công nhân của Công ty TNHH Châu Tiến, khu Công nghiệp Nam Cấm, xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Anh Hoa vừa qua đời ngày 6/10 vì bệnh bụi phổi.
Lời xin lỗi của người mẹ vì không có tiền cho con đi học
Khác với lần trước chúng tôi gặp chị Hương đang chăm chồng ở Khoa nội 2, Bệnh viện Phổi Nghệ An hồi tháng 5/2023, giờ chị gầy đi nhiều. Đôi mắt chị thâm quầng vì nhiều đêm thức trắng chăm chồng, giờ quầng thâm sâu thêm.
Nỗi đau của những người vợ có chồng mắc bệnh bụi phổi.
Chồng chị Hương là một trong nhiều công nhân làm việc tại Công ty TNHH Châu Tiến từ năm 2017. Anh Hoa làm việc tại bộ phận nghiền tinh bột đá, liên tục tiếp xúc với bụi độc hại. Cuối năm 2021, sức khỏe anh yếu dần trong những cơn ho sù sụ suốt ngày đêm.
Chia sẻ với chúng tôi về nỗi đau, mất mát mà gia đình đã trải qua, chị Hương cho biết, khi chồng chị đến bệnh viện khám bệnh, các bác sĩ chẩn đoán anh bị viêm phổi nhưng điều trị mãi không khỏi. Do những cơn đau triền miên, hai vợ chồng quyết định vào khám ở một bệnh viện tại TP. Hồ Chí Minh. Tại đây, anh Hoa được chẩn đoán bị bụi phổi và đã biến chứng thành lao.
Sau đó là cả một hành trình dài vợ chồng anh đi khắp các bệnh viện, từ Bệnh viện phổi Nghệ An rồi đến Bệnh viện Phổi Trung ương để điều trị các bệnh lý: lao phổi, bệnh phổi mô kẽ, viêm phổi, bệnh bụi phổi kết hợp lao...
Cũng vì lo bệnh tình của chồng, chị Hương chạy ngược chạy xuôi rồi không may sinh non người con út. Chị ngã quỵ khi nghe tin bác sĩ bảo người con vừa mới sinh bị thiểu năng. Nhưng vì chăm lo cho chồng, những ngày tháng sau đó chị Hương đã cố kìm nén nỗi đau, nuốt nước mắt vào trong khi quyết định "cai" sữa cho con khi bé mới 7 tháng tuổi để vào viện chăm sóc chồng đang ngày một yếu đi.
Những tưởng nỗi đau sẽ vơi bớt đi theo ngày tháng, thì trong một ngày chị nhận được 4 giấy trúng tuyển đại học của người con đầu. Cầm 4 tờ giấy báo nhập học, chị Hương bật khóc bởi những tháng ngày trước đó cả hai vợ chồng chị bàn với nhau cố làm lụng và tích góp tiền để lo cho con khi con đậu đại học. Ai ngờ.... Từ khi chồng mắc bệnh bụi phổi, nằm điều trị ở viện thì những đồng tiền làm lụng, tích góp đó đã không còn nữa.
Năm công nhân Công ty TNHH Châu Tiến tử vong vì bụi phổi, nhiều tháng nay các cơ quan chức năng vẫn đang khẩn trương làm rõ trách nhiệm. Nỗi đau và cái chết vẫn ám ảnh gia đình những công nhân nghèo....
Theo chị Hương, căn bệnh này đã lấy đi hết mọi thứ của gia đình chị. Oái oăm hơn "nó" đã cướp đi tương lai của đứa con đầu lòng, bởi con thi đậu đại học nhưng cha mẹ không đủ sức lo cho con đến giảng đường.
Nhớ lại cảnh này, chị nói trong nước mắt: "Tôi chỉ biết khóc. Chỉ biết ôm chầm lấy con xin lỗi. Bởi nhà làm gì còn tiền khi mỗi ngày phải mất gần 2 triệu đồng để lo thuốc cho chồng. Số tiền thuốc tăng lên nhiều khi bệnh tình của chồng ngày càng trở nặng".
Chị Hoa nhớ lại, thời điểm chị mới sinh con, khi nghe tin về đứa con út, anh Hoa dù vẫn đang nằm trên giường bệnh nước mắt cứ ứa ra. Anh gắng sức nói với chị từng tiếng một: "Cho anh về bế con một lần". Nói vậy thôi, lúc đó bệnh anh đã trở nặng lắm, không thể rời khỏi giường bệnh được. "Tôi an ủi để anh cố sức điều trị bệnh cho chóng khỏe, về nhà sẽ được nghe con gọi bố. Thế nhưng anh đã không gắng gượng được nữa rồi. Mong một lần được bế con cũng không được…". Nói đến đó, chị Hương ôm mặt khóc.
"Sắm Tết" cho chồng bằng 12 bình oxy
Cũng lâm vào tình cảnh như chị Hương, chị Nguyễn Thị Bình (SN 1977, trú xóm 1, xã Nghi Hưng, huyện Nghi Lộc) có chồng là anh Hoàng Văn Sơn (SN 1976) làm cùng anh Hoa và cũng bị mắc bệnh bụi phổi. Cứ mỗi chiều, chị Bình lại gắng sức bê 2 bình oxy cỡ lớn (giá 100 nghìn/bình) lên chiếc xe kéo, đi hơn 10km. Chị nói giọng nghèn nghẹn: "Dù trời mưa bão chị cũng phải đi chú à. Bởi, chỉ vài phút không có oxy thì anh Sơn không sống được".
Chị kể, anh Sơn làm việc tại Công ty TNHH Châu Tiến từ năm 2019. Công việc chính là trộn bột đá, đóng bao bì nên thường xuyên tiếp xúc với bụi bẩn trong lúc không có khẩu trang phòng bị. Chị Bình hỏi về chuyện khẩu trang nhưng chồng chị nói "công ty không cấp". Vì vậy, mỗi lần đi làm chị Bình chuẩn bị cái khẩu trang vải cho chồng. "Nhưng anh đeo một lúc, mồ hôi tứa ra lại dính vào bột đá không thể thở được lại đành tháo khẩu trang ra. Lúc dồn sức lao động, anh đâu biết lo cảnh giác để tránh gặp phải bệnh tình. Khổ thế", chị Bình nói.
Đến tháng 6/2022, sức khỏe anh Sơn yếu dần khi khó thở và ho nhiều. Sau đó, chị Bình đưa chồng đến đến Bệnh viện Phổi Nghệ An thăm khám và được xác định bị bệnh bụi phổi. "Hai vợ chồng chạy vạy ít tiền để ra Bệnh viện Phổi Trung ương xem có cách chữa trị nào tích cực hơn không. Ra đến nơi, sau khi được thăm khám, các bác sĩ bảo, trong phổi có lớp bụi dày không thể rửa được". Từ trụ cột gia đình giờ chồng chị phải nằm một chỗ. Bao nhiêu tiền tích góp giờ cũng chằng còn đồng nào dính túi.
Bà Nguyễn Thị Giang (bác ruột anh Sơn) xót xa: "Bây giờ Sơn sống ngày nào biết ngày ấy. Phổi hỏng hết rồi nên phải sống dựa vào oxy thôi. Đau quá, nó cũng không thiết tha đi bệnh viện nữa, cứ bảo để cháu chết ở nhà". Lo cho chồng, chị Bình phải xin nghỉ việc ở công ty điện tử. Mặc dù biết nghỉ việc sẽ mất một khoản để mua oxy kéo dài sự sống cho chồng nhưng không còn cách khác nữa. Giờ chị chỉ mong có ai thuê làm việc gì gần nhà để vừa có thể chạy về chăm chồng vừa có thêm đồng tiền vì ít tháng nữa lại đến Tết rồi.
Nhắc đến Tết, chị Bình rơi nước mắt: "28 Tết năm ngoái mọi người mua thịt, mua cá riêng tôi phải chạy vạy cho được 1,2 triệu để mua 12 bình oxy cho chồng. Tết đến, tôi cứ lo cửa hàng quen nghỉ nên phải mua oxy dự trữ bởi cửa hàng mới họ bắt cọc 1 triệu/1 bình thì tiền đâu ra".
Năm ngoái, khi có thêm đồng tiền, chị Bình vừa mừng vừa lo vì phải chạy tổng cộng 6 lần với quãng đường 60 km mới đủ 12 bình cho chồng "đón tết". Nhìn mọi người chở nhau đi sắm Tết mà tôi tủi phận. Căn bệnh này sao quái ác cứ rút dần, rút mòn sức lực của chồng tôi", chị Bình lại ngậm ngùi nói.
Bác sĩ CKII Thái Đình Lâm, Phó Giám đốc Bệnh viện phổi Nghệ An cho biết, bệnh bụi phổi là bệnh không thể điều trị khỏi hoàn toàn. Riêng các công nhân làm việc tại Công ty TNHH Châu Tiến vào viện điều trị đều ở giai đoạn nặng.
Bác sĩ Lâm thông tin thêm, bệnh bụi phổi ở giai đoạn đầu các triệu chứng rất ít. Khi đã xuất hiện ho khan, khó thở thì bệnh diễn biến kéo dài. Bởi vậy, việc phòng bệnh bụi phổi là rất quan trọng. Ngoài sự quan tâm của lãnh đạo nhà máy thì các công nhân làm việc trong môi trường có nguy cơ cao như khai khoáng, may mặc, khai thác than cần có những đồ bảo hộ an toàn.
Hơn nữa, việc kiểm tra sức khỏe định kỳ rất quan trọng để phát hiện bệnh. Các công nhân làm việc trong môi trường này nên 6 tháng kiểm tra về bệnh nghề nghiệp ở các bệnh viện chuyên ngành.
8 công nhân Công ty TNHH Châu Tiến cùng một huyện mắc bệnh bụi phổi
Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc (Nghệ An) cho biết, trên địa bàn có 8 công nhân (ở 4 xã Nghi Hưng, Nghi Phương, Nghi Thuận, Nghi Đồng) làm việc trong Công ty TNHH Châu Tiến mắc bệnh bụi phổi. Hiện đã có 4 người tử vong gồm: Anh Trần Hữu Quang (SN 1985, trú xóm 2, xã Nghi Hưng), anh Trần Trọng Thi (SN 1974, trú xóm 2, xã Nghi Phương), anh Phạm Quang Sơn (SN 1995, trú xóm Khánh Thiện, xã Nghi Thuận) và anh Trần Ngọc Hoa (SN 1978, trú xóm 2, xã Nghi Hưng).
4 người đang được điều trị tại các cơ sở y tế và ở nhà trong tình trạng suy giảm sức khoẻ, khó thở, gồm các bệnh nhân: Hoàng Văn Sơn (SN 1976, trú xóm 1, xã Nghi Hưng); Bùi Đình Bình (SN 1985, trú xóm 2, xã Nghi Hưng); Bùi Chính Diện (SN 1984); Dương Văn Chính (SN 1989) đều trú xóm 1, xã Nghi Đồng.
Bà Tuyết cho biết thêm, huyện đã đã tổ chức đoàn thăm hỏi, động viên, hỗ trợ bước đầu cho các gia đình, với mức 5 triệu đồng/1 người chết; 3 triệu đồng/ 1 người đang điểu trị tại bệnh viện.
Ngoài 4 công nhân làm việc tại Công ty TNHH Châu Tiến đã chết do bụi phổi ở huyện Nghi Lộc, thì ở huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) còn có trường hợp tử vong đầu tiên vào năm 2019 là anh Hồ Đức Hùng (trú xã Quỳnh Đôi).
Chủ tịch TP Hà Nội muốn ‘biến’ các bãi rác ám ảnh người dân thành công viên