Mùng 1/7 âm lịch đi mua chung cư: Người kinh doanh bất động sản không còn sợ tháng 'cô hồn'

12-08-2024 13:48 | Thị trường
google news

SKĐS - Trong thời đại ngày nay, suy nghĩ tháng 7 là tháng "cô hồn" của nhà đầu tư bất động sản dường như đã trở nên lạc hậu.

Nhiều năm trước, phần đông mọi người đều quan niệm, trong tháng 7 âm lịch cần kiêng kỵ việc mua bán bất động sản, làm nhà, ký hợp đồng làm ăn hay thực hiện những công việc lớn. Tuy nhiên trong thời đại ngày nay, suy nghĩ tháng 7 là tháng "cô hồn" của nhà đầu tư bất động sản dường như đã trở nên lạc hậu.

Chị Thu Trang (34 tuổi, Hoài Đức, Hà Nội) từ đầu tháng 7 âm lịch đến nay đã đi lùng sục nhiều bất động sản hơn cả thời điểm trước. Chị Trang cho rằng, vì là tháng "cô hồn" nên các giao dịch mua bán cũng trở nên dễ dàng hơn, người bán cũng dễ tính hơn.

"Trước kia cứ đến tháng 7 âm lịch là tình hình giao dịch bất động sản gần như đóng băng, nhưng giờ thì trái ngược hẳn. Chắc một phần là do tháng 7 các công ty bất động sản "ra lộc" nhiều hơn cho khách hàng. Còn với kinh nghiệm nhiều năm "ôm" bất động sản thì tôi thấy, gia chủ bán nhà, đất thời điểm này thường dễ tính hơn. Chính vì vậy các giao dịch cũng trở nên thuận lợi hơn", chị Trang chia sẻ.

Mùng 1/7 âm lịch đi mua chung cư: Người kinh doanh bất động sản không còn sợ tháng 'cô hồn'- Ảnh 1.

Khách hàng đi xem nhà mẫu. Ảnh: NVCC.

Anh Tuyển (32 tuổi, nhân viên của một công ty bất động sản uy tín ở Hà Nội) chia sẻ, thời điểm hiện tại là tháng "cô hồn" nhưng giá bất động sản không hề có chiều hướng đi xuống. Thậm chí ở thị trường sơ cấp (bán từ chủ đầu tư) còn có vẻ sôi động hơn.

"Không hề có dấu hiệu chờ qua tháng 7 âm lịch mới giao dịch mà ngược lại, khách hàng đến đặt cọc rất nhiều. Có khách hàng chỉ cần thấy bên tôi "ra hàng" là cọc ngay, nếu chờ qua tháng 7 thì sẽ có khách khác cọc mất", anh Tuyển nói.

Anh Tuyển cho biết thêm, thực tế cũng có công ty bất động sản tăng chính sách ưu đãi cho khách hàng vào tháng 7 âm lịch. Tuy nhiên, việc tăng chính sách lại tỷ lệ thuận với việc tăng giá nhà chung cư.

"Tại một dự án ở phía Tây Hà Nội, chính sách dành cho khách hàng là sẽ được tặng khoảng 2 cây vàng khi mua căn hộ chung cư, nhưng giá căn hộ thực tế đã tăng lên 1-2% so với thời điểm trước tháng "cô hồn". Vậy nên tính ra giá bán vẫn như cũ, không hề rẻ hơn", anh Tuyển cho hay.

Cũng theo anh Tuyển, giá của 1 căn hộ rẻ nhất ở khu vực phía Tây Hà Nội hiện tại là 55 triệu đồng/m2 (giá đã mua đi bán lại). Còn có những dự án vị trí đẹp hơn thì giá rất cao, lên tới 120 triệu đồng/m2.

Mùng 1 âm lịch cũng đi mua bất động sản

Chị Phạm Huyền (36 tuổi, lãnh đạo phòng kinh doanh của một công ty bất động sản uy tín tại Hà Nội) cho biết, dù là tháng "cô hồn" nhưng khách hàng vẫn đi mua bất động sản bình thường. Thậm chí còn có những khách thực hiện giao dịch vào ngày 1/7 âm lịch.

Mùng 1/7 âm lịch đi mua chung cư: Người kinh doanh bất động sản không còn sợ tháng 'cô hồn'- Ảnh 2.

Chị Huyền viết phiếu cọc cho khách hàng vào ngày 1/7 âm lịch. Ảnh: NVCC.

"Giờ khách hàng không quan tâm đến tháng "cô hồn" hay tháng khác, mà quan trọng nhất với khách là bất động sản đó có xứng đáng với đồng tiền mà họ bỏ ra hay không? Hơn nữa, thời điểm này rất ít "hàng", đặc biệt là các căn hộ chung cư. Hở ra căn nào là "mất" căn đó, khách chờ qua tháng 7 âm mới mua thì khi quay lại đã không còn nữa rồi", chị Huyền nói.

Trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội đánh giá, thị trường bất động sản Hà Nội hiện vẫn đang rất nóng. Đặc biệt đối với các căn hộ chung cư, nguồn cung quá ít khiến giá của các căn hộ vẫn ở mức cao, không có dấu hiệu hạ nhiệt.

Cũng theo ông Nguyễn Thế Điệp, trước kia cứ tháng 7 âm lịch là thị trường bất động sản lại trầm xuống, vì nhiều người kiêng giao dịch trong tháng này. Tuy nhiên, ngày nay quan niệm này đã gần như không còn tồn tại.

"Vài năm trở lại đây, tư duy của xã hội đã có thay đổi. Nhiều người không còn kiêng dè, cho rằng tháng 7 không may mắn nữa. Có người còn tranh thủ mua tháng 7 để được giá tốt. Họ cho rằng mua được rẻ hơn chính là may mắn", ông Nguyễn Thế Điệp cho hay.

Cũng theo ông Nguyễn Thế Điệp, trước đây, vào tháng 7 âm lịch, nhiều công ty bất động sản đưa ra các chương trình khuyến mại, các chính sách ưu đãi lớn cho khách hàng. Nhưng ở thời điểm hiện tại có thể thấy, rất ít công ty bất động sản còn đưa ra những chính sách như vậy do nhu cầu mua không giảm như trước kia nữa.

"Lý do phần lớn là do cán cân cung - cầu quá chênh lệch. Cung không đủ cầu khiến hoạt động mua bán bất động sản không cần những ưu đãi vẫn sẽ được diễn ra bình thường. Có khả năng nếu cung lớn, cầu ít thì giá sẽ tốt hơn, nhưng thực tế thì không phải như vậy, đặc biệt là đối với các căn hộ chung cư", Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội phân tích.

Xem thêm bài viết:

TPHCM: Bảng giá đất điều chỉnh có thể tác động đến doanh nghiệp, nhà đầu tư bất động sảnTPHCM: Bảng giá đất điều chỉnh có thể tác động đến doanh nghiệp, nhà đầu tư bất động sản

SKĐS - Bảng giá đất điều chỉnh mà TPHCM đang xem xét thực hiện trong thời gian tới nhận được sự quan tâm của nhiều người, nhất là những đối tượng bị tác động.


Quỳnh Mai
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn