Ca bệnh điển hình này là một trong 3 trường hợp được thực hiện tại Chương trình trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, cập nhật chẩn đoán, điều trị bệnh lý mạch máu ngoại biên giữa Bệnh viện Tim Hà Nội và một số bệnh viện đến từ TP HCM cùng các bệnh viện vệ tinh diễn ra chiều nay tại Hà Nội. Chương trình có sự tham gia trao đổi về chuyên môn của chuyên gia đến từ Singapore.
PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội chủ tọa Chương trình trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, cập nhật chẩn đoán, điều trị bệnh lý mạch máu ngoại biên cùng với chuyên gia của Singapore và các y bác sĩ đến từ nhiều bệnh viện trên cả nước
Bệnh nhân là Hoàng Văn Khương 17 tuổi ở xã Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm, Hà Nam được chẩn đoán bị dị dạng bẩm sinh động tĩnh mạch, là sự nối thông bất thường giữa động mạch và tĩnh mạch. Từ đó, hình thành nên những u máu từ bả vai xuống toàn bộ cánh tay, cẳng tay và bàn tay, gây biến dạng và giảm chức năng của cánh tay trái.
Chị Nguyễn Thị Đào- mẹ của bệnh nhân cho biết, con trai bị mắc bệnh bẩm sinh. "Ngay từ lúc mới sinh ra thấy tay cháu có màu xanh xanh, gia đình cứ tưởng cháu bị chàm. Khi cháu được gần 1 tháng tuổi thì tay của cháu có các u phồng to lên, chạm vào thì cháu bị đau. Gia đình cho cháu đi khám tại nhiều bệnh viện. Có nơi bảo cháu bị u máu, có nơi lại bảo bị giãn tĩnh mạch tay, không chữa được, khuyên gia đình đưa cháu về nhà, hàng năm đi kiểm tra lại"- Chị Đào kể.
Vì thế, lần này đưa con quay lại Bệnh viện Tim Hà Nội, chị rất mừng khi biết bệnh của con đã có thể can thiệp được.
PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết, đây là một ca bệnh phức tạp. Trước đó, bệnh nhân đã đi khám nhiều nơi nhưng không tìm ra bệnh. Kết quả chụp cắt lớp điện toán đa lát cắt cho thấy cánh tay trái của bệnh nhân "rỗ như tổ ong". Bệnh nhân bị hạn chế hoạt động, tay trái yếu, bị chèn ép thần kinh.
"Với trường hợp này nếu phẫu thuật thì chỉ có cách cụt tay, điều này sẽ là thiệt thòi rất lớn với bệnh nhân. Trong khi đó, nếu không can thiệp, bệnh nhân vẫn sẽ phải sống chung với cơn đau, thậm chí có thể dẫn đến suy tim, chảy máu trong cơ hình thành huyết khối gây biến chứng nhiễm trùng chảy máu tắc mạch, nặng hơn nữa sẽ phải cắt cụt chi", PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền nói.
Ca bệnh này đã được hội chẩn với sự tham gia của các bác sĩ Singapore, để từ đó đưa ra phương án điều trị tối ưu nhất cho người bệnh.
Cụ thể, thông qua các hình ảnh chụp, bác sĩ xác định được các vị trí tổn thương. Trong lần can thiệp đầu tiên này, các bác sĩ dùng keo, hóa chất để bít các tổn thương nhằm khu trú dần tổn thương đồng thời tiêm xơ các búi mạch. Mục đích là để bảo tồn và phục hồi chức năng của chi, tránh biến chứng.
Vì không thể cùng một lúc bít tất cả các vị trí tổn thương nên dự kiến, bệnh nhân phải cần 5-7 lần can thiệp mới hy vọng chữa lành được tổn thương của ca bệnh này.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền, bệnh lý mạch máu ngoại biên có thể do bẩm sinh hoặc do mắc phải khi lớn lên. Đối với bệnh lý mạch máu ngoại biên do mắc phải khoảng 20 năm trở lại đây gia tăng nhanh do thói quen ăn quá nhiều thịt, đường, dầu mỡ; ăn ít rau, ít vận động thể lực, hút thuốc lá và bị căng thẳng thần kinh, cùng đó là ảnh hưởng của bệnh đái tháo đường.
Đối với bệnh lý này, trước đây chỉ mổ hoặc can thiệp. Mỗi kỹ thuật chỉ giới hạn trong một chừng mực nào đó – kiểu như đi nửa đường thì hiện nay với sự tiến bộ của y học, kết hợp cả 2 phương pháp đã giúp thầy thuốc "đi hết cuối đường" trong điều trị cho người bệnh...
Giám đốc Nguyễn Sinh Hiền cho biết với mục tiêu nâng cao chuyên môn cho các y bác sĩ, đặc biệt là các bác sĩ trẻ và các bác sĩ trong hệ thống bệnh viện vệ tinh, đối tác, mỗi năm Bệnh viện Tim Hà Nội tổ chức khoảng 6 hội thảo để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn về các chủ đề chuyên biệt khác nhau. Sự kiện nào hầu như cũng có chuyên gia nước ngoài đầu ngành tham dự nhằm cấp nhật khuyến cáo trên thế giới cùng đó thực hành trên bệnh nhân, giúp đào tạo chuyên môn cho các y bác sĩ.
Đây là lần đầu tiên Bệnh viện tổ chức hội thảo khoa học về mạch máu. Đây là một chuyên ngành ngành hay và khó nên bệnh viện muốn nâng trình độ của bác sĩ để người bệnh được hưởng lợi.
Cùng đó, với vai trò là bệnh viện hạt nhân, các bác sĩ, chuyên gia của Bệnh viện Tim Hà Nội thường xuyên có mặt tại các bệnh viện trong hệ thống chỉ đạo tuyến như BVĐK TP Vinh, BVĐK huyện Thanh Thủy - Phú Thọ, BVĐK Chương Mỹ, BV Ung bướu Hà Nội... để cùng các bác sĩ tại đây thăm khám cho người bệnh, đào tạo chuyên môn cho tuyến dưới.
Ngoài ra, từ vài năm nay cứ thứ 4 hàng tuần, bệnh viện tổ chức chương trình telehealth để trao đổi chuyên môn với tuyến dưới, mỗi lần nối 30-40 điểm cầu, góp phần nâng cao trình độ tuyến dưới, trong đó có cả những bệnh viện ở xa như bệnh viện của Gia Lai.