Sáng 20/4, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, Ủy ban Nhân dân huyện Đức Huệ và Trường Đại học Nông Lâm TPHCM đã phối hợp tổ chức chương trình "Tiêm phòng dại vì cộng đồng" lần thứ tư năm 2024.
Bà Đinh Thị Phương Khanh - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An cho biết, 3 tháng đầu năm 2024 tình hình bệnh dại tại Long An rất phức tạp và căng thẳng. Theo đó, tỉnh đã phát hiện 6 trường hợp chó mèo mắc bệnh dại (tại 3 huyện Đức Hoà, Tân Hưng và Đức Huệ).
Đặc biệt, tỉnh đã ghi nhận 2 ca tử vong vì bệnh dại tại huyện Tân Hưng và 1 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh dại hiện đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM ngày 1/3/2024. Bên cạnh đó, ngày 12/4, Long An tiếp tục ghi nhận thêm một ổ dịch dại trên động vật tại huyện Đức Huệ.
Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã tiêm phòng hơn 79.000 liều, đạt 75% tổng đàn. Tuy nhiên, bệnh dại trên người và động vật chưa có dấu hiệu giảm.
Theo ông Phan Quang Minh, Phó chi cục trưởng Cục Thú y cho hay, có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng bệnh dại chưa có dấu hiệu giảm. Theo đó, có thể kể tới một số nguyên nhân như ý thức chủ quan người dân khi cho rằng chó, mèo nhà thì không bệnh dại; người dân chủ quan đối với bệnh dại; tỷ lệ tiêm phòng nhiều năm mặc dù có tỷ lệ khá cao nhưng công tác thống kê đàn chưa đúng với thực tế; đàn tiêm bị sót; tiêm không kịp thời…
Năm 2023, cả nước có gần 500.000 người phải tiêm vaccine phòng bệnh dại. Như vậy, mỗi năm người dân phải bỏ ra khoảng 600 tỷ đồng để tiêm phòng dại.
Để đẩy lùi bệnh dại, chương trình "Tiêm phòng dại vì cộng đồng" diễn ra từ ngày 20/4/2024 đến ngày 27/4/2024 dự kiến sẽ tiêm phòng miễn phí cho 6.500 con chó và mèo tại huyện Đức Huệ. Bên cạnh đó, để nâng cao ý thức người dân đối với bệnh dại sẽ tăng cường công tác truyền thông, cấp phát 4.000 tài liệu tuyên truyền bệnh dại cho hộ nuôi chó mèo; trồng cây dọc các tuyến đường, truyền thông cho các em học sinh tại các trường THCS trên địa bàn huyện…
Phó Cục trưởng Cục Thú y chia sẻ, người nhiễm bệnh dại khi đã lên cơn dại sẽ tử vong 100%. Điều đáng nói, các ca tử vong vì bệnh dại chủ yếu là do chó, mèo của gia đình hoặc hàng xóm cắn. Tâm lý chủ quan "chó, mèo nhà" nên đã dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc.
Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus dại gây ra, bệnh thường lây nhiễm từ động vật như chó, mèo sang người thông qua các vết cắn, cào, liếm vết thương.
Hiện nay, bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nhưng đã có vaccine phòng bệnh. Vậy nên, chúng ta hoàn toàn có thể phòng tránh được bệnh dại. Việc có thể khống chế và loại trừ bệnh dại hiệu quả hay không là ở khâu phòng ngừa, là ở nhận thức và ý thức của mỗi hộ nuôi chó, mèo, là ở hành động cộng đồng trách nhiệm của mỗi người dân