Việt Nam tham dự cuộc họp trực tuyến Bộ trưởng Y tế G20 về COVID-19

19-04-2020 22:15 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Tối 19/4 (từ 19h-22h15 theo giờ Việt Nam), các Bộ trưởng Y tế G20 (đại diện cho các nền kinh tế lớn nhất toàn cầu) họp trực tuyến thảo luận về tác động của COVID-19 đối với sức khỏe toàn cầu và phối hợp hành động chung tay đẩy lùi đại dịch, trong đó có đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu sản xuất vắc xin, nâng cao chất lượng điều trị, bảo vệ nhân viên y tế,… Với tư cách quốc gia khách mời, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đại diện cho Bộ Y tế Việt Nam tham dự, chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam và khẳng định cam kết của ASEAN (trên vai trò Việt Nam là Chủ tịch luân phiên ASEAN 2020) trong ứng phó với đại dịch COVID-19.

Dưới sự chủ trì trên cương vị Chủ tịch G20 của Saudi Arabia, G20 lần này đưa ra các giải pháp y tế chống đại dịch, khuyến khích các giải pháp kỹ thuật số phối hợp toàn cầu và đề ra ưu tiên (Ứng phó đại dịch, Chăm sóc sức khỏe dựa trên giá trị, Y tế số (digital health), An toàn người bệnh và Kháng vi khuẩn). Nước chủ nhà Saudi Arabia cam kết tài trợ 500 triệu USD cho cuộc chiến chống đại dịch đồng thời kêu gọi G20 và hối thúc tất cả các quốc gia, tổ chức quốc tế và lĩnh vực tư nhân đóng góp tài chính ước tính lên tới 8 tỷ USD cho cuộc chiến này.

Bộ Y tế Việt Nam tham dự cuộc họp trực tuyến Bộ trưởng Y tế G20 để cùng nhau thảo luận các giải pháp y tế vượt qua đại dịch COVID-19. (Ảnh: Trần Minh)

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cam kết hỗ trợ và sát cánh cùng từng nước ứng phó với đại dịch COVID-19 và kêu gọi sự ủng hộ từ các nước G20. “Chúng ta cùng sống trên một hành tinh, cùng chung một định mệnh”, WHO cam kết sẽ đi đầu trong cuộc chiến chống đại dịch này. Hơn 900 triệu USD thông qua WHO đã được dành cho chiến lược chống dịch COVID-19: nâng cao năng lực y tế, bảo vệ an toàn, tính mạng cho người dân, cung cấp trang thiết bị phòng hộ cho tất cả các nước trên thế giới.

Đại diện của cả 5 châu lục gồm châu Âu, châu Á, châu Mỹ, châu Phi và châu Đại dương đã thể hiện quyết tâm cần phải phối hợp hành động, đặc biệt trong việc đẩy nhanh nghiên cứu vắc xin, chia sẻ các biện pháp thực hành hiệu quả để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.

Các Bộ trưởng Y tế G20 họp trực tuyến về dịch bệnh COVID-19. (Ảnh: Trần Minh)

Người đứng đầu ngành y tế Mỹ, EU, Italy, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Nga, Australia, Nhật Bản, Canada, Brazil, Argentina, Nam Phi, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia,...đều nhấn mạnh tới việc phải cấp bách hành động. Bộ trưởng Y tế Pháp nhấn mạnh không ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến này và cùng với vai trò của LHQ, chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua khủng hoảng này. Bộ trưởng Y tế Đức cho rằng do chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu hay vắc xin nên chúng ta cần phải phối hợp và chia sẻ kinh nghiệm phòng dịch là cách tốt nhất để chống lại đại dịch hiện nay. EU cam kết tài trợ cho các nghiên cứu vắc-xin và nghiên cứu về virus để làm chậm lại sự lây lan của dịch bệnh.

Liên minh Tiêm chủng Toàn cầu (GAVI) cho biết hiện có hơn 100 ứng cử viên vắc-xin COVID-19. Thách thức đặt ra là đảm bảo đủ vắc xin, đề ra ưu tiên, công bằng trong tiếp cận với nguồn cung vắc xin, đặc biệt cần bảo vệ nhân viên y tế, những người trong tuyến đầu chống dịch. GAVI, WB,OECD, Singapore, Nhật Bản,... cam kết tài trợ hàng triệu USD cho cuộc chiến COVID-19, trong đó có nghiên cứu vắc-xin, hỗ trợ nâng cao năng lực hệ thống y tế, đảm bảo an toàn và nâng cao chất lượng điều trị cho người bệnh, nâng cao nền tảng kỹ thuật số trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.


Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường tham dự cuộc họp trực tuyến các Bộ trưởng Y tế G20. (Ảnh: Trần Minh)

Phát biểu tại G20 lần này, Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Trương Quốc Cường cho biết, Lãnh đạo ASEAN và 10 nước thành viên đã tái khẳng định quyết tâm và cam kết và cùng nhau đoàn kết, chung tay hành động và quyết tâm ngăn ngừa sự lây lan của đại dịch COVID-19, giảm thiểu và đảo ngược tác động của đại dịch lên cuộc sống của người dân cũng như nền kinh tế tại khu vực. Điều quan trọng là cơ chế ASEAN 3 (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản), ASEAN-Mỹ, ASEAN-EU và các cộng đồng quốc tế khác nhấn mạnh tính khẩn cấp của đại dịch và cam kết cùng ứng phó chung. ASEAN đã thiết lập kho thuốc men dự trữ tại khu vực và xây dựng quỹ hỗ trợ chung.

Chia sẻ kinh nghiệm khống chế dịch COVID-19 ở Việt Nam, Thứ trưởng cho biết Ban chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia đã được thành lập từ rất sớm với cam kết cao của toàn thể hệ thống chính trị, chính phủ lẫn người dân, kêu gọi tinh thần đoàn kết của người dân với phương châm "chống dịch như chống giặc". Việt Nam đã áp dụng 4 chiến lược gồm Phòng bệnh - Phát hiện sớm - Cách ly và Điều trị để ngăn chặn từ sớm, cải thiện việc xét nghiệm, nghiên cứu, điều tra và chữa trị với hiệu quả cao nhất từ nguồn lực hạn chế nhất, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.


Nguyễn Vân
Ý kiến của bạn