Từ nhu cầu thực tế của bệnh nhi, lo lắng khi nằm viện, kiến thức sẽ không theo kịp các bạn, Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Nhi đồng 1 đã mở 2 lớp học đặc biệt có tên là "Lớp học vui vẻ" được triển khai ở 3 khoa của bệnh viện là Khoa Nhiễm – Thần kinh, Khoa Sốt xuất huyết và Khoa Thận nội tiết từ đầu tháng 1/2024.
Ông Chu Văn Thành – Phó phòng công tác xã hội, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, trong thời gian nằm viện, các bé vẫn sẽ được dạy kiến thức về văn hóa như ở trường học và các kỹ năng sống còn hạn chế. "Lớp học vui vẻ" dành cho bệnh nhi điều trị nội trú. Hiện tại, ngoài việc giúp các bệnh nhi khó khăn, bệnh viện đã có thêm khu giải trí, khu vui chơi và hiện tại đã có thêm lớp học chữ cho bệnh nhi. Thời gian bệnh nhi ở bệnh viện sẽ có cảm giác thoải mái hơn.
Theo ông Thành, lớp sẽ được triển khai dành cho các trẻ có độ tuổi từ lớp 1 đến lớp 5 đang điều trị ở bệnh viện. Mỗi buổi học sẽ bắt đầu vào lúc 9h – 10h30 từ thứ 2 – thứ 6. Trong đó, bệnh nhi sẽ được học các môn văn hóa như Toán, Tiếng Việt, Anh văn vào thứ 2, thứ 4, thứ 6; bệnh nhi sẽ được trang bị các kỹ năng mềm vào thứ 3, thứ 5.
Ngồi ngoài cửa nhìn đứa cháu nội 4 tuổi của mình, bà Phượng (sinh năm 1973, quên Bến Tre) kể, cháu bà sinh ra chỉ có 1,9kg, cứ như vậy rồi bệnh suốt đến bây giờ như hẹp phế quản, lủng bao tử, giãn bể thận, xẹp phổi, viêm màng não.
"Cứ 3 tháng ở viện, 3 tháng lại về. Đợt trước vào đây cháu buồn lắm, giờ có lớp học vui vẻ, tới giờ cháu học tôi cũng tranh thủ đi xin cơm từ thiện chứ không phải dẫn cháu đi theo nữa. Ông bà nội lớn tuổi rồi, đâu có dạy được nhiều như các cô ở đây. Tôi không mong gì nhiều, chỉ mong cháu biết đọc biết viết, khỏe mạnh là mừng lắm rồi", bà Phượng nói.
Cũng có con đang là học sinh ở "lớp học vui vẻ", anh Toàn (sinh năm 1985, TPHCM) cho rằng, "lớp học vui vẻ" mở ra ở bệnh viện rất phù hợp, đáp ứng được nhu cầu của các bé và cả người chăm bé.
Theo anh Toàn, con anh nhập viện do chân bị giựt khoảng 10s, mỗi lần giựt sẽ té và co cứng người. Lo lắng anh Toàn cho con nhập Khoa Nhiễm – Thần kinh tại bệnh viện để theo dõi, điều trị.
"Hiện tình trạng giựt của bé cũng đỡ khi uống thuốc nhưng vẫn chưa tìm ra nguyên nhân, tiếp tục theo dõi nên không biết khi nào về. Bình thường 2 cha con cứ quanh quẩn ở giường bệnh. Giờ con học, tôi cũng có thể ngồi chơi cờ tướng hay đọc báo, tâm trạng đỡ căng thẳng hơn khi chờ đợi kết quả", anh Toàn chia sẻ.
Tương tự, bé Phương Vy – đang điều trị tại Khoa Thận nội tiết cho biết: "Con thường xuyên ra vô bệnh viện nên từ lúc có lớp này, con đỡ buồn hơn. Thời gian ở viện cũng trôi qua nhanh và đỡ sợ hơn".
Tại Khoa thận Nội Tiết, những đôi tay bé xíu mang có gắn kim để truyền thuốc cầm viết không chặt nhưng vẫn viết, vẫn tô.
Ngọc Trân (sinh năm 2000, quê Long An), hiện đang dạy cho các bé ở Khoa thận nội tiết cho biết, em cảm thấy thật may mắn khi được học đúng ngành và làm đúng nghề.
"Thật ra lúc đầu cũng thấy khó, nhưng vì tình thương, tụi em luôn cố gắng trau dồi về kiến thức, kỹ năng và tâm lý để có thể đồng hành cùng các bé trong thời gian các bé điều trị ở viện", Trân nói.
Theo Trân, từ khi lớp mở đến nay, em rất mừng vì phụ huynh và các bé đều rất thích thú với lớp học vui vẻ.
Chí Trâm (sinh năm 2000, ngụ TPHCM) cảm thấy rất vui khi được đi dạy ở môi trường đặc biệt như này.
"Khi hỗ trợ dạy các bé ở lớp học vui vẻ, em cảm thấy vui và rất ý nghĩa. Thấy mấy bé đỡ buồn, cười nhiều hơn và mong gặp mình mỗi ngày mình cũng thấy hạnh phúc", Chí Trâm tâm sự.
Để chuẩn bị lớp học, trước đó, nhân viên Phòng Công tác xã hội đã đến từng khoa hỏi thăm các bệnh nhi để tổng hợp danh sách theo từng độ tuổi, lớp học. Ông Thành cho biết, các bạn ở Phòng Công tác xã hội tự tìm tài liệu giảng dạy. Bên cạnh đó, phòng sẽ nhờ giảng viên, sinh viên Trường Đại học Sư phạm hỗ trợ để tập huấn bài giảng chuyên môn để các bạn lên lớp dạy tốt hơn.
"Sắp tới, nếu có đủ nhân lực thì sẽ mở thêm lớp ở nhiều khoa. Những bệnh nhi không đủ khả năng đến lớp để học sẽ được các bạn đến hỗ trợ dạy học tận khoa, tận giường", Phó phòng công tác xã hội – Bệnh viện Nhi đồng 1 cho hay.