Là chuyên gia về tội phạm học, Đại tá - PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn - Phó Viện trưởng Viện an ninh phi truyền thống (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) đã có cuộc chia sẻ về vấn đề này và đưa ra nhiều cảnh báo với người góp hụi.
PV. Thưa ông, hụi (còn có tên gọi khác là hội, huê..) là một hình thức huy động vốn kiểu dân gian ở Việt Nam. Thông thường, một người sẽ đứng ra làm chủ hụi huy động nhiều người góp vốn, tài sản rồi trả tiền xoay vòng. Vậy, hình thức chơi hụi này có tiềm ẩn rủi ro không?
Đại tá - PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn: Có thể khẳng định, hoạt động góp hụi, gom hụi tiềm ẩn rủi ro rất cao. Không giống như các loại hình cho vay, tiết kiệm khác, chủ hụi không cần tài sản đảm bảo mà họ thường vạch ra các hướng hoạt động, hướng trả tiền hụi kèm thưởng hấp dẫn để người dân tin và góp tiền vào.
Chiêu trò chính của một số chủ hụi làm ăn thiếu minh bạch thường đưa ra là: góp tiền hụi vào rất tiện ích, nhanh sản sinh lời, an toàn…
PV. Để lôi kéo được ngày càng nhiều người góp hụi, chủ hụi thường có phương thức như thế nào, thưa ông?
Đại tá - PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn: Nghiên cứu nhiều vụ vỡ hụi, giật hụi cho thấy, thời gian ban đầu, các chủ hụi sẽ áp dụng phương thức trả hụi rất sòng phẳng, đúng hẹn, thậm chí còn thưởng thêm cho người góp hụi số tiền hậu hĩnh (gọi là lãi suất).
Những người được trả các khoản hụi góp, kèm thưởng ban đầu này thấy 'ngon ăn' nên sẽ vay mượn góp thêm hoặc loan tin cho nhiều người thân, bạn bè, hàng xóm…cùng tham gia góp hụi.
Khi chủ hụi gom được số tiền hàng chục, thậm chí vài chục tỷ rồi thì sẽ tìm cách cắt liên lạc hoặc lấy cỡ vỡ hụi, vỡ nợ để không phải trả tiền hụi nữa.
PV. Trong trường hợp chủ hụi tuyên bố vỡ hụi thì người góp tiền cho họ có thể làm gì?
Đại tá - PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn: Nếu trường hợp chủ hụi không bỏ đi mà vẫn giữ liên lạc, không trốn tránh thì họ phải chịu trách nhiệm bồi thường, chi trả các khoản tiền đã huy động được từ những người góp hụi.
Nếu chủ hụi không tự nguyện thì người góp hụi có quyền khởi kiện dân sự. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, kiện và đòi được tài sản đã góp thì vô cùng gian nan.
PV. Còn trường hợp chủ hụi tuyên bố vỡ hụi rồi bỏ đi khỏi địa bàn cư trú, cắt đứt liên lạc với người góp hụi thì sao, thưa ông?
Đại tá - PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn: Đối với trường hợp chủ hụi bỏ trốn, bỏ đi khỏi địa bàn cư trú và cắt liên lạc với người góp hụi hoặc sử dụng số tiền, tài sản gom hụi vào các hoạt động bất hợp pháp thì chủ hụi sẽ bị khởi tố, truy tố về tội "Lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Ở trường hợp này, người góp tiền hụi đương nhiên có quyền gửi đơn tố cáo chủ hụi và cung cấp các thông tin liên quan đến cơ quan công an.
PV. Từ nhiều vụ vỡ hụi, ông có thể đưa ra những khuyến cáo gì?
Đại tá - PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn: Trước tiên người có ý định góp hụi phải hết sức cảnh giác, phải luôn nghĩ rằng không thể có hoạt động kinh doanh nào mà kiếm lời dễ, nhanh được cả.
Đồng thời, nắm thật rõ về điều kiện của chủ hụi, trách nhiệm pháp lý, nhân thân của chủ hụi.
Nếu định tham gia dây hụi thì phải yêu cầu chủ hụi minh bạch mọi hoạt động từ sổ sách, thành viên góp hụi. Việc góp hụi cũng phải tuân thủ các quy định của pháp luật về mức nhận lãi suất.
Khi phát hiện chủ hụi có vấn đề hoặc nguy cơ vỡ hụi thì báo ngay cho chính quyền, cơ quan chức năng để có hình thức giải quyết kịp thời.
PV: Xin cảm ơn ông.