Hà Nội

Liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước: ‘Có những nguyên tắc bắt buộc khi dạy và học bơi’

27-08-2023 11:04 | Thời sự

SKĐS - "Trước khi nhận lớp, giáo viên dạy bơi phải điểm danh sĩ số và hỏi tình trạng sức khỏe của từng em. Nếu em nào không đảm bảo sức khỏe thì tuyệt đối không cho xuống nước", thầy Nguyễn Văn Cảnh (cử nhân Giáo dục thể chất Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh, Y sĩ Phục hồi chức năng) chia sẻ.

Liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước

Vừa qua, trong hai ngày liên tiếp xảy ra hai vụ tử vong tại bể bơi trường học. Cụ thể, một vụ việc ở Trường Phổ thông Quốc tế Việt Nam (Hà Đông, Hà Nội), một học sinh tử vong trong giờ học bơi khi đang học bơi tại bể bơi của nhà trường và một vụ việc ở Nghệ An, do học sinh đến bể bơi trường học để tắm.

Riêng vụ việc ở Hà Nội, theo nhận định ban đầu của cơ quan công an, giáo viên dạy bơi không phổ biến, hướng dẫn học sinh mà để cho các em tự do xuống bể bơi. Thầy giáo ngồi trên bờ sử dụng điện thoại trong suốt tiết học. Khi học sinh vùng vẫy rồi bị chìm xuống đáy bể bơi, giáo viên này vẫn ngồi vị trí cũ sử dụng điện thoại di động, hoàn toàn không hay biết về sự việc.

Thông tin từ Công an quận Hà Đông (TP. Hà Nội) cho biết, đã khởi tố vụ án, tạm giữ hình sự đối với Trần Lâm Thắng (SN 1999) - giáo viên môn bơi lội của Trường Phổ thông Quốc tế Việt Nam để làm rõ hành vi Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Làm sao để đảm bảo an toàn khi dạy và học bơi?

Chia sẻ với PV báo Sức khỏe&Đời sống, thầy Nguyễn Văn Cảnh (cử nhân Giáo dục thể chất Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh, Y sĩ Phục hồi chức năng - người có gần 20 năm kinh nghiệm dạy bơi cho trẻ em, trẻ tự kỷ và người lớn tại Hà Nội) cho biết, có những nguyên tắc bắt buộc khi dạy và học bơi.

Đối với giáo viên phải quan sát học viên trong suốt buổi học, chỉ cho học sinh những vùng nguy hiểm tuyệt đối không được bơi ra và phải trang bị phương tiện cứu hộ như phao, sào, vật nổi, gậy… tại bể bơi.

Liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước: Trẻ học biết bơi thôi liệu đã đủ? - Ảnh 1.

Trẻ phải biết áp dụng các kỹ năng sinh tồn dưới nước để bình tĩnh ứng phó khi gặp các tình huống nguy hiểm.

Trước khi nhận lớp, giáo viên phải điểm danh sĩ số và hỏi tình trạng sức khỏe của từng em, nếu em nào không đảm bảo sức khỏe thì tuyệt đối không cho xuống nước. Sau đó, giáo viên dạy bơi phải phổ biến nội quy và quy chế trước khi tham gia môn học. Giáo viên có trách nhiệm giới thiệu về khu vực an toàn và không an toàn cho học viên.

Đặc biệt, đối với giáo viên dạy bơi phải có bằng cấp chính quy của trường đại học được nhà nước công nhận, có nghiệp vụ sư phạm để hướng dẫn và dẫn dắt học viên hoàn thành khóa học một cách an toàn.

Đối với học viên phải nghe theo hiệu lệnh của giáo viên, tuân thủ nội quy của bể bơi và chỉ được phép bơi ở những vùng nước có độ sâu phù hợp với mình.

Đối với nhà trường phải có quy định cụ thể về trách nhiệm của giáo viên dạy bơi; phải có lực lượng cứu hộ có chuyên môn, đảm bảo đủ số lượng theo quy định, có phân công nhiệm vụ rõ ràng giám sát các em trong suốt quá trình học bơi.

Thầy Cảnh cho biết thêm, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ, nguyên nhân phổ biến nhất là do thiếu sự giám sát của người lớn, sự chủ quan của bố mẹ để trẻ tự do vui chơi tại những khu vực nguy hiểm như sông, suối, ao, hồ... Ngoài ra, tai nạn đuối nước còn do trẻ không biết bơi, chưa được dạy kỹ năng đảm bảo an toàn và xử lý tình huống khi bơi.

"Trẻ em học biết bơi thôi chưa đủ mà cần học các kỹ năng an toàn trong môi trường nước để biết bơi an toàn, biết tự cứu mình khi bị rơi xuống nước, biết thoát hiểm khi đang bơi bị đuối sức hoặc gặp các tình huống xấu".

Theo thầy Cảnh, trên thực tế có những trường hợp trẻ đã biết bơi nhưng khi gặp tai nạn vẫn không thể tự cứu mình. Hoặc có nhiều trường hợp biết bơi giỏi nhưng chưa biết cách cứu đuối an toàn đã vội vàng nhảy xuống nước cứu đuối nên dẫn đến tử vong cả người cứu đuối và người bị nạn. Vì vậy, việc học cứu đuối đúng cách là vô cùng quan trọng cho cả người biết bơi và người không biết bơi.

Trẻ phải biết áp dụng các kỹ năng sinh tồn dưới nước như kỹ năng xác định đích bơi đến, đu bám, trèo lên bờ, vật nổi từ dưới nước và đặc biệt là kỹ năng xoay lật người, nổi ngửa… để bình tĩnh ứng phó khi gặp các tình huống nguy hiểm. Trong trường hợp chưa biết bơi, các em được học kỹ năng nổi, kỹ năng sinh tồn sẽ phần nào giúp các em biết phòng, tránh đuối nước.

Để cứu người khác, trẻ không được tiếp xúc với nạn nhân mà phải tìm kiếm thật nhanh các vật có thể nổi được như phao, can nhựa, lốp xe... hoặc sào, gậy, dây, đoạn cây khô… quăng xuống để người đó bám vào, rồi la hét tìm người trợ giúp.

Ngay sau khi xảy ra vụ việc học sinh tử vong trong giờ học bơi nói trên, Bộ GD&ĐT đã có công văn yêu cầu Sở GD&ĐT Hà Nội kiểm tra, báo cáo quy trình đảm bảo an toàn tổ chức dạy bơi theo quy định của Trường Phổ thông Quốc tế Việt Nam. Bộ GD&ĐT yêu cầu Sở GDĐT xác định rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan đến sự việc này và chỉ đạo xử lý.

Cũng theo công văn, bộ yêu cầu Sở GDĐT chỉ đạo toàn bộ các cơ sở giáo dục trên địa bàn rà soát quy trình đảm bảo an toàn khi tổ chức dạy bơi trong nhà trường, các quy định về phòng chống tai nạn thương tích, đảm bảo an toàn cho học sinh khi bước vào năm học mới, báo cáo về Bộ GD&ĐT trước ngày 29/8.

Thầy giáo dạy bơi trong vụ nam sinh lớp 9 tử vong có thể bị xử lý thế nào?Thầy giáo dạy bơi trong vụ nam sinh lớp 9 tử vong có thể bị xử lý thế nào?

SKĐS - Sau khi dẫn học sinh vào bể bơi, thầy giáo Trần Lâm Thắng không phổ biến, hướng dẫn mà ngồi ở ghế đầu bể bơi sử dụng điện thoại, để cho các em học sinh tự do xuống bể bơi thực hành, dẫn đến một nam sinh lớp 9 bị đuối nước.

Đỗ Vi
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn