Đến thăm và chúc Tết các y bác sĩ và người bệnh đang điều trị tại Bệnh viện Nội tiết TW ngày 29 Tết, GS.TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế đánh giá cao, ghi nhận sự nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ của bệnh viện đã tình nguyện đi chống dịch tại phía Nam.
Bộ trưởng bày tỏ tri ân những nỗ lực của các cán bộ y tế bệnh viện trong suốt thời gian qua dù không phải là bệnh viện chuyên khoa nhưng đã hỗ trợ các địa phương rất nhiều về điều trị COVID-19, đặc biệt là việc cử các đoàn công tác đến hỗ trợ công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Trung tâm hồi sức COVID-19 tỉnh Vĩnh Long, tỉnh Sóc Trăng.
Đã có 135 bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên của Bệnh viện Nội tiết TW vào hỗ trợ TP HCM chống dịch, vào "cắm chốt" Trung tâm hồi sức COVID-19 Vĩnh Long (từ tháng 8/2021 đến cuối tháng 1/2022), Bệnh viện 30/4 và Bệnh viện điều trị COVID-19 tỉnh Sóc Trăng (từ giữa tháng 12/2021 đến cuối tháng 1/2022).
Hết ca trực về đến nơi ở, bữa trưa đã thành bữa chiều
Giáp Tết, trên chuyến bay từ Cần Thơ ra Hà Nội có 10 điều dưỡng của Bệnh viện Nội tiết TW trở về sau 2 tháng "cắm chốt" tại Trung tâm hồi sức COVID-19 Vĩnh Long.
Nữ điều dưỡng Nguyễn Thu Nga - Khoa Tim mạch, Bệnh viện Nội tiết TW cho biết, lần đầu tiên Nga và các đồng nghiệp nhận nhiệm vụ đi công tác xa, nhưng tất cả đều xác định đó không phải là chuyến đi ngắn ngày, dù 8 trong số 10 người của đoàn công tác đều có 1-2 con nhỏ, người trẻ nhất mới sinh năm 1999…
"Chúng em phải nhờ ông bà hai bên nội ngoại hỗ trợ, chăm sóc các con để vợ/chồng yên tâm đi chống dịch"- Thu Nga kể.
Gần cuối tháng 11/2021, lần đầu tiên cả đoàn đến Vĩnh Long chống dịch, dù đã được các anh chị bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện đi chống dịch các đợt trước đó dặn dò, chia sẻ kinh nghiệm nhưng những ngày đầu vào Trung tâm hồi sức COVID-19 Vĩnh Long làm việc, điều dưỡng Thu Nga và các đồng nghiệp vẫn bị "ngộp" khi mặc bộ quần áo chống dịch trong suốt ca trực kéo dài 7-8 tiếng.
Công việc bình thường của Nga và các đồng nghiệp ở Bệnh viện Nội tiết Trung ương khác hẳn những việc ở Trung tâm hồi sức COVID-19 Vĩnh Long. Nga nói: "Bình thường, trong ca trực ở bệnh viện chỉ "loanh quanh" với công việc thường quy là chăm sóc bệnh nhân tiểu đường có biến chứng tim mạch".
Nữ điều dưỡng cho biết thêm, nhiều hôm ca trực sáng, theo thông lệ là khoảng 4h chiều hết ca, nhưng ra khỏi phòng bệnh, thay đồ bảo hộ, rồi làm hồ sơ hành chính, Nga và các đồng nghiệp về đến nhà đã tầm 5h chiều.
"Bữa trưa thành bữa chiều luôn. Đã thế chúng em có cơ hội tập thể dục, thư thái khi đi bộ từ Trung tâm hồi sức về chỗ ở - cách khoảng 700m"- Nga cười khi trò chuyện về những ngày làm việc ở một trong những Trung tâm hồi sức COVID-19 được Bộ Y tế điều động các bệnh viện tuyến TW từ phía Bắc vào thiết lập ở phía Nam.
Nói chuyện với con không dám thể hiện mình đang nhớ thương con, phải kiềm chế nước mắt...
Thu Nga kể, ai cũng phải trải qua cả 3 ca trực nên được nếm trải mọi cung bậc cảm xúc. Nếu như ca trực ban ngày vất vả thì ca trực đêm thường áp lực hơn rất nhiều vì thường bệnh nhân COVID-19 ban đêm diễn biến nhanh hơn.
"Công việc vất vả là thế nhưng quãng thời gian làm việc tại đây giúp chúng em trưởng thành hơn nhiều, được học tập chuyên môn. Những buổi đầu đi trực, chúng em được hướng dẫn cách theo dõi dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân, sử dụng trang thiết bị, thực hiện thuốc… Nhưng chỉ sau đó vài ngày, em và các bạn nhập cuộc ngay, chăm sóc tất cả mọi công đoạn cho người bệnh, kể cả rửa mặt, thay bỉm, cho uống sữa, cho ăn, cắt tóc, là cầu nối với gia đình người bệnh…" - Nga cho biết.
Thậm chí có bệnh nhân điều trị chỉ mới 1 tháng không được ở cạnh mẹ, bố đi theo vào buồng bệnh nên lóng ngóng không biết cách chăm con, các nữ điều dưỡng tại đây ngoài lo điều trị còn đóng vai trò như mẹ của bé pha sữa cho bé, thay tã, rồi hướng dẫn bố bé làm quen với những việc đó…
Nga cũng cho biết, 2 tháng ở Vĩnh Long, cô và các bạn đồng nghiệp không chỉ trưởng thành thêm về chuyên môn mà còn biết thêm nhiều về ngôn ngữ giao tiếp của người miền Tây. "Chúng em phải để ý học vì ban đầu có những lần giao tiếp với bệnh nhân cả hai không hiểu ý nhau, nhưng dần chúng em ý những từ quen thuộc, mang tính chất địa phương kiểu như tiêm chủng thì sẽ là chích ngừa hoặc chích vaccine để giao tiếp với bệnh nhân..."- nữ điều dưỡng chia sẻ.
Trong câu chuyện của chúng tôi có lúc chùng xuống khi Nga bảo, do Trung tâm hồi sức COVID-19 là nơi tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 nặng nên thời gian đầu Nga và các đồng nghiệp "hơi choáng" vì bệnh nhân COVID-19 ở đây diễn biến phức tạp và rất nhanh, có ngày hàng chục ca tử vong, có bệnh nhân mình đang tràn trề hy vọng thì nghe tin tử vong...
Khi tôi hỏi, "2 tháng liền xa gia đình, em nhớ con lắm nhỉ?" thì nữ điều dưỡng bảo "em chưa xa con bao giờ lâu như thế. Thời gian đầu em nhớ con lắm, nhưng nghĩ con mình cũng đã lớn rồi, cháu đã 9 tuổi, trong khi những bạn đồng nghiệp khác con mới 2-3 tuổi cũng đều đi công tác xa và lâu như mình, nên mỗi lần gọi điện cho con, em đều động viên con cố gắng, mẹ sắp về, mẹ sẽ sớm về… Nói chuyện với con không dám thể hiện mình đang nhớ thương con, phải kiềm chế nước mắt kẻo cu cậu lại khóc" - Thu Nga tâm sự.
Có những trải nghiệm không bao giờ quên...
Nga cũng chia sẻ thêm, vào Vĩnh Long, "team" Nội tiết Trung ương gắn bó với nhau, hiểu nhau hơn, giúp nhau hơn, chia sẻ, động viên nhau nhiều hơn vì thường ngày ở bệnh viện ít có cơ hội gặp nhau vì mỗi người 1 khoa phòng, một công việc khác nhau.
Nga bảo: "Chúng em đều vui vì được về với gia đình, với công việc thường ngày, nhưng cũng rất nhớ Vĩnh Long, nhớ những người bệnh và các đồng nghiệp ở Vĩnh Long thân thương đã gắn bó với mình, rồi chị chủ khách sạn rất có tâm luôn dành nhiều quan tâm, ưu tiên cho thầy thuốc đi chống dịch... Nếu bệnh viện tiếp tục có đợt đi Vĩnh Long, em vẫn tình nguyện đến với người bệnh COVID-19 tại đây".
Còn BS. Nguyễn Đăng Quân - Khoa điều trị tích cực, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, trưởng đoàn công tác của Bệnh viện tại Sóc Trăng cho biết, anh và 28 y bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên khác vào Sóc Trăng từ ngày 9/12 đảm nhiệm hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện 30-4 và Bệnh viện điều trị COVID của tỉnh.
Ở thời điểm đầu tháng 12/2021, số F0 nặng tại Sóc Trăng liên tục gia tăng, các cơ sở điều trị thuộc tầng 3 của tỉnh liên tục kín bệnh nhân. Ca trực của các y bác sĩ càng trở nên vất vả, căng thẳng nhưng rồi "chúng tôi quen hết vì đội quân này đều là những người có kinh nghiệm đi chống dịch tại Vĩnh Long, TP HCM và đã có những trải nghiệm với chống dịch khó quên nên khi đến Sóc Trăng cả đội nhập cuộc luôn"- BS. Quân kể.
Từ Sóc Trăng Quân bộc bạch: "Chúng tôi luôn tự nhận thức rằng trong thời điểm dịch bệnh như hiện nay mỗi người cần phải có trách nhiệm với cộng đồng hơn bao giờ hết! Mục tiêu của mỗi cán bộ y tế đang làm nhiệm vụ tại tâm dịch là mong sao có thể giảm thiểu tỉ lệ tử vong cho bệnh nhân. Chúng tôi sẽ cùng phối hợp với nhân viên y tế, chính quyền và người dân của tỉnh Sóc Trăng điều trị và can thiệp kịp thời, hiệu quả cho những bệnh nhân COVID-19...".