Hà Nội

Chuyện ở lớp học đặc biệt nơi miền biên giới

05-09-2022 10:58 | Xã hội

SKĐS - Khác với mọi lớp học khác, lớp học xóa mù chữ ở huyện Bình Liêu, Quảng Ninh khá đặc biệt, bởi chỉ học vào các tối và không phân biệt lứa tuổi... thậm chí có học sinh đến lớp, tay còn ẵm con thơ.

Biết chữ sẽ không sợ nghèo, sợ dốt

Nằm ở biên giới của tỉnh Quảng Ninh, Bình Liêu là huyện miền núi tập trung chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ dân trí thấp, kinh tế gặp nhiều khó khăn. Với đặc thù đó, Bình Liêu có tỉ lệ người dân mù chữ cao nhất của tỉnh Quảng Ninh. Việc mở lớp học đặc biệt xóa mù chữ cho người dân vùng cao đã nhanh chóng triển khai và ra đời.

Chuyện ở lớp học đặc biệt nơi miền biên giới - Ảnh 1.

Sau khi hoàn tất việc nhà, những học viên của thôn Khe Tiền, xã Đồng Văn lại gọi nhau tới lớp

Chuyện ở lớp học đặc biệt nơi miền biên giới - Ảnh 2.

Có người còn mang theo cả con gái tới lớp học, tranh thủ nhờ cô giáo kèm cặp cả con mình...

Để giúp người dân tiếp cận với con chữ, chính quyền huyện Bình Liêu đã mở 7 lớp học xóa mù chữ tại các thôn bản, thu hút được hơn trăm học viên cùng tham gia học.

Tại thôn Khe Tiền, xã Đồng Văn của huyện Bình Liêu, việc học được bắt đầu từ 19h30-21h các ngày từ thứ 2 tới thứ 6. Đây cũng là lớp học nằm cách xa trung tâm huyện (khoảng 30km) và đặc biệt bởi học sinh không cùng 1 lứa tuổi mà khá đa dạng.

Người cao tuổi nhất của lớp tầm 60 tuổi và nhỏ nhất khoảng 36 tuổi; có người đã được làm ông, làm bà hoặc mang gánh nặng trụ cột gia đình. Vì thế, thời gian dành cho việc học của họ sẽ vào các buổi tối sau khi kết thúc 1 ngày nương, rẫy.

Chuyện ở lớp học đặc biệt nơi miền biên giới - Ảnh 3.

Những bàn tay thô ráp vốn quen với con dao, cái quắm, nay cầm bút nắn nót viết từng nét nom ngượng nghịu nhưng tràn đầy say mê

Chuyện ở lớp học đặc biệt nơi miền biên giới - Ảnh 4.

Việc dạy chữ cho người lớn tuổi, lại là người dân tộc quả không dễ dàng gì

Là học sinh thuộc nhóm lớn tuổi nhất lớp, chị Tằng Xám Múi, 50 tuổi, dân tộc Dao vui vẻ, khoe: "Giờ, trong thôn hầu như ai cũng biết chữ, biết đọc rồi biết viết. Nếu mình không biết thì lạc hậu lắm. Sau khi theo học ở đây, tôi đã có thể ghép vần đọc được một số từ đơn giản. Tôi đang mong sau hết khóa học này, tôi sẽ đọc và viết được tiếng Việt thành thục. Biết chữ sẽ không sợ nghèo, sợ dốt nữa".

Theo chị Múi, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhà lại đông con nên ngày nhỏ chị không được đi học. Bao năm sống trong cảnh mù chữ, cuộc sống của chị giống như "bóng tối thu nhỏ". Từ lâu, chị đã ấp ủ được đi học để thoát khỏi cảnh mù chữ. Chị mong ước mình biết chữ và biết đọc như bao người khác nhưng vì nhiều lý do, cơ hội theo học con chữ của chị cứ thế bị "trôi" đi. May nhờ cán bộ xã và giáo viên tuyên truyền vận động, chị biết được lớp học này mở tại nhà văn hóa thôn nên quyết định đăng ký, cố gắng theo học.

Giáo viên "3 cùng"

Việc dạy chữ cho học sinh vùng cao vốn đã gian nan, lại dạy cho những người lớn tuổi là cả một sự vượt khó, kiên trì của những người đứng lớp. Những giáo viên được huyện lựa chọn vào nhóm lớp này đều là những giáo viên trẻ, yêu nghề, rộng lòng chia sẻ và có tinh thần trách nhiệm với cộng đồng và ưu tiên người địa phương.

Chuyện ở lớp học đặc biệt nơi miền biên giới - Ảnh 5.

Để "kéo" được học viên đặc biệt tới lớp, giáo viên phải thực hiện "3 cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc) với họ một thời gian dài.

Những lớp xóa mù chữ thường kéo dài 6 tháng. Để mở được lớp xóa mù chữ, chính quyền địa phương và giáo viên phải vận động bà con nhiều lần; thậm chí giáo viên phải thực hiện "3 cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc) với họ để giữa 2 bên hiểu và tin tưởng nhau trước khi tới lớp.

Cô giáo Trương Thị Nga, hiện đang dạy lớp học xóa mức độ 2 (lớp 4-5) ở thôn Khe Tiền, xã Đồng Văn tâm tư: Từ khi lấy chồng ở vùng đất này cho đến nay, tôi đã dạy được 4 lớp xóa mù chữ như thế này. Các khóa trước đây thì dạy gần nhà, còn bây giờ điểm dạy khá xa nên mỗi tối đi dạy đều phải nhờ chồng đưa đi. Khi mới nhận nhiệm vụ đứng lớp, tôi cũng rất lo, vì không biết với độ tuổi cao như vậy, học viên có tiếp thu được không. Khó nhất là học viên người dân tộc thiểu số, sử dụng nhiều ngôn ngữ, phong tục, tập quán khác nhau, nên việc dạy chữ khó hơn. Ban đầu học thì cũng khó lắm, tay ai cũng cứng đơ tưởng không viết được. Sau vài ngày học làm quen còn bỡ ngỡ, bây giờ ai cũng tự tin, mạnh dạn, xung phong lên bảng.

Chuyện ở lớp học đặc biệt nơi miền biên giới - Ảnh 6.

Với mỗi học viên, giáo viên lớp học đặc biệt lại phải đưa ra bài dạy khác nhau để đáp ứng mức độ tiếp thu.

Theo cô Nga, với những học viên đã biết viết rồi thì cô sẽ dạy chép bài vào vở và trình bày lại cho đẹp. Còn những ai mà quên rồi thì giáo viên sẽ dạy lại chữ cái bởi có những học viên cao tuổi hay quên, lại ít đi học nên phải luyện lại cho mọi người nhớ bảng chữ cái.

Để duy trì được việc học viên đến lớp đều, nhất là vào mùa hoa hồi (người dân vùng này thường lên rừng hái hoa hồi về bán) hầu hết ai cũng mệt, đi về muộn nên quên cả đến lớp. Có những hôm, giáo viên tới lớp chờ mãi không thấy học viên đâu lại phải cùng trưởng thôn vào bản, gọi từng người đi học, cô Nga trải lòng.

Chuyện ở lớp học đặc biệt nơi miền biên giới - Ảnh 7.

Nhiều học viên còn phải đưa con tới lớp học cùng.

Chia sẻ về lớp học xóa mù chữ trên địa bàn, anh Tằng Vằn Dào - Phó Chủ tịch xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu cho biết: "Hiện nay, trên địa bàn xã Đồng Văn có 2 lớp xóa mù chữ, mỗi lớp khoảng 20 học viên, chủ yếu là đồng bào dân tộc. Họ sống rải rác, đường sá đi lại khó khăn, xa lớp học. Công việc của bà con nơi đây chủ yếu của là đi rừng nên khá nặng nhọc, thường xuyên về muộn. Hơn nữa, họ đều là trụ cột, lao động chính trong gia đình nên khi về nhà lại phải lo việc nhà. Bởi thế, công tác vận động họ tới lớp để học vào các tối cũng không hề đơn giản. Tuy nhiên, sau khi được chính quyền nói về lợi ích của việc biết chữ, biết viết thì bà con cũng rất hăng hái và ủng hộ.

Từ đầu năm 2022 đến nay, huyện Bình Liêu đã triển khai mở được 7 lớp học xóa mù chữ, với 127 học viên tham gia học (Xã Đồng Văn 2 lớp, với 40 học viên; xã Hoàng Mô 1 lớp, với 16 học viên; xã Đồng Tâm 1 lớp, với 17 học viên; xã Lục Hồn 1 lớp, với 17 học viên; xã Vô Ngại 1 lớp, với 22 học viên; xã Húc Động 1 lớp, lớp 15 học viên

Mời quý vị xem thêm video về lớp học đặc biệt này:

Một tối ở lớp học đặc biệt xã Đồng Văn, Bình Liêu, Quảng Ninh

Thế Nam - Minh Lý
Ý kiến của bạn