Khi TP. HCM siết chặt giãn cách theo phương châm "ai ở đâu ở yên đó", tất cả hoạt động cung ứng, phân phối hàng hóa cho người dân được thực hiện qua phương thức "đi chợ hộ".
Tổ hậu cần, tổ COVID-19 cộng đồng, các lực lượng tình nguyện, công an, quân đội được tăng cường tại địa phương sẽ tham gia đi chợ hộ với tần suất 1 lần/tuần và tổ chức phân phối trực tiếp đến từng hộ dân. Tuy nhiên, thời gian gần đây đã xảy ra nhiều trường hợp người dân bị lừa đảo chuyển tiền để "đi chợ hộ".
Cụ thể, chị H. (ngụ phường 11, quận 3) tham gia vào nhóm "đi chợ giúp dân" của địa phương trên mạng xã hội Zalo để nhờ mua thực phẩm.
Thấy nhu cầu của chị, một tài khoản tên Nguyễn Văn Công tự xưng là người đi chợ hộ đã nhắn tin riêng cho chị.
Tiếp đó, tài khoản này yêu cầu chị ứng trước 500.000 đồng để đi chợ hộ. Tuy nhiên sau khi chuyển tiền, tài khoản Nguyễn Văn Công đã chặn Zalo của chị H. Biết mình bị lừa, chị H. đã thông báo cho mọi người biết để xóa tài khoản này ra khỏi nhóm.
Trước sự việc này, người điều hành nhóm thuộc Hội Phụ nữ phường đã xin lỗi chị H về để sự cố đáng tiếc xảy ra. Cùng đó, sẽ tiến hành kiểm duyệt thành viên vào nhóm chặt chẽ hơn. Đáng chú ý, không chỉ chị H., nhiều người dân khác tại phường 11, quận 3 cũng bị tài khoản Nguyễn Văn Công lừa chuyển tiền 500.000 đồng/người.
Theo UBND phường 11, nhóm "đi chợ giúp dân" do Hội phụ nữ phường lập ra nhằm hỗ trợ người dân mua nhu yếu phẩm. Số điện thoại, số tài khoản của người phụ trách "đi chợ hộ" được đăng tải cụ thể.
Thế nhưng, lợi dụng sự thiếu cảnh giác của người dân, các đối tượng xấu vẫn thực hiện hành vi lừa đảo. UBND phường đã đề nghị cơ quan công an vào cuộc điều tra và đề nghị người dân nâng cao tinh thần cảnh giác.
Người dân chỉ liên lạc với các cá nhân mà phường phân công nhiệm vụ để được hỗ trợ. Mỗi hộ dân sẽ được đăng ký "đi chợ hộ" một lần/tuần.
Liên quan đến hành vi này, Sở Công Thương TP. HCM cho biết, tình trạng lừa đảo "đi chợ hộ" đang xảy ra tại nhiều quận trên địa bàn thành phố.
Ngoài thủ đoạn "xâm nhập" vào các nhóm mạng xã hội lừa chuyển tiền để "đi chợ hộ", khá nhiều người dân tại quận 10 nhận được tin nhắn gửi các combo mua hàng và đăng ký "đi chợ hộ". Trong nội dung tin nhắn, các đối tượng này đề nghị người dân chuyển khoản trước để họ dễ dàng mua hàng.
Tuy nhiên, sau khi cơ quan chức năng xác minh thông tin, toàn bộ tin nhắn trên là giả mạo, không phải của tổ hậu cần ở địa phương. Mặt khác, địa phương này cũng không có hình thức mời chào như trên.
Theo Sở Công Thương TP. HCM, để đảm bảo công tác "đi chợ hộ" cho dân được tốt hơn, Sở quyết định phân công nhiệm vụ cho từng cán bộ trong việc theo dõi, phụ trách các địa bàn quận, huyện.
Theo đó, cá nhân phụ trách phải đảm bảo theo dõi, nắm bắt tình hình cung ứng hàng hóa tại các hệ thống bán lẻ, nhu cầu của người dân trên địa bàn. Người dân, doanh nghiệp có thể liên hệ cá nhân phụ trách địa bàn để được hỗ trợ trong việc đặt mua hàng.
Sở Công Thương cũng khuyến cáo người dân nên liên hệ với Tổ dân phố, Hội phụ nữ và các đoàn thể của phường để đăng ký đi chợ hộ nhằm đảm bảo việc mua sắm diễn ra an toàn và tránh bị lừa đảo.