Hà Nội

Nắng nóng cực điểm, bác sĩ chỉ cách tránh tia UV có thể gây ung thư da

23-04-2019 14:00 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Hà Nội đang ở thời điểm nóng cực điểm hơn 40 độ C, trong khi ở TP.HCM hôm nay tia UV "lên đỉnh" ở mức 13. Các chuyên gia cho biết chỉ số cực tím càng cao, nguy cơ gây tổn thương cho cơ thể càng lớn, do đó, người dân cần hết sức lưu ý.

Theo website dự báo thời tiết danh tiếng AccuWeather của Mỹ, chỉ số UV ở TP.HCM trong hôm nay (23/4), cũng như các ngày 25 và 27/4 sắp tới, có mức cao nhất lên đến 13. Đó là mức nguy hiểm mà các tổ chức y tế danh tiếng hàng đầu thế giới như Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) hay Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) cảnh báo gây nên vô số nguy cơ sức khỏe.

Theo các bác sĩ, tia UV có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong cuộc sống như: tổng hợp vitamin D, chống còi xương, phòng ngừa ung thư ruột kết; chữa một số bệnh ngoài da… Tuy nhiên, bức xạ cực tím UV và các bức xạ khác có trong ánh sáng mặt trời cũng rất nguy hại khi con người ở ngoài trời lâu, đặc biệt là thời điểm chỉ số UV tăng cao (thường từ 10 – 15 giờ hàng ngày), có thể gây nên một số bệnh về da như sạm da, lão hóa da, bỏng nắng, ung thư da hoặc các bệnh về mắt như đục thủy tinh thể…

BS. Hoàng Văn Tâm - BV Da liễu Trung ương cho biết, tia UVA là nguyên nhân gây lão hóa da, các vết nhăn và nám trên da; còn tia UVB làm đen da, cháy nắng, ung thư da. Do đó, BS. Tâm khuyến cáo, ngoài các biện pháp chống nắng bằng mặc quần áo, đội mũ rộng vành, đeo kính chống nắng... thì người dân cần chú ý bôi kem chống nắng. Nếu bôi đúng cách có thể hấp thụ hay phản xạ lại tia UV, do đó bảo vệ da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời.

"SPF của kem chống nắng là thước đo số giờ trung bình làn da của bạn được bảo vệ bởi kem chống nắng đối với tia UVB. Theo định mức quốc tế 1 SPF bảo vệ da khỏi tia UVB trong 10 phút. Sử dụng kem có SPF 15 sẽ bảo vệ được da trong 150 phút. SPF 50 là 500 phút.

Tuy nhiên điều này chỉ để ước tính cơ bản nhất, thời gian bảo vệ còn phụ thuộc loại da, cường độ ánh sáng mặt trời, lượng kem sử dụng vậy nên nó ít có ý nghĩa để giúp bạn xác định thời gian tiếp xúc ánh sáng. Do đó, người dân cần chú ý bôi kém chống nắng thường xuyên, chứ không phải bôi một lần cho cả ngày"- chuyên gia da liễu khuyến cáo.

 

Bôi kem chống nắng đúng cách

BS. Tâm tư vấn, với một người cao 1,63m, nặng 68kg, bôi kem chống nắng toàn thân cần khoảng 30g một lần, còn với vùng mặt cần từ 1/4 – 1/3 thìa cà phê kem chống nắng.

Nếu chỉ bôi được 1/2 hoặc 1/4 lượng cần thiết thì tác dụng chống nắng giảm đi rất nhiều. Ví dụ nếu chỉ dùng được 1/2 lượng cần thiết của kem chống nắng SPF 30 thì SPF giảm tới 5 – 6 lần.

Để chống nắng hiệu quả, bôi đủ lượng kem là vô cùng quan trọng để đạt được tác dụng tối ưu. Lượng kem chống nắng đủ theo FDA khuyến cáo là: 2mg/cm2.

Cần bôi kem chống nắng 30 phút trước khi đi ra ngoài. Đừng đợi đến sát giờ ra ngoài mới bôi kem chống nắng. Kể cả trời nhiều mây, tia UV vẫn làm hại da bạn. Vì thế, hãy dùng kem chống nắng hàng ngày, chứ không chỉ dành riêng cho ngày nắng để bảo vệ làn da.

Khi đi xe ôtô, kính xe cũng chỉ cản được tia tử ngoại yếu, tức là khi nắng vào lúc sáng; còn từ khoảng 10 giờ trở đi thì tia tử ngoại vẫn xuyên qua lớp kính và làm tổn hại đến da. Do đó khi ngồi trên xe vẫn cần phải thoa kem chống nắng, mặc áo dài tay và đeo kính râm để bảo vệ da và mắt.

Theo TS.BS Vũ Thái Hà - Trưởng khoa Nghiên cứu Ứng dụng công nghệ tế bào gốc, BV Da liễu Trung ương, sau quá trình vận động ngoài trời sẽ bị đổ mồ hôi và làm giảm đi “lá chắn” bảo vệ cho làn da. Vì thế, cần nhớ “bổ sung” kem chống nắng kịp thời để làn da luôn trong trạng thái an toàn. Để hiệu quả chống nắng phát huy tác dụng hiệu quả nên kết hợp che chắn bằng quần áo chống nắng và uống thật nhiều nước. Như vậy, làn da của bạn mới luôn được giữ trong trạng thái tốt nhất.

"Da cũng cần có thời gian "nghỉ ngơi" bằng cách tẩy trang toàn bộ và rửa mặt thật sạch để lỗ chân lông được thông thoáng, tránh để bụi bẩn gây ra mụn, lão hóa ảnh hưởng xấu cho làn da sau một ngày tiếp xúc với nắng liên tục"- TS. Hà khuyến cáo.

Tác động của các tia UV đến da.

 

Tia UV xuyên qua nước, lưu ý cần biết với trẻ em

Theo các chuyên gia, khi đi tắm biển, hồ bơi vào giờ nắng gắt cũng nên dùng kem chống nắng và kính mát do tia cực tím vẫn có thể xuyên thấu qua nước. Ngoài ra bề mặt nước, cát đều có thể gây phản xạ tia cực tím.

Do đó người lớn cần chú ý bảo vệ đặc biệt cho trẻ em, bởi lẽ do da của trẻ nhạy cảm hơn và thời gian tiếp xúc với ánh nắng còn kéo dài hơn người lớn, song cũng không nên quá sợ tác hại của ánh nắng mà hạn chế các hoạt động ngoài trời của trẻ.

Nhiều người băn khoăn không biết nên chọn kem chống nắng cho trẻ như thế nào, bởi sợ da trẻ kích ứng nên đành "thả rông", chấp nhận con đen nhẻm, thậm chí cháy nắng sau một chuyến đi biển, đi chơi. Trong khi đó, bị cháy nắng để lại nhiều nguy hại cho làn của trẻ.

BS. Hoàng Văn Tâm cho hay, trẻ em bị cháy nắng 1 lần nghiêm trọng sẽ làm tăng gấp đôi nguy cơ ung thư da sau này. Với trẻ trên 6 tháng tuổi, việc dùng kem chống nắng thực hiện như người lớn. Ưu tiên sử dụng kem chống nắng vật lý chứa titanium dioxide và zinc oxide do ít gây kích ứng và không hấp thụ vào da.

Đối với trẻ 6 tháng, ưu tiên các phương pháp tránh tiếp xúc ánh nắng trực tiếp. Khi chọn kem chống nắng cho trẻ, nên sử dụng kem chống nắng phổ rộng, chống được cả UVB và UVA, SPF từ 15 trở lên và tốt nhất là từ 30 trở lên.

Theo các chuyên gia:

- Nhóm UVA (tia cực tím bước sóng A) khiến da của chúng ta nhăn nheo. 95% tia nắng mặt trời là UVA. Ôxit kẽm và ôxit titan rất hiệu quả trong việc chống tia UVA.

- Nhóm UVB (tia cực tím bước sóng B) gây cháy nắng, làm giảm khả năng sản xuất collagen và elastin trên da.

- Nhóm UVC: Tia UVC và một phần tia UVB không tới được trái đất vì bị lọc qua khí quyển. Tia sáng này có thể tiêu diệt acid nucleic trong các tế bào, phá hủy AND tồn tại trong các cơ thể sống… UVC chính là thứ ánh sáng ma quái ám ảnh sự tồn tại và sự sống của loài người trên trái đất. Đây là loại tia gây hại nhất.

Dương Hải
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn