Thiên tai ngày càng khốc liệt và khó lường
GS.TS Phan Văn Tân, nguyên giảng viên Khoa Khí tượng thủy văn và hải dương học, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, thiên tai ngày càng khốc liệt và khó lường. Nhìn lại trong vòng một năm qua, từ tháng 9/2024 đến nay, có thể thấy thiên tai đúng là một dạng "kè thù" vô hình, bất ngờ, không mang vũ khí, không có hình dạng cụ thể, nhưng hậu quả để lại có thể cướp đi sinh mạng, tài sản và làm tê liệt cả một vùng kinh tế.

Thiên tai, bão lũ ngày càng phức tạp, khó lường.
Thiên tai từ đầu năm 2025 (tính đến ngày 23.7.2025) đã làm 114 người chết, mất tích; thiệt hại về kinh tế ước tính trên 553 tỉ đồng.
Cơn bão Yagi (9/2024) được cho là mạnh nhất trên Biển Đông trong vòng 70 năm, đã gây thiệt hại thảm khốc ở Việt Nam với khoảng 345 người chết, mất tích, hơn 1.976 người bị thương, hơn 280.000 ngôi nhà, hàng trăm nghìn ha lúa hoa màu và nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, ước tính thiệt hại kinh tế lên tới hơn 81.000 tỷ đồng (~3,3 tỷ USD).
Lốc, xoáy xảy ra đồng loạt ở nhiều nơi trên miền Bắc Việt Nam, từ Nghệ An trở ra, ngày 19/7/2025 vừa qua với dấu ấn thảm khốc là vụ lật tàu trên Vịnh Hạ Long làm 49 người lâm nạn với 39 tử vong. Rồi liền sau đó là bão Wipha (bão số 3 năm 2025) đổ bộ vào Bắc Bộ Việt Nam với sức gió mạnh và mưa lớn kèm lũ quét. Hệ quả là ở Nghệ An đã có ít nhất 3 người thiệt mạng, một người mất tích, hơn 3.700 ngôi nhà bị ngập, hơn 1.600 ha lúa và 1.290 ha cây ăn quả bị phá hủy.
"Sự xuất hiện bất ngờ của thời tiết cực đoan và thiên tai khiến chỉ trong vài phút dễ dàng xảy ra thảm kịch, như trường hợp lật tàu ở Hạ Long", GS.TS Phan Văn Tân nói.
Chủ động ứng phó để giảm thiểu thiệt hại
GS.TS Phan Văn Tân cho biết, trong bối cảnh thiên tai ngày càng khốc liệt và khó lường, đội ngũ các nhà khí tượng thủy văn, các dự báo viên chính là lực lượng tuyến đầu âm thầm nhưng vô cùng quan trọng.
"Nếu như quân đội đóng vai trò bảo vệ lãnh thổ, gìn giữ an ninh quốc gia trong thời bình, chiến đấu bảo vệ tổ quốc trong thời chiến, thì các chuyên gia khí tượng thủy văn, những người làm công tác dự báo chính là "người lính" trên mặt trận phòng tránh thiên tai.
Trong "thời bình", những lúc "trời yên biển lặng" họ giúp người dân và chính quyền chủ động trong hoạt động sản xuất, sinh sống, du lịch... Nhưng khi có "chiến tranh", tức là khi mưa lớn, lũ lụt, hạn hán, nắng nóng, rét đậm, rét hại,… đặc biệt khi áp thấp nhiệt đới, bão ập đến họ, những dự báo viên, phải "trực chiến" liên tục, phân tích dữ liệu, vận hành mô hình, đưa ra dự báo kịp thời, chính xác đến từng giờ, từng khu vực, giúp chính quyền và người dân sẵn sàng ứng phó, giảm thiểu thiệt hại. Không có tiếng súng, không có khói lửa, nhưng cuộc chiến với thiên tai đòi hỏi tinh thần kỷ luật, kiến thức chuyên sâu, và sự tập trung cao độ, những phẩm chất không khác gì một người lính, hơn nữa là lính đặc nhiệm, thực thụ", GS.TS Phan Văn Tân ví von.
Trong lĩnh vực khí tượng – thủy văn, dù có những giai đoạn thời tiết yên ổn, thiên tai không xuất hiện thường xuyên, nhưng việc duy trì và phát triển đội ngũ các nhà khoa học, các dự báo viên vẫn là yêu cầu sống còn. Thiên tai, như bão mạnh, hạn hán, nắng nóng cực đoan hay lũ quét, cũng là một dạng "kẻ thù" vô hình, không báo trước, và sức tàn phá có thể sánh ngang hoặc vượt xa nhiều so với một cuộc xung đột quân sự.
Chuyên gia phân tích, một quốc gia không thể chờ đến khi có chiến tranh mới tuyển quân, cũng như không thể chờ đến khi có thiên tai mới bắt đầu đào tạo cán bộ khí tượng thủy văn. Đầu tư vào nguồn nhân lực khí tượng thủy văn, từ đào tạo cơ bản, nâng cao chuyên môn, đến giữ chân các chuyên gia giỏi, chính là cách bảo vệ đất nước một cách chủ động và bền vững.
Trong cuộc chiến với biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai ngày càng phức tạp, những con người làm việc âm thầm sau màn hình máy tính, trước các bản đồ số ở các trung tâm dự báo… chính là "lực lượng đặc nhiệm" góp phần bảo vệ tính mạng, tài sản và ổn định xã hội, không bằng súng đạn, mà bằng tri thức, khoa học và tinh thần cảnh giác không ngơi nghỉ. Để có được đội ngũ đó, việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, bổ sung lực lượng không thể bị gián đoạn.
Thiên tai không thể ngăn chặn được hoàn toàn, nhưng thiệt hại do thiên tai có thể giảm thiểu đáng kể nếu chúng ta chủ động ứng phó từ sớm. Và muốn chủ động, thì phải có con người. Đội ngũ dự báo viên và nhà khoa học khí tượng thủy văn chính là "lực lượng đặc nhiệm" thầm lặng, bảo vệ sự ổn định quốc gia bằng trí tuệ, kỷ luật và tinh thần trách nhiệm.
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, những năm qua, công tác phòng, chống thiên tai của nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, trước tình hình thiên tai ngày càng cực đoan, bất thường, nhiều tồn tại kéo dài vẫn chưa được khắc phục triệt để, đồng thời phát sinh các vấn đề mới cần sớm được xử lý.
Về công tác dự báo, cảnh báo, sẽ tập trung đầu tư nâng cao năng lực dự báo sớm, chính xác, đặc biệt cho các thiên tai bất thường. Bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai chi tiết đến cấp thôn, bản sẽ được hoàn thiện trong thời gian tới. Bên cạnh đó, việc đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị cho các lực lượng ứng phó tại chỗ sẽ được ưu tiên. Công tác tập huấn, diễn tập được tổ chức đa dạng, sát với thực tế tại từng địa phương. Đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã sẽ được trang bị thêm công cụ, phương tiện phù hợp.
Xác định khoa học công nghệ là đòn bẩy then chốt trong phòng chống thiên tai, Việt Nam sẽ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ viễn thám, UAV, dữ liệu lớn để nâng cao năng lực dự báo và theo dõi thiên tai