Ngày hôm qua (22/4), nắng nóng tiếp tục xảy ra diện rộng ở phía Tây Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An, Đà Nẵng đến Khánh Hòa với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ, một số nơi có nắng nóng gay gắt trên 38 độ như: Mường La (Sơn La) 40,3 độ, Yên Châu (Sơn La) 40,1 độ, Phù Yên (Sơn La) 40,5 độ, Hòa Bình 39,0 độ, Mai Châu (Hòa Bình) 40,0 độ, Hồi Xuân (Thanh Hóa) 39,2 độ, Tây Hiếu (Nghệ An) 38,8 độ, Tương Dương (Nghệ An) 39,5 độ, Hương Khê (Hà Tĩnh) 38,8 độ, Ba Tơ (Quãng Ngãi) 38,6 độ...
Dự báo, do ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng phía Tây với đới gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn nên ngày hôm nay (23/4), nắng nóng tiếp tục xảy ra ở phía Tây Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ với nhiệt độ cao nhất phổ biến 34-37 độ, riêng khu Tây Bắc Bắc Bộ, vùng núi Bắc và Trung Trung Bộ có nơi có nắng nóng gay gắt với nhiệt độ trên 38 độ. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ từ 11-16 giờ.
Khu vực Hà Nội: Trời nắng nóng, nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến 35-37 độ. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ từ 11-16 giờ.
Cảnh báo dông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh: Chiều tối và tối nhiều khả năng xuất hiện mưa dông trên các vùng miền. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Cảnh báo: Nắng nóng diện rộng ở các tỉnh Tây Bắc Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ có khả năng kéo dài đến ngày 27-28/4.
Cảnh báo tác động của nắng nóng: Do ảnh hưởng của nắng nóng có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp nên có nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ cao cháy rừng ở các tỉnh Trung Bộ và Tây Bắc Bắc Bộ.
Ngoài ra, nắng nóng có tác động và gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao. Do vậy, người dân cần hạn chế tham gia giao thông, lao động ngoài trời vào thời điểm từ 11 giờ đến 16 giờ hàng ngày, đồng thời cần bổ sung đủ nước uống và chế độ dinh dưỡng hợp lý để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng: cấp 1-2.
Bộ Y tế khuyến cáo phòng bệnh mùa nắng nóng
Trong những ngày gần đây, do ảnh hưởng của thời tiết, nhiệt độ ở các tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc, đặc biệt là Hà Nội đang ở mức rất cao, có nơi lên đến trên 40 độ C, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống của người dân.
Thời tiết nắng, nóng làm cơ thể ra nhiều mồ hôi, gây mất nước, điện giải, đặc biệt là ở trẻ em dễ dẫn đến mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa. Thời tiết nắng nóng làm cho thức ăn, thực phẩm dễ bị ôi, thiu, dễ nhiễm nấm và vi khuẩn là nguyên nhân gây bệnh tiêu đường tiêu hóa. Bên cạnh đó, khi chống nóng bằng biện pháp bật quạt gió mạnh trực tiếp vào người hoặc để nhiệt độ điều hòa quá thấp gây nên nhiễm lạnh, viêm phổi…
Để chủ động phòng bệnh mùa nắng nóng, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sau:
- Hạn chế đi ra ngoài đường, ngoài trời nóng khi không thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi ra đường, ngoài trời nóng thì phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang… chống nóng.
- Uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol…, tuy nhiên, không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng.
- Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để gió quạt thổi trực tiếp gần vào người.
- Thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để đảm bảo đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
- Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.
- Thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà, đồ chơi trẻ em, dụng cụ học tập… bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
- Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.