Hà Nội

Lọc máu tại huyện giảm gánh nặng cho người bệnh chạy thận nhân tạo

16-06-2024 18:37 | Y tế
google news

SKĐS - Ở Việt Nam hiện có khoảng 41.000 người bệnh đang thực hiện lọc máu chu kỳ. Lọc máu tại tuyến huyện, giảm tải cho bệnh viện tuyến trung ương là mục tiêu Hội Lọc máu Việt Nam đang hướng tới.

Tại sự kiện kỷ niệm 52 năm Ngày lọc máu chu kỳ đầu tiên (20/6/1972 – 20/6/2024) tại BVĐK huyện Mê Linh, Hà Nội, PGS.TS.BS. Lê Việt Thắng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Lọc máu Viêt Nam cho biết: "Bệnh thận mạn tính có liên hệ chặt chẽ với các bệnh đái tháo đường, xơ hóa do tăng huyết áp, các bệnh cầu thận nguyên phát và thứ phát. Ngoài ra, bệnh thận mạn tính còn phát triển do nguyên nhân khác như di truyền, bệnh lý đường tiết niệu, thận đa nang, bệnh thận do thuốc giảm đau, không rõ nguyên nhân".

Bệnh thận mạn tiến triển đến giai đoạn cuối sẽ dẫn đến suy thận, đây là giai đoạn nặng nhất đòi hỏi người bệnh cần phải chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận. Hiện tại, ở Việt Nam có khoảng 41.000 người bệnh đang thực hiện lọc máu chu kỳ, một tuần từ 2 – 3 lần để duy trì cuộc sống. Lọc máu chu kỳ ở Việt Nam hiện nay sánh ngang tầm khu vực. Rất nhiều người bệnh lọc máu vẫn tham gia lao động đóng góp cho xã hội.

Lọc máu tại huyện giảm gánh nặng cho người bệnh chạy thận nhân tạo- Ảnh 1.

Khoa Thận nhân tạo, BVĐK huyện Mê Linh, Hà Nội hiện đang điều trị cho 43 bệnh nhân trong huyện.

BSCKII Trần Quang Trịnh, Giám đốc BVĐK huyện Mê Linh thông tin, BVĐK huyện Mê Linh là BVĐK hạng II trực thuộc Sở Y tế Hà Nội với cơ cấu 280 giường kế hoạch, 394 giường thực kê, tổ chức bộ máy gồm 21 khoa, phòng và 3 đơn nguyên, tổng số 318 cán bộ, viên chức, người lao động. Mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận trung bình 600 – 800 bệnh nhân khám chữa bệnh ngoại trú và 300 bệnh nhân điều trị nội trú.

Đơn nguyên Thận nhân tạo được hình thành trên cơ sở điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 cần được chạy thận nhân tạo, bệnh nhân đầu tiên chạy thận bắt đầu từ ngày 10/1/2022, tổng số bệnh nhân điều trị trong đợt là 178 người, số lượt điều trị là 717 lượt.

Trong năm 2023, bệnh viện được Sở Y tế thẩm định để chạy thận nhân tạo trên các bệnh nhân thường với tổng số 29 bệnh nhân điều trị, số lượt chạy thận thường quy là 3.602 lượt.

Khoa Thận nhân tạo của bệnh viện được thành lập và đi vào hoạt động ngày 6/3/2024 với tổng số 9 cán bộ được đào tạo bài bản về chuyên ngành thận lọc máu. Bệnh viện đã đầu tư các trang thiết bị gồm 10 máy chạy thận (5 máy Nipro, 5 máy Toray); 1 máy monitor; 1 bộ đặt ống nội khí quản; 1 máy hút đờm; hệ thống oxy tường và nước RO…

BV đã thực hiện kỹ thuật thận nhân tạo chu kỳ, đặt catheter lọc máu cấp cứu, khám và điều trị ngoại trú cho bệnh nhân suy thận mạn; lọc máu cấp cứu cho bệnh nhân suy thận cấp, rối loạn nước điện giải; lọc máu chu kỳ cho bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối. Từ đầu năm đến nay, bệnh viện điều trị cho 43 bệnh nhân, số lượt chạy thận là 2.566 lượt.

"Bệnh nhân chạy thận nhân tạo cuộc sống rất khó khăn, BV đã phối hợp với Hội Chữ Thập đỏ của huyện, hỗ trợ thêm 800.000 đồng/tháng cho người bệnh. Chúng tôi rất vui và tự hào, tuy số tiền không lớn nhưng đã cùng với các nhà hảo tâm giúp đỡ cho người bệnh", BS. Trịnh nói.

BSCKII Trần Quang Trịnh cho biết thêm, trong thời gian tới, bệnh viện tiếp tục đầu tư, nâng cấp khoa Thận nhân tạo, tiến tới thành lập Trung tâm Lọc máu tại bệnh viện với quy mô dự kiến khoảng 30 máy chạy thận nhân tạo.

Ngoài ra, bệnh viện triển khai một số kỹ thuật đảm bảo việc điều trị như kỹ thuật lọc màng bụng; lọc máu hấp thụ; quản lý bệnh nhân sau ghép thận… giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, cải thiện chất lượng cuộc sống và kết quả điều trị cho bệnh nhân.

Lọc máu tại huyện giảm gánh nặng cho người bệnh chạy thận nhân tạo- Ảnh 2.'Chạy thận gần nhà đỡ cực nhiều lắm...'

SKĐS - Anh Lầu Chính Khua, 43 tuổi, xã Tủa Sin Chải, huyện Sìn Hồ, Lai Châu tưởng như đang mơ khi hôm nay được chạy thận nhân tạo ngay tại TTYT huyện mà không phải về TP Lai Châu, cách nhà 90 km.


Trần Viết Bảo
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn