Bão mạnh, mưa to, hồ đầy - kích hoạt hệ thống ứng phó khẩn cấp
Tại cuộc họp ứng phó với bão số 3 (bão Wipha) chiều ngày 18/7, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, diễn biến thiên tai năm nay bất thường, cực đoan ngay từ đầu năm, khác với năm ngoái vốn tương đối yên ả trong nửa đầu năm. Mưa lớn, sạt lở đất đã xuất hiện sớm và gây thiệt hại đáng kể tại nhiều địa phương.
Việt Nam đang bước vào chu kỳ có khả năng lặp lại thiên tai nghiêm trọng theo "quy luật 2 năm" – tức hai năm liên tiếp có thể xảy ra hạn hán lớn hoặc mưa lũ lớn. Năm ngoái đã chứng kiến mưa bão nghiêm trọng, vì vậy năm nay có nguy cơ tiếp tục xuất hiện một đợt thiên tai tương tự, dù có thể ở mức độ nhẹ hơn.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường chỉ đạo khẩn cấp triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 3 đang tiến vào Biển Đông.
Một số chỉ báo thủy văn cho thấy nước trong các hồ chứa đang ở mức rất cao – nhiều hồ đạt 90% dung tích thiết kế, tiềm ẩn nguy cơ nếu mưa lớn kéo dài.
Bão WIPHA đã hình thành trên vùng biển phía Đông Philippines và được đặt tên theo tiếng Thái Lan. Dự báo sáng 19/7, bão sẽ đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 3 năm nay. Đến sáng 21/7, bão có thể đạt cường độ mạnh nhất cấp 12, giật cấp 15 khi đi gần đảo Hải Nam (Trung Quốc).
Khả năng cao, bão sẽ bắt đầu ảnh hưởng đến đất liền nước ta từ tối 21/7, với gió giật cấp 9–10. Từ ngày 22/7, khu vực từ Quảng Ninh đến Nghệ An sẽ nằm trong vùng ảnh hưởng. Dù hiện nay chưa chắc chắn đường đi chi tiết, nhưng mọi mô hình dự báo đều thống nhất rằng bão sẽ tác động đến Việt Nam, gây mưa lớn, ngập úng, lũ quét và sạt lở đất.
Hai đợt mưa lớn liên tiếp, nguy cơ kéo dài đến 25/7
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhận định, bão WIPHA được dự báo sẽ gây một đợt mưa lớn diện rộng từ ngày 21 đến 24/7, tập trung tại Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, với lượng mưa phổ biến từ 300–350mm, có nơi lên đến 500mm.
Sau đó, từ ngày 25–26/7, có thể xuất hiện thêm một đợt mưa nữa do ảnh hưởng của một rãnh thấp liên kết với một cơn bão khác đang di chuyển ở phía Bắc khu vực. Mưa kéo dài nhiều ngày cộng với nền đất yếu do mưa liên tục từ đầu năm, sẽ tăng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi và ngập úng nghiêm trọng tại đô thị.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị các đơn vị chuyên môn như Tổng cục Thủy lợi, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, Cục Trồng trọt, Tổng cục Thủy sản… phối hợp chặt chẽ, theo dõi sát diễn biến và duy trì trực ban 24/24h.
Bộ cũng đề xuất triển khai lực lượng xuống các xã trọng điểm có nguy cơ cao, vừa ứng phó thiên tai, vừa là dịp kiểm nghiệm thực tế năng lực điều hành tại cơ sở. Dự kiến huy động hàng trăm cán bộ, phối hợp với địa phương từ tối 21/7 – thời điểm bão có khả năng đổ bộ.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, hiện nhiều công trình xây dựng, hồ chứa lớn – nhỏ, khu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và các đô thị như Hà Nội, Thái Nguyên… đều có nguy cơ ngập lụt, thiệt hại nếu bão gây mưa lớn. Bộ yêu cầu các địa phương ra soát kỹ các công trình đang thi công, kho tàng, hệ thống tiêu thoát nước đô thị, có phương án bảo vệ tài sản và tính mạng người dân.
Đặc biệt lưu ý tình trạng ngập úng tại các đô thị miền Bắc đang có xu hướng trầm trọng hơn trong năm nay, cần có phương án tiêu thoát nước linh hoạt khi mưa lớn xảy ra.
Lãnh đạo Bộ cũng đề nghị lực lượng công an, quân đội, biên phòng phối hợp chủ động; các đơn vị ngoại giao và giao thông tiếp tục trao đổi với các nước bạn để hỗ trợ tàu thuyền tránh trú bão. Đối với các cơ sở nuôi thủy sản, kêu gọi sơ tán hoặc thu hoạch sớm nếu điều kiện cho phép.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường khẳng định sẽ báo cáo Chính phủ để tổ chức họp trực tuyến với các địa phương vào chiều Chủ nhật (20/7), khi bão đã đi vào Biển Đông và các dự báo đã rõ ràng hơn. Mục tiêu là chủ động cao nhất, hạn chế tối đa thiệt hại, giữ vững an toàn cho người dân và ổn định sản xuất – đời sống.