Hà Nội

Tỷ lệ chuyển tuyến các "vệ tinh" của Bệnh viện Tim Hà Nội giảm từ 30-50%

31-12-2019 19:51 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Trong năm 2019, tình hình chuyển tuyến các bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Tim Hà Nội đã giảm trên 50% so với cùng kỳ năm 2018 đối với các đơn vị thuộc Hà Nội chuyển đến và giảm trên 30% so với cùng kỳ năm 2018 đối với các đơn vị ngoại tỉnh, đơn vị trung ương, Bộ, ngành...

Song song phát triển kỹ thuật cao, chuyên sâu và tích cực chuyển giao cho tuyến dưới

Bệnh viện Tim Hà Nội vừa được Bộ Y tế trao Quyết định công nhận, giao nhiệm vụ tuyến cuối chuyên môn kỹ thuật về chuyên ngành tim mạch. Điều này đánh dấu một bước tiến mới, từ một bệnh viện của thành phố vươn lên trở thành 1 trong 23 bệnh viện hạt nhân của cả nước, thực hiện chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện vệ tinh, giúp giảm quá tải cho tuyến trên, tiết kiệm chi phí cho người bệnh.

GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội chia sẻ, bản thân ông và ban giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội luôn tâm niệm, nếu không có các kỹ thuật mũi nhọn, thế giới sẽ không biết đến nền y khoa Việt Nam. Do đó, thời gian qua, ngoài việc đa dạng hóa dịch vụ khám bệnh, các bác sĩ của Bệnh viện Tim Hà Nội đã tập trung nghiên cứu, triển khai các kỹ thuật khám, chữa bệnh tim mạch chuyên sâu, đặt mục tiêu phấn đấu mỗi năm có 5-10 kỹ thuật mới được áp dụng tại bệnh viện.

Các bác sĩ Bệnh viện Tim Hà Nội thực hiện chuyển giao kỹ thuật mổ tim hở tại Bệnh viện 198

Đồng thời, nhằm giúp người bệnh tiếp cận các kỹ thuật can thiệp hiện đại trên thế giới ngay tại quê nhà với chi phí thấp hơn, không phải tốn kém đi ra nước ngoài chữa bệnh và thực hiện có hiệu quả đề án “sợi dây rút ngược” của ngành y tế- vừa giữ chân người bệnh trong nước vừa thu hút người bệnh nước ngoài, thời gian qua, Bệnh viện Tim Hà Nội đã không chỉ làm nhiệm vụ chỉ đạo tuyến về chuyên ngành tim mạch của thành phố mà các chuyên gia của Bệnh viện đã mang kỹ thuật can thiệp tim mạch chuyển giao tới hàng chục cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc.

Theo GS. TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, ở nước ta hiện nay, nhu cầu khám, chữa các bệnh tim mạch rất lớn vì trung bình, cứ bốn người lớn có ít nhất từ một đến hai người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Trong khi đó, các bệnh viện tuyến dưới thiếu các bác sĩ chuyên khoa cũng như cơ sở vật chất, trang thiết bị dẫn đến chất lượng chuyên môn, kỹ thuật còn hạn chế… khiến người dân thường lên bệnh viện tuyến trên khám bệnh, chữa các bệnh thông thường mà tuyến y tế cơ sở có thể giải quyết được.

Chính vì vậy, với vai trò là bệnh viện tuyến cuối, Bệnh viện Tim Hà Nội đã và đang rất tích cực thực hiện chuyển giao kỹ thuật lĩnh vực tim mạch cho các bệnh viện tuyến dưới thông qua các chương trình, dự án, kế hoạch cụ thể.

Chuyển giao theo từng gói kỹ thuật, đúng và trúng nhu cầu của bệnh viện vệ tinh

GS.TS Nguyễn Quang Tuấn- Giám đốc BV Tim Hà Nội khảo sát tình hình tại một Trạm y tế thuộc TTYT Ba Vì, Hà Nội

Theo quyết định của Bộ Y tế vừa được PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh trao cho Giám đốc Nguyễn Quang Tuấn, Bệnh viện Tim Hà Nội là bệnh viện hạt nhân chuyên ngành tim mạch cho 16 bệnh viện vệ tinh trên cả nước.

Mục tiêu nhằm nâng cao năng lực quản lý và điều trị các bệnh tim mạch cho 16 bệnh viện vệ tinh thông qua việc tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật và tư vấn khám chữa bệnh từ xa bằng công nghệ thông tin (telemedicine). Theo danh mục, giai đoạn 2017 - 2020 sẽ có 28 kỹ thuật thuộc các lĩnh vực: Nội tim mạch, can thiệp tim mạch, phẫu thuật tim mạch lồng ngực sẽ được chuyển giao cho các bệnh viện vệ tinh.

Qua quá trình triển khai, các bệnh viện vệ tinh đề xuất Bệnh viện Tim Hà Nội bổ sung thêm các kỹ thuật: Siêu âm tim, điều trị suy tĩnh mạch bằng sóng có tần số radio hoặc laze nội mạch. Thời gian qua, Bệnh viện Tim Hà Nội đã hoàn thành biên soạn mới, hoàn thiện, phát triển hàng chục chương trình đào tạo, đề cương chuyển giao kỹ thuật để phục vụ chuyển giao các gói kỹ thuật.

Ði liền với đó là hàng chục lớp chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ bệnh viện vệ tinh theo từng gói kỹ thuật: Tim mạch cơ bản; cấp cứu tim mạch; điện tim; siêu âm tim; can thiệp tim mạch cơ bản; điều dưỡng cấp cứu tim mạch, điều dưỡng nội khoa tim mạch; phẫu thuật tim mạch cơ bản; gây mê trong phẫu thuật tim mạch…

Đáng chú ý, trong số những cơ sở mà Bệnh viện Tim Hà Nội được Bộ Y tế giao nhiệm vụ chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ chuyên môn về chuyên ngành tim mạch, có cả những bệnh viện tuyến trung ương và bệnh viện lớn, như: Bệnh viện Quân y 103, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, Bệnh viện Đa khoa Bãi Cháy (Quảng Ninh), Bệnh viện Đa khoa Hữu nghị Nghệ An…

Bên cạnh đó, thực hiện nhiệm vụ được UBND TP Hà Nội giao, Bệnh viện còn hỗ trợ đào tạo phát triển chuyên ngành tim mạch tại nước CHDCND Lào.

Về định hướng tới đây, Phó Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Trương Quang Việt cho biết, với việc được Bộ Y tế giao nhiệm vụ là tuyến cuối, Bệnh viện đã kiện toàn Ban Chỉ đạo Đề án bệnh viện vệ tinh; tiếp tục phát triển các loại hình đào tạo, chuyển giao kỹ thuật tim mạch đáp ứng nhu cầu của tuyến dưới.

Đồng thời, duy trì, phát triển các hoạt động chỉ đạo tuyến hỗ trợ tuyến dưới thuộc Hà Nội; từng bước hỗ trợ chỉ đạo tuyến tại 16 bệnh viện vệ tinh và một số tỉnh miền núi khó khăn như Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Điện Biên, Sơn La…

Các bác sĩ Bệnh viện Tim Hà Nội thăm khám cho người dân

Với định hướng và bước đi phù hợp, đến nay Bệnh viện Tim Hà Nội đã phát triển một cách toàn diện về cả quy mô và trình độ chuyên môn; là bệnh viện hoàn chỉnh trong lĩnh vực tim mạch với năm mũi nhọn chuyên môn: phẫu thuật, can thiệp, nội khoa, nhi khoa và tim mạch chuyển hóa.

Thực hiện Đề án bệnh viện vệ tinh, Bệnh viện Tim Hà Nội đã biên soạn, hoàn thiện và phát triển 26 tài liệu đào tạo để phục vụ chuyển giao 10 gói kỹ thuật thuộc phạm vi Đề án Bệnh viện vệ tinh trình Bộ Y tế phê duyệt

Trong năm 2019, đã có trên 500 học viên được đào tạo và chuyển giao kỹ thuật. Nhờ đó, năm 2019, tình hình chuyển tuyến đã giảm trên 50% so với cùng kỳ năm 2018 đối với các đơn vị thuộc Hà Nội chuyển đến và giảm trên 30% so với cùng kỳ năm 2018 đối với các đơn vị ngoại tỉnh, đơn vị trung ương, Bộ, ngành.

Một số bệnh viện vệ tinh có số bệnh nhân chuyển tuyến giảm đáng kể như BVĐK Tỉnh Sơn La; BVĐK Tỉnh Hưng Yên và BV C Thái Nguyên… Một số nhóm bệnh có số lượng chuyển tuyến cao là bệnh tim mạch chuyển hóa; bệnh mạch vành; bệnh van tim; suy tim và rối loạn nhịp tim.

Năm 2020, Bệnh viện Tim Hà Nội đặt mục tiêu chuyển giao 11 gói kỹ thuật cho 16 bệnh viện vệ tinh và tăng cường tư vấn, hỗ trợ chuyên môn từ xa bằng Telemedicine…

Thái Bình
Ý kiến của bạn