Những kỹ năng cần thiết giúp trẻ phòng, tránh bạo lực học đường

19-12-2023 10:50 | Xã hội

SKĐS - Bạo lực học đường là vấn đề trăn trở trong mỗi nhà trường và cũng là nỗi lo lắng của các bậc phụ huynh. Đặc biệt, thời gian gần đây, tình trạng này xảy ra liên tiếp và trở nên phức tạp. Để phòng tránh vấn nạn này cần trang bị những kỹ năng cần thiết cho trẻ.

Những vụ bạo lực học đường rúng động năm 2023

Năm 2023 đã xảy ra rất nhiều vụ việc học sinh gây gổ, đánh nhau chỉ vì những phát ngôn trên mạng hay xích mích cá nhân mà để lại hậu quả khôn lường.

Mới đây, một nữ sinh lớp 8 ở Long An bị nhóm bạn lột áo, đánh hội đồng phải nhập viện cấp cứu điều trị do trên cơ thể có nhiều vết thương gây phẫn nộ dư luận. Theo trình bày của nữ sinh bị đánh, khi tan học em đang chờ bà nội đón về thì một học sinh cùng trường rủ đến công viên chơi. Tới nơi, nhóm nữ sinh gần như đã chờ sẵn. Một học sinh nữ chỉ mặt em và nói: "Mày nói ai mặt đắp cả tấn kem, phấn?". Sau đó, nữ sinh này lao vào đè em xuống nền đánh tới tấp. Em chỉ biết lấy tay ôm mặt, đầu. Không chỉ bị đánh bằng tay, chân, em còn bị đánh mạnh vào đầu nhiều lần bằng nón bảo hiểm".

Trong tháng 11, tại TP. Buôn Ma Thuột liên tiếp xảy ra các vụ bạo lực học đường với nhiều đối tượng liên quan. Điển hình là vụ việc vào trưa 15/11, do có mâu thuẫn từ trước, nhóm học sinh trong đó có T.N.H (16 tuổi) và nhóm học sinh trong đó có L.H.T (15 tuổi) hẹn đánh nhau. Các bên hẹn nhau ở một cánh đồng. Hai đối tượng đi xe máy tới cầm dao, rựa lao vào đánh và chém em H. vào các vị trí gáy, lưng và cùi chỏ tay trái. Người dân đã đưa em H. tới bệnh viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. 

Đầu tháng 10, vào giờ ra chơi, một nữ sinh lớp 10 tại Đắk Lắk bị bạn học cùng lớp dùng guốc nhọn đánh thẳng vào đầu, chảy nhiều máu và phải đi cấp cứu khâu 4 mũi ở đầu.

Những kỹ năng cần thiết giúp trẻ phòng, tránh bạo lực học đường- Ảnh 1.

Những kỹ năng cần thiết giúp trẻ phòng, tránh bạo lực học đường- Ảnh 2.

Những kỹ năng cần thiết giúp trẻ phòng, tránh bạo lực học đường- Ảnh 3.

Những kỹ năng cần thiết giúp trẻ phòng, tránh bạo lực học đường- Ảnh 4.

Năm 2023 đã xảy ra rất nhiều vụ việc học sinh gây gổ, đánh nhau chỉ vì những phát ngôn trên mạng hay xích mích cá nhân mà để lại những hậu quả khôn lường.

Một vụ việc khác cùng xảy ra vào tháng 10, mạng xã hội lan truyền clip dài khoảng 50 giây về vụ bạo lực tại nhà vệ sinh Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, quận Gò Vấp, TP.HCM. Theo đó, 3 nữ sinh thay nhau đánh, đá vào đầu, vào mặt một nữ sinh khác. Nữ sinh bị đánh ngã ra sàn nhưng vẫn tiếp tục bị bạn đá, túm đầu dậy đánh tiếp. Trong khi đó, những học sinh đánh bạn còn cử một nữ sinh khác đứng canh cửa. Vừa đánh bạn, nhóm nữ sinh vừa cười đùa.

Vào tháng 9, một nam sinh lớp 10 trường THPT Mỹ Tho, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định đã bị nhóm "đàn anh" lớp 12 cùng trường lôi vào nhà vệ sinh đánh ngất tại chỗ, gãy mũi, gãy răng và đa chấn thương, phải nằm viện điều trị hơn 1 tuần.

Hồi tháng 4, tại Trường THCS Lý Tự Trọng (TP.Huế) xảy ra vụ việc hết sức đau lòng. Trong giờ ra chơi, em N.Đ.Th. đi mua thạch dừa. Lúc ăn, sơ ý để nước thạch dừa chảy vào tay, Th. chùi vào tường của lớp. Lúc này, bạn cùng lớp là H.V.G.B có lời qua tiếng lại. Sau đó, Th. xông vào hành hung, xô B. ngã đầu đập vào bàn học. Giáo viên của trường đã đưa B. đến BV TW Huế cấp cứu nhưng nam sinh không qua khỏi.

3 kỹ năng cần thiết giúp trẻ phòng, tránh bạo lực học đường

Theo TS.BS. Ngô Anh Vinh - Phó Trưởng khoa Sức khoẻ vị thành niên, BV Nhi TW, bạo lực học đường là hành vi ngược đãi, đánh đập, cô lập và những hành động này gây ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe tinh thần và thể chất của trẻ ở học đường. Vấn nạn này gây ra những hậu quả trầm trọng về tinh thần của trẻ như: rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, chán học và bỏ học. Đặc biệt, bạo lực học đường là một trong những nguyên nhân dẫn đến hành vi tự tử của học sinh.

Vì thế, cần có những biện pháp phòng ngừa để có thể phát hiện sớm các vụ bạo lực học đường, tránh được các hậu quả đáng tiếc. Các bậc phụ huynh cần thường xuyên phối hợp với nhà trường để theo dõi quá trình học tập và sinh hoạt của con mình tại trường. Bên cạnh đó, để bảo vệ trẻ khỏi vấn nạn nghiêm trọng này, gia đình và nhà trường cần giáo dục cho trẻ các kĩ năng cần thiết phòng tránh bạo lực học đường.

Kỹ năng xử lý tình huống khi xảy ra bạo lực học đường: Đây là một kỹ năng vô cùng quan trọng mà cha mẹ, thầy cô cần giáo dục cho trẻ. Khi thấy bạo lực nguy hiểm đến bản thân, trẻ cần phải biết kêu cứu để được sự trợ giúp từ thầy cô giáo, gia đình, bảo vệ, bạn bè,… Trẻ có thể kêu cứu bằng cách hét lớn, chạy nhanh đến những nơi an toàn như gặp thầy cô giáo, phòng bảo vệ, nhà dân… hoặc gọi điện thoại cho người thân ứng cứu.

Kỹ năng nhận biết và chủ động chia sẻ trước nguy cơ bạo lực học đường: Trẻ cần nhận biết sớm các dấu hiệu có nguy cơ bạo lực như: nhìn đểu, trêu đùa quá khích, bị cho ra rìa, tẩy chay,… Nếu trẻ nhận biết các dấu hiệu nguy cơ này, trẻ sẽ biết cách cách hành xử để né tránh khỏi bạo lực xảy ra. Khi nhận thấy mình có nguy cơ bị bắt nạt, trẻ nên chia sẻ với cha mẹ, thầy cô giáo hoặc bạn bè của mình. Phụ huynh và thầy cô giáo giúp trẻ nhìn nhận sự việc, từ đó có những ứng xử phù hợp. Ngoài ra, trẻ cũng cần được rèn luyện trong cuộc sống để giúp trẻ mạnh mẽ về thể chất, tinh thần, năng lực. Điều này sẽ giúp trẻ không bị yếu thế và tránh khỏi các đối tượng bắt nạt.

Kỹ năng giao tiếp, hòa nhập với bạn bè: Nên khuyến khích trẻ tham gia vào những hoạt động nhóm như: hoạt động thể thao, ngoại khoá, tiếng Anh… Các hoạt động này sẽ giúp trẻ có được những người bạn thân phù hợp để có thể chia sẻ khi gặp khó khăn. Từ đó trẻ sẽ có được hỗ trợ từ bạn bè nếu trẻ có nguy cơ xảy ra bạo lực học đường như: thông báo với thầy cô giáo, phu huynh hoặc chính bạn bè sẽ chủ động giải quyết sự việc liên quan đến bạo lực học đường.

Cần giáo dục cho trẻ về kỹ năng giao tiếp, ứng xử với bạn bè. Trong cuộc sống và học tập, luôn hoà đồng yêu thương giúp đỡ nhau. Trong mọi tình huống đều nên giải quyết một cách hoà thuận, tránh gây căng thẳng, đối đầu. Nếu sự việc quá khả năng giải quyết,thì trẻ nên tìm sự hỗ trợ từ thầy, cô giáo hoặc từ phụ huynh. Ngoài ra, bản thân trẻ cũng cần có ý thức thông báo với thầy cô giáo hoặc phụ huynh nếu thấy bạn mình bị bắt nạt, bạo lực. Cần giáo dục cho trẻ hiểu việc che giấu thông tin về bạo lực của bạn bè là điều không được phép làm.

Theo thông tư số 32 năm 2020 của Bộ GD&ĐT về điều lệ trường phổ thông, xâm phạm thân thể người khác và đánh nhau là những hành vi học sinh không được làm. Nếu vi phạm, trường học có thể xử lý theo ba hình thức: Nhắc nhở; Khiển trách và Tạm dừng học có thời hạn.

Ngoài ra, học sinh đủ 14 tuổi trở lên có thể bị phạt hành chính, phạt tiền hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Luật Xử lý vi phạm hành chính; Bộ luật Hình sự, tùy theo mức độ vi phạm.

Xử phạt học sinh quay clip bạo lực học đường đúng hay sai?Xử phạt học sinh quay clip bạo lực học đường đúng hay sai?

SKĐS - Theo chuyên gia tâm lý, trước khi đưa ra bất kỳ hướng xử lý một vụ việc nào đó liên quan tới bạo lực học đường, hay trong tình huống học sinh quay clip bạo lực học đường thì việc đầu tiên người lớn cần làm đó là: "hỏi chuyện nhẹ nhàng, khách quan đối với từng đối tượng liên quan".


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn