Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị G20 về ứng phó dịch bệnh COVID-19

27-03-2020 14:06 | Quốc tế
google news

SKĐS - Tối 26/3 (theo giờ Việt Nam), Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến của Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) về ứng phó dịch bệnh COVID-19.

Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến của Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã diễn ra nhằm thảo luận về cách ứng phó dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang đẩy thế giới vào nguy cơ suy thoái. Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cùng các nhà lãnh đạo các nước Tây Ban Nha, Jordan, Thụy Sĩ và Singapore được mời tham dự sự kiện.

Chia sẻ với các nhà lãnh đạo tại Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến G20, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định đoàn kết, hợp tác, phối hợp toàn cầu và khu vực là rất quan trọng; khẳng định quyết tâm, cam kết của Việt Nam trong chống dịch COVID-19; nhấn mạnh Việt Nam kiên trì thực hiện mục tiêu kép là kiểm soát dịch bệnh và tiếp tục phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc được mời tham dự Hội nghị G20

Thủ tướng khẳng định Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 đã và đang cùng các nước ASEAN đề cao tinh thần Cộng đồng "gắn kết và chủ động thích ứng" thực hiện mạnh mẽ các biện pháp, phối hợp hành động chống COVID-19, đồng thời hợp tác chia sẻ thông tin, kinh nghiệm với nhiều nước G20 và các đối tác.

Thủ tướng hoan nghênh vai trò quan trọng, đóng góp tích cực của G20 cũng như các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc, WHO, WB, IMF, WTO trong cuộc chiến chống COVID-19.

Từ thực tiễn kiểm soát tốt dịch bệnh của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chia sẻ với các nhà lãnh đạo nhiều biện pháp về thúc đẩy hợp tác, hành động chung trong ứng phó với dịch COVID-19 như tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ công nghệ, kỹ thuật trong xét nghiệm, kiểm soát và điều trị; tranh thủ sự đồng lòng, hợp tác, tham gia vào cuộc của người dân, các tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang; tập trung chống dịch đi đôi với thúc đẩy, tạo thuận lợi cho hợp tác thương mại, đầu tư, duy trì chuỗi cung ứng và sản xuất, tạo việc làm, ổn định cuộc sống người dân; hợp tác bảo đảm an toàn cho công dân Việt Nam và các nước ASEAN đang sinh sống ở các nước G20…

Tại Hội nghị Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã hoan nghênh G20 cùng nhau ứng phó với cuộc khủng hoảng về vấn đề sức khỏe toàn cầu,  đòi hỏi phải có một sự phản ứng toàn cầu.

Ông cũng bày tỏ vui mừng khi biết các chính phủ đã và đang làm mọi cách để vượt qua đại dịch, cam kết bảo vệ cuộc sống và sinh kế của người dân, cũng như có những hỗ trợ cần thiết cho nền kinh tế, thương mại và các lĩnh vực khác đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Người đứng đầu WHO hoan nghênh các nhà lãnh đạo đã  thực hiện mọi biện pháp y tế cần thiết và tìm kiếm các nguồn lực để ngăn chặn đại dịch, bảo vệ người dân, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương.

Lần đầu tiên G20 họp hội nghị trực tuyến với sự tham gia của nhiều nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới

G20 ra Tuyên bố chung đoàn kết đối phó với dịch bệnh COVID-19

Các nhà lãnh đạo G20 tham gia Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến đầu tiên trong lịch sử của Nhóm này này đã ra tuyên bố khẳng định sẽ nỗ lực hết mình để vượt qua đại dịch COVID-19.

Saudi Arabia - nước hiện đang giữ chức Chủ tịch G20 - cho biết,  các nhà lãnh đạo thuộc khối này sẽ "thúc đẩy sự hợp tác của toàn cầu trong các nỗ lực đẩy lùi đại dịch COVID-19 cũng như những tác động của dịch bệnh này đối với nhân loại và nền kinh tế."

COVID-19, bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona được phát hiện lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12/2019. Đến nay, 199 quốc gia/ vùng lãnh thổ trên toàn cầu ghi nhận trường hợp mắc.

Tâm dịch mới hiện đã dịch chuyển sang châu Âu và nước Mỹ, với số ca tử vong tăng lên từng ngày.

 

Trong tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo G20 cam kết thành lập một mặt trận thống nhất chống lại đại dịch COVID-19. Các nhà lãnh đạo G20 tuyên bố, việc đối phó với đại dịch cũng như những tác động về y tế, xã hội và kinh tế là “ưu tiên tuyệt đối của nhóm”. Theo G20, phương hướng đối phó cần phải minh bạch, vững chắc, có quy mô lớn và đòi hỏi sự phối hợp.

Các nhà lãnh đạo G20 cam kết khôi phục lòng tin, giữ vững sự ổn định tài chính, khôi phục tăng trưởng và trở lại mạnh mẽ hơn. G20 cũng cam kết trợ giúp tất cả các quốc gia đang gặp khó khăn cũng như phối hợp mọi biện pháp y tế công cộng và tài chính cần thiết để chống lại đại dịch, bảo vệ người dân, kể cả những người dễ bị tổn thương nhất.

Tuyên bố cũng nêu rõ, G20 cam kết chia sẻ mọi dữ liệu y tế và nghiên cứu dịch bệnh, tăng cường hệ thống y tế toàn cầu và mở rộng năng lực sản xuất các mặt hàng y tế. Các nhà lãnh đạo G20 cũng cam kết tăng cường vai trò của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong việc phối hợp chống lại dịch COVID-19. Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến G20 diễn ra khi số người chết do COVID-19 toàn cầu tăng vọt lên gần 21.000, hơn 471.000 người mắc và hơn 3 tỷ người đã bị cách ly ở nhà. Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã cùng kêu gọi G20 giảm nợ cho các nước nghèo nhất nhằm giúp họ đối đầu với các thách thức do dịch COVID-19 gây ra.

Trong một tuyên bố chung gửi G20 ngày 25-3, WB và IMF nêu rõ, dịch COVID-19 có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng trên phương diện kinh tế và xã hội tại các nước nghèo nhất, vốn phải dựa vào Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA) của WB. Tuyên bố nhấn mạnh: “Với các tác động trước mắt - và phù hợp với luật pháp quốc gia của các nước tài trợ - WB và IMF kêu gọi tất cả chủ nợ ngừng đáo hạn nợ cho các nước được vay tiền theo IDA. Việc này sẽ giúp các nước dựa vào IDA có khả năng thanh khoản trước mắt cần thiết để đối phó với các thách thức của dịch bệnh và có thêm thời gian đánh giá tác động khủng hoảng cũng như nhu cầu tài chính của mình”. Cùng ngày, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Reberto Azevedo cho biết, hoạt động thương mại trên thế giới đang giảm rất mạnh, đòi hỏi một giải pháp toàn cầu để giải quyết thách thức do dịch COVID-19 gây ra.

 

G20 bao gồm Argentina, Australia, Brazil, Anh, Canada, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Italy, Nhật Bản, Mexico, Nga, Saudi Arabia, Nam Phi, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).

Hải Yến
Ý kiến của bạn