Hà Nội

Làm sao để xử lý các hội nhóm 'đen' trên mạng xã hội?

06-11-2023 15:39 | Xã hội
google news

SKĐS - Theo chuyên gia, dù đã có khung pháp lý với các hành vi trên mạng xã hội nhưng nhiều người vẫn chưa nắm rõ hoặc có tâm lý chủ quan cho rằng những lời nói, hành động trên mạng xã hội của mình là đúng. Điều này vô tình đã tiếp tay cho các hội nhóm "đen" ngày càng phát triển.

Hiểm họa từ những hội nhóm "đen" nở rộ trên mạng xã hộiHiểm họa từ những hội nhóm 'đen' nở rộ trên mạng xã hội

SKĐS - Các hội nhóm này thường có vài nghìn đến hàng trăm nghìn thành viên tham gia với đủ tầng lớp, độ tuổi. Trong đó, các thành viên hội nhóm "đen" thường thể hiện quan điểm lệch lạc, hay những thú vui, sở thích quái đản…

Vai trò quan trọng của gia đình và nhà trường

Thời gian qua, việc những hội nhóm "đen" đang nở rộ trên mạng xã hội đã trở thành vấn nạn khiến nhiều người lo lắng. Những chia sẻ, bình luận trên các hội nhóm này thường có xu hướng đẩy sự việc đi xa hơn dẫn tới nguy cơ về mất trật tự an toàn xã hội, kích động, thậm chí là gây ảnh hưởng đến tính mạng con người. 

Trên thực tế, đã có rất nhiều vụ gây rối trật tự công cộng, vi phạm pháp luật hay tự tử xảy ra xuất phát từ việc trao đổi, thảo luận trên các hội nhóm này. Đáng lo ngại, nhiều hội nhóm với tư tưởng tiêu cực, lệch lạc với số đông thành viên tham gia thuộc độ tuổi thanh, thiếu niên. 

Trao đổi với Báo Sức khoẻ và Đời sống, Thạc sỹ tâm lý Vũ Thu Hà - Viện trưởng Viện nghiên cứu đào tạo và can thiệp tâm lý Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của nhà trường và phụ huynh học sinh trong việc giáo dục tâm lý cho thanh, thiếu niên trước những thông tin tiêu cực từ hội nhóm "đen" trên mạng xã hội.

Cần mạnh tay xử lý các hội nhóm 'đen' trên mạng xã hội - Ảnh 2.

Thạc sỹ tâm lý Vũ Thu Hà - Viện trưởng Viện nghiên cứu đào tạo và can thiệp tâm lý Việt Nam. Ảnh: NVCC

"Khi tham gia vào những hội nhóm tiêu cực như vậy, các bạn trẻ cần mất rất nhiều thời gian để định hình lại con đường của bản thân. Đôi khi, điều này có thể hủy hoại cả cuộc đời nếu như không tìm được con đường đúng đắn. Vì vậy, việc trao đổi với con cái, học trò để các bạn trẻ hiểu và có cơ hội để được bày tỏ cảm xúc là điều vô cùng quan trọng. Các bạn trẻ cần hiểu được mức độ, vấn đề của bản thân đang gặp phải là gì, đang thiếu gì và cần được bổ sung gì. Lúc này, họ sẽ làm chủ được vấn đề và có những cách giải quyết tốt hơn", bà Vũ Thu Hà chia sẻ.

Về dài hạn, cần tích cực quan tâm xây dựng chính sách hỗ trợ có trọng tâm, thiết thực, các trung tâm, tổ chức hỗ trợ tâm lý để tư vấn, định hướng cho trẻ hay những người bị ảnh hưởng tâm lý, giúp họ vượt qua những vướng mắc, khó khăn trong cuộc sống.

Cùng quan điểm, Thạc sĩ tâm lý Lã Linh Nga, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học Tâm lý - Giáo dục (Hà Nội) cho rằng, việc tham gia vào các hội nhóm "đen" như trên có ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của trẻ vị thành niên, gây ra hậu quả nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến ý định tự kết thúc cuộc đời.

"Trong quá trình làm việc, tôi đã từng tiếp xúc với những trường hợp khi hành động lệch chuẩn bị phát hiện, nhà trường có biện pháp răn đe, xử phạt, trẻ vị thành niên đã có ý định tự tử nhưng không thành. Ở độ tuổi thanh thiếu niên thường có xu hướng chứng tỏ bản thân, tham gia vào những hội nhóm trên, khi bị phát giác, bị nhà trường khiển trách rất dễ khiến trẻ vị thành niên vốn còn bồng bột, chưa ý thức được hết hành vi của bản thân dẫn đến những hậu quả khôn lường", Thạc sĩ tâm lý Lã Linh Nga cho biết.

Do đó, để giải quyết được tình trạng trên, theo bà Nga nhà trường và cha mẹ học sinh đóng vai trò rất quan trọng. Bản thân phụ huynh và nhà trường phải phối hợp với nhau để có những định hướng, trang bị kiến thức cho học sinh về những nguy hiểm khi tham gia vào các hội nhóm "đen". Trong đó, nhà trường có thể thông qua các hoạt động ngoại khóa hoặc giờ sinh hoạt lớp.

Cần mạnh tay xử lý các hội nhóm 'đen' trên mạng xã hội - Ảnh 3.

Thạc sĩ tâm lý Lã Linh Nga cho rằng việc tham gia vào các hội nhóm "đen" gây ra hậu quả nghiêm trọng cho thanh, thiếu niên. Ảnh: NVCC

Tuy nhiên, những kiến thức này phải sinh động, dựa trên những câu chuyện, tình huống thực tế để học sinh dễ tiếp thu, không nên truyền tải kiến thức một cách giáo điều, khô khan. Với lứa tuổi vị thành niên cần cho các bạn tiếp xúc với những câu chuyện có hệ quả, hoặc có thể xây dựng tình huống và chính các bạn học sinh đóng vai, tự đưa ra hướng xử lý, phân tích. Qua đó, học sinh cũng có cơ hội được bộc lộ bản thân nhiều hơn, từ đó để thầy cô, cha mẹ có thể dựa vào đó để điều chỉnh hành vi của học sinh tốt hơn.

Trên thực tế, hiện nay nhiều trường và phụ huynh cũng đã truyền tải kiến thức đến học sinh, tuy nhiên cách truyền tải khô khan và giáo điều khiến trẻ không nghe, không tiếp thu. Vì vậy, phụ huynh và giáo viên phải gần gũi hơn với học sinh, tạo sự gắn kết để việc truyền tải đạt hiệu quả.

Ngoài ra, những học sinh tham gia vào các hội nhóm "đen" như trên thường có xu hướng nổi loạn, tâm lý có phần khác so với trước kia. Do vậy, rất cần phụ huynh và giáo viên quan tâm, để ý những dấu hiệu từ đó có những điều chỉnh sớm cho phù hợp với tâm lý trẻ vị thành niên.

Cần chế tài đủ mạnh để xoá bỏ hội nhóm "đen"

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty Luật Pháp trị (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, đây là những hội nhóm gây hệ luỵ nguy hiểm cho xã hội, cần có những biện pháp, chế tài mạnh mẽ để kiểm tra, giám sát, xử lý những thông tin tiêu cực ảnh hưởng trực tiếp đến tài sản, sức khoẻ, thậm chí tính mạng của người dân trên không gian mạng.

Theo Luật sư Quách Thành Lực, hiện nay hệ thống pháp luật Việt Nam đã có những quy định rõ ràng, cụ thể về các hành vi được phép và bị nghiêm cấm trên không gian mạng. Những hội, nhóm tiêu cực trên mạng xã hội không chỉ không phù hợp chuẩn mực đạo đức, văn hóa mà còn không phù hợp các nguyên tắc trong Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội đã được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành ngày 17/6/2021; đồng thời vi phạm những điều khoản trong Luật An ninh mạng 2018. 

Cần mạnh tay xử lý các hội nhóm 'đen' - Ảnh 2.

Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty Luật Pháp trị (Đoàn Luật sư TP Hà Nội). Ảnh: NVCC

Trường hợp hội nhóm có hành vi vi phạm các quy định thì thành viên trong nhóm tùy hành vi và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo Điều 101 Nghị định 15. Cụ thể, xử phạt từ 10-20 triệu đồng đối với những hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn; hành vi kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc… 

Dù đã có chế tài xử lý, nhưng theo luật sư Lực, việc xử lý đối với hành vi đăng tải, chia sẻ, cổ xuý thông tin tiêu cực hiện vẫn gặp nhiều khó khăn. "Việc xử lý đối với hành vi đăng tải, chia sẻ thông tin tiêu cực, ví dụ như tự tử là khá khó khăn, nhất là yêu cầu chứng minh yếu tố cấu thành tội phạm. Do các nội dung được thể hiện dưới hình thức công khai, không ám chỉ, không vận động trực tiếp cá nhân nào thực hiện hành vi tự tử. Không những vậy, các bài đăng hay bình luận thường dưới dạng ẩn danh, nick ảo không rõ thông tin cá nhân, khiến công tác xác minh, điều tra cũng gặp nhiều trở ngại", luật sư Quách Thành Lực nhận định.

Ngoài ra, việc đã có khung pháp lý các hành vi trên mạng xã hội nhưng nhiều người vẫn chưa nắm rõ hoặc có tâm lý chủ quan cho rằng những lời nói, hành động trên mạng xã hội của mình là đúng. Điều này khiến nhiều người vô tình đã tiếp tay cho các hội nhóm "đen" ngày càng phát triển. 

Theo Luật sư Lực, cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động tăng cường nhận thức của người dân đối với các hành vi trên không gian mạng. Cùng với đó, cơ quan quản lý nhà nước phải có đội ngũ giám sát, thanh kiểm tra để loại bỏ những hội nhóm xấu độc, thậm chí cho vào danh sách cấm.

Bên cạnh sự nghiêm minh của pháp luật, các biện pháp siết chặt quản lý không gian mạng từ cơ quan có thẩm quyền, vai trò của dư luận xã hội trong việc định hướng và điều chỉnh hành vi đạo đức của con người thông qua cơ chế giám sát cũng hết sức cần thiết. Ðiều này sẽ góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc giữ gìn môi trường mạng an toàn, lành mạnh.

Xem thêm video được quan tâm:

Chân dung “ông trùm” điều hành băng nhóm chuyên đòi nợ thuê cho các ngân hàng, cty tài chính | SKĐS



Minh Ngọc
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn