Hà Nội

50 năm thực hiện ca lọc máu đầu tiên của Việt Nam

21-06-2022 09:34 | Y tế
google news

SKĐS - Từ 4 máy thận nhân tạo đầu tiên của Việt Nam vào năm 1967 được đặt tại BV Việt Đức và BV Trung ương Quân đội 108, đến nay ngành lọc máu của Việt Nam đã có nhiều bước phát triển. Tuy nhiên, vẫn còn không ít thách thức.

Ngày 20/6/1972, cách nay vừa tròn 50 năm, BV Bạch Mai đã thực hiện ca lọc máu chu kỳ đầu tiên cho bệnh nhân suy thận mạn. Người chịu trách nhiệm kỹ thuật thực hiện ca lọc máu đầu tiên này là BS Nguyễn Nguyên Khôi. Hiện nay là PGS.TS.TTND. Nguyễn Nguyên Khôi, Trưởng ban cố vấn Hội Lọc máu Việt Nam.

Bệnh nhân đầu tiên được lọc máu 3 lần/tuần cho đến tháng 12 năm 1972, khi Mỹ mở cuộc tập kích chiến lược bằng B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng.

Trải qua 50 năm, nhiều thế hệ các y bác sĩ đã cùng nhau xây dựng, kế thừa và phát huy truyền thống anh hùng của dân tộc để phát triển chuyên ngành lọc máu rộng khắp cả nước.

Chi phí điều trị lọc máu hiện nay ở Việt Nam qúa thấp - Ảnh 1.

Từ 4 máy chạy thận ban đầu vào năm 1967 đến nay Việt Nam đã có hơn 330 đơn vị lọc máu, chăm sóc cho hơn 28.000 bệnh nhân chạy thận nhân tạo.

Đến nay cả nước đã có hơn 330 đơn vị lọc máu, chăm sóc sức khỏe cho hơn 28.000 bệnh nhân thận nhân tạo và hơn 2.000 bệnh nhân lọc màng bụng. 35% số quận, huyện trong cả nước đã có đơn vị chạy thận nhân tạo.

"Tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng đây là một nỗ lực tuyệt vời mà các thế hệ thầy, trò chuyên ngành lọc máu đóng góp cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân của cả nước...", PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc BV Bạch Mai nói.

Hội Lọc máu Việt Nam được chính thức ra mắt vào ngày 24/10/2020. Sau 2 năm thành lập, Hội Lọc máu đã tham gia tích cực tư vấn chính sách cho Bộ Y tế, BHXH Việt Nam. 

Đặc biệt là sự tham gia hiệu quả của chuyên gia đầu ngành lọc máu trong việc tham mưu cùng Bộ Y tế xây dựng Quyết định 3639/QĐ-BYT về ban hành tài liệu chuyên môn Hướng dẫn tổ chức hoạt động lọc máu tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong dịch COVID-19.

TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội Lọc máu Việt Nam kiêm Phó giám đốc Trung tâm Thận - Lọc máu, BV Bạch Mai cho biết, thời gian tới, Hội sẽ triển khai các đề tài nghiên cứu làm bằng chứng tham mưu chính sách: Dữ liệu lọc máu hàng năm; Nghiên cứu gánh nặng bệnh tật của người bệnh lọc máu; Hoàn thiện hệ thống và phổ biến kiến thức lọc máu; Triển khai các kỹ thuật lọc máu mới: Lọc máu ngưỡng lọc cao (high cut off)...

Theo các chuyên gia về lọc máu, hiện nay, mức chi trả bảo hiểm cho bệnh nhân lọc máu có tăng, nhưng vẫn thấp so với thế giới, do đó các bệnh viện ngoài công lập "ít mặn mà" với chạy thận nhân tạo. 

Được biết, chi phí điều trị lọc máu hiện quá thấp, 556.000 đồng/lần chạy thận nhân tạo, gần 24 USD, còn thấp hơn những năm 1990, trong khi hiện nay đa số máy móc, vật tư y tế, thuốc đều là nhập khẩu. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tác nâng cao chất lượng điều trị lọc máu.

TTYT tuyến huyện đầu tiên của Nghệ An có đơn vị chạy thận nhân tạoTTYT tuyến huyện đầu tiên của Nghệ An có đơn vị chạy thận nhân tạo

SKĐS - Sáng 24/10/2020, tại huyện Nam Đàn, Nghệ An, Trung tâm Y tế huyện Nam Đàn khai trương Đơn vị chạy thận nhân tạo. Đến dự có ông Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An; ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế.


PV
Ý kiến của bạn