Sáng 11/11, Quốc hội tiếp tục triển khai phiên chất vấn và trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thứ 3 là giáo dục – đào tạo. Điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn là Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Người trả lời chất vấn liên quan đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo là Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn.
Tăng cường kiểm tra các ngành đào tạo về sức khỏe
ĐBQH Nguyễn Thị Thu Dung – Thái Bình, chất vấn về việc nhiều trường đào tạo đa ngành có xu hướng mở mã ngành đào tạo khối sức khoẻ, nhưng điểm tuyển sinh đầu vào của các trường này chênh lệch so với các trường đào tạo chuyên ngành là rất lớn, thậm chí có những ngành chênh 10 điểm. Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Y tế đã khẳng định điều kiện để mở mã ngành khối sức khỏe là rất chặt chẽ, tuy nhiên thực thế có những trường được Bộ GD&ĐT cho phép mở ngành đào tạo lĩnh vực này khi chưa có sự thẩm định của Bộ Y tế. Đề nghị Bộ trưởng GD&ĐT có ý kiến gì về vấn đề này.
Giải trình về vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, việc mở các mã ngành về sức khỏe được tiến hành theo các quy định, quy chuẩn. Trong tự chủ đại học, thì việc mở các ngành là quyền của các đơn vị. Nhưng riêng 2 nhóm về sức khỏe và sư phạm thì Bộ vẫn thẩm định.
"Việc mở các mã ngành về sức khỏe đã có các tiêu chuẩn, tiêu chí rất nghiêm ngặt, và tất cả vẫn đang tuân thủ điều đó. Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường rà soát, kiểm tra, xem xét các vấn đề còn chưa chặt chẽ, cần bổ khuyết thêm" - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Đã nhiều lần tinh giản chương trình học trực tuyến
ĐBQH Trương Ngọc Ánh – Cần Thơ chất vấn, việc dạy và học trực tuyến là cần thiết nhưng chương trình vẫn theo là trực tiếp, gây áp lực cho cả cô và trò, bắt buộc giáo viên ưu tiên nội dung để dạy, khiến học sinh bị lệch kiến thức. Bộ GD&ĐT có giải pháp gì để đảm bảo kiến thức cho học sinh, để khi các em quay lại trường thì không bị lệch, hổng kiến thức.
Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, việc dạy chương trình giáo dục phổ thông năm nay, Bộ đã ban hành văn bản số 4040 về việc xác định chương trình cốt lõi theo hướng tinh giảm để dạy trực tuyến và truyền hình.
Các năm 2019, 2020, Bộ đã 2 lần tinh giản chương trình cho phù hợp từ xa. Và năm 2021 lại thêm một lần rà soát, và vẫn xác định chương trình vẫn đầy đủ nội dung cốt lõi. Với các địa phương dạy trực tiếp thì dạy trước, còn nơi dạy trực tuyến bám theo chương trình cốt lõi, khi quay lại trường thì củng cố và giảng dạy thêm.
"Đây là biện pháp ứng phó với yêu cầu trực tuyến cũng như đa dạng cho các vùng miền, chứ không phải là dạy chương trình học trực tiếp cho học trực tuyến" – Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Cũng trả lời chất vấn đại biểu đoàn Cần Thơ về vấn đề 165 học sinh phổ thông có số điểm cao (27 trở lên) mà không đỗ nguyện vọng, theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, trong đó nhiều học sinh đăng ký duy nhất nguyện vọng vào Trường Công an, Quân đội. Vì mỗi trường đặt ra chỉ tiêu nên có những nhóm ngành tuyển rất ít. Đó là những lý do một số học sinh điểm cao không đỗ.
"Nhưng có một vài điểm cần điều chỉnh trong các phương án xét tuyển của các trường ĐH năm tới. Việc tuyển sinh là quyền của các cơ sở GDĐT, song phải nằm trong chế tài cho phép, Bộ sẽ rà soát không nên có quá nhiều phương án tuyển trong một trường, gây rủi ro cho thí sinh" - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nói thêm.
Học trực tuyến khó thay thế trực tiếp
Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Văn Tuấn - Đoàn Bắc Giang về khắc phục tình trạng giáo dục rèn luyện kỹ năng cho học sinh gặp khó khăn do dịch COVID-19, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhìn nhận, dạy học trực tuyến đã ảnh hưởng đến trang bị kỹ năng cho học sinh, đặc biệt là kỹ năng được hình thành thông qua tương tác trực tiếp, thực hành.
"Ngành giáo dục nhận thấy việc dạy học trực tuyến khó thay thế cho học trực tiếp. Do đó, sau khi học sinh quay trở lại trường cần đặc biệt tăng cường trang bị các kỹ năng cho học sinh. Đương nhiên cần phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong vấn đề này", Bộ trưởng nói.
Trong trường hợp dịch bệnh kéo dài, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng cần có giải pháp tổng thể, trong đó cần củng cố tăng cường hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị dạy học; tiếp tục các bài giảng truyền hình; tăng cường kiểm tra, giám sát trong việc bảo đảm thời gian, nội dung chương trình giảng dạy; đồng thời tăng cường hỗ trợ tâm lý, tư vấn sức khỏe cho học sinh.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị không “ngăn sống cấm chợ” nhưng phải đảm bảo chống dịch | SKĐS