Hà Nội

Số ca tử vong do bệnh dại tăng, TPHCM yêu cầu đảm bảo vaccine tiêm phòng dại

20-03-2024 12:56 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM tiếp nhận điều trị 7 ca do chó mèo cắn, đều là ca nặng và đã tử vong. Sở Y tế TPHCM yêu cầu các cơ sở tiêm chủng đảm bảo nguồn vaccine phòng dại để đáp ứng nhu cầu tiêm chủng của người dân.

Trong bối cảnh bệnh dại đang có xu hướng gia tăng tại nhiều tỉnh, thành, Sở Y tế TPHCM vừa có yêu cầu khẩn về việc tăng cường triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, Sở Y tế TPHCM yêu cầu Trung tâm Y tế quận, huyện và thành phố Thủ Đức tăng cường giám sát chặt chẽ các trường hợp bị chó, mèo nghi dại cắn để hướng dẫn tiêm phòng vaccine đầy đủ. Đồng thời phối hợp với các đơn vị có liên quan truyền thông về sự nguy hiểm, hậu quả của bệnh dại và các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên người và động vật.

Giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC) phối hợp tập huấn và tái tập huấn về chuyên môn cho cán bộ phụ trách công tác phòng, chống bệnh dại trên người.

Bên cạnh đó, phối hợp cùng Chi cục chăn nuôi thú y – Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc chia sẻ thông tin về tình hình bệnh dại và phối hợp điều tra, xử lý ổ dịch kịp thời.

Đối với các cơ sở tiêm vaccine phòng dại, Sở Y tế TPHCM yêu cầu các cơ sở phải đảm bảo nguồn vaccine phòng dại để người dân tiếp cận đầy đủ. Tập huấn cho cán bộ y tế kỹ năng tư vấn, xử trí các trường hợp bị động vật cắn (xử lý vết thương, chỉ định tiêm vaccine, huyết thanh kháng dại đúng, tiêm chủng an toàn).

Số ca tử vong do bệnh dại tăng, TPHCM yêu cầu đảm bảo vaccine tiêm phòng dại- Ảnh 1.

Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM đã tiếp nhận 7 ca do chó mèo cắn rất nặng và đều tử vong.

Theo số liệu thống kê từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, từ đầu năm bệnh viện này tiếp nhận điều trị 7 ca do chó mèo cắn, chủ yếu ở các tỉnh chuyển đến.

Điểm chung của các ca bệnh dại này là chưa tiêm vaccine ngừa bệnh dại sau khi bị chó cắn, có áp dụng các phương pháp phản khoa học. 7 trường hợp này đều rất nặng, được xin về nhà và đã tử vong.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM cũng đã thực hiện tiêm phòng vaccine ngừa dại hơn 5.300 lượt tiêm cho người dân trên địa bàn do bị chó mèo cắn, cào, tăng hơn 1.000 lượt so với hai tháng cùng kỳ năm ngoái.

Các bác sĩ khuyến cáo, hiện bệnh dại không có thuốc điều trị đặc hiệu, khi bệnh nhân được xác định mắc bệnh dại thì tỷ lệ tử vong 100%. Do đó, để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh dại, người dân khi bị chó, mèo cào cắn cần nhanh chóng xử trí vết thương bằng cách rửa nước sạch liên tục khoảng 15 phút, dùng dung dịch i-ốt hoặc cồn 70 độ sát khuẩn lên vết thương, sau đó đến các cơ sở y tế để được tiêm vaccine phòng dại càng sớm càng tốt.

Cách xử trí vết thương để tránh bệnh dại khi bị chó mèo cắnCách xử trí vết thương để tránh bệnh dại khi bị chó mèo cắn

SKĐS - Bệnh dại là bệnh nhiễm virus cấp tính của hệ thần kinh trung ương, lây từ động vật sang người qua chất tiết, thường là nước bọt bị nhiễm virus dại. Dưới đây là cách xử trí vết thương khi bị chó mèo cắn



Kim Vân
Ý kiến của bạn