Hà Nội

Lãnh đạo G20 ra Tuyên bố chung

23-11-2020 10:15 | Quốc tế
google news

SKĐS - Lãnh đạo G20 - Nhóm các nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới - ngày 22/11 cam kết sẽ "dốc mọi tâm sức" để bảo đảm quá trình phân phối công bằng các loại vắc xin ngừa COVID-19 trên toàn thế giới, xóa nợ cho các nước nghèo, hỗ trợ nền kinh tế của các nước nghèo bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch toàn cầu.

Các nhà lãnh đạo của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới trong cuộc họp trực tuyến G20 do Saudi Arabia tổ chức,  cho biết, họ sẽ đảm bảo phân phối vắc xin, thuốc và xét nghiệm COVID-19 với giá cả phải chăng và công bằng trên khắp thế giới để các nước nghèo hơn không bị bỏ lại phía sau.

Kể từ khi đại dịch COVID-19 hoành hành - cho đến nay đã lây nhiễm cho hơn 58 triệu người trên toàn thế giới, làm  1,3 triệu người tử vong. Người đứng đầu Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết thế giới cần thêm 28 tỷ USD (21 tỷ bảng Anh) để phát triển vắc xin, nghiên cứu các phương pháp  chẩn đoán và điều trị, trong đó có 4,2 tỷ USD cần có  trước cuối năm nay, tuy nhiên tại thông cáo cuối cùng của hội nghị đã không đề cập đến những khoản tiền này.

Lãnh đạo G20 cam kết phân phối công bằng vắc xin ngừa COVID-19

Hiện nay các quốc gia giàu hơn đang  lên kế hoạch cho các chương trình tiêm chủng của họ - như Mỹ  dự kiến ​​sẽ khởi động tiêm chủng  vào giữa tháng 12. Tại hội nghị, Thủ tướng Đức Angela Merkel bày tỏ lo ngại rằng hiện nay chưa có thỏa thuận vắc xin  lớn nào được ký kết cho các nước nghèo hơn. “Bây giờ chúng tôi sẽ nói chuyện với (nhóm liên minh vắc xin toàn cầu) GAVI về thời điểm bắt đầu các cuộc đàm phán này vì tôi có phần lo lắng rằng chưa có gì được thực hiện”, bà Merkel nói với các phóng viên tại Berlin sau cuộc họp G20 trực tuyến.

Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo đã thông qua một tuyên bố chung. Theo đó, G20 khẳng định, sẽ huy động các nguồn lực để giải quyết những nhu cầu tài chính vào lúc này mà nền y tế toàn cầu cần để hỗ trợ quá trình nghiên cứu, phát triển, sản xuất và phân phối an toàn cũng như hiệu quả các phương pháp điều trị, công cụ chẩn đoán và vắc xin ngừa COVID-19. Chúng tôi sẽ dốc sức để bảo đảm quá trình tiếp cận công bằng và hợp lý cho tất cả mọi người.

Saudi Arabia chủ trì Hội nghị trực tuyến G20

Tuyên bố chung cũng nhắc tới những tác động và ảnh hưởng chưa từng có của đại dịch COVID-19 với cuộc sống của người dân trên thế giới, cũng như tới các nền kinh tế. Vì vậy, G20 khẳng định sẽ "phối hợp để bảo vệ mạng sống con người, cung cấp hỗ trợ với trọng tâm đặc biệt vào những cộng đồng dễ bị tổn thương nhất, sóm đưa các nền kinh tế trở lại lộ trình khôi phục tăng trưởng, bảo vệ và tạo ra việc làm mới cho mọi người".

Về việc xóa hoặc giãn nợ cho các nước nghèo, các bộ trưởng tài chính G20 thống nhất sẽ xem xét khuyến nghị của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới họp vào mùa xuân tới “nếu tình hình kinh tế và tài chính yêu cầu”. Trước  tình hình thế giới đang gặp nhiều khó khăn sau nhiều tháng đóng cửa và phong tỏa ở nhiều nơi, G20 cũng đưa ra một quan điểm thống nhất về thương mại, rằng ủng hộ cơ chế hợp tác đa phương, coi đây là "phương thức hợp tác quan trọng nhất vào thời điểm hiện nay". Tuyên bố nhấn mạnh: "Chúng tôi mong muốn hiện thực hóa mục tiêu về môi trường đầu tư và thương mại ổn định, minh bạch, không phân biệt, công bằng, rộng mở, toàn diện và có thể dự đoán được. Chúng tôi cũng muốn duy trì các thị trường mở".

Hội nghị thượng đỉnh G20 vốn thường được xem là dịp để các nhà lãnh đạo thế giới tương tác trực tiếp với nhau. Tuy nhiên, giữa đại dịch COVID-19 sự kiện quan trọng này lại được rút gọn thành các phiên họp trực tuyến thời lượng ngắn, mà một số nhà quan sát gọi là "ngoại giao kỹ thuật số". Tới nay, các quốc gia G20 đã đóng góp hơn 21 tỷ USD cho cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19 trên toàn cầu, đồng thời đã "bơm" 11.000 tỷ USD để "bảo vệ" nền kinh tế thế giới trước sự tấn công của dịch bệnh nói trên.

 


Hải Yến
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn