Hà Nội

Hiểm họa từ những hội nhóm 'đen' nở rộ trên mạng xã hội

04-11-2023 15:12 | Xã hội
google news

SKĐS - Các hội nhóm này thường có vài nghìn đến hàng trăm nghìn thành viên tham gia với đủ tầng lớp, độ tuổi. Trong đó, các thành viên hội nhóm "đen" thường thể hiện quan điểm lệch lạc, hay những thú vui, sở thích quái đản…

Hội nhóm "đen" trên mạng xã hội nở rộ

Cùng với sự phát triển của công nghệ, mạng xã hội đã trở nên quen thuộc với nhiều tầng lớp người dân trong đời sống. Đây là nơi tâm sự, chia sẻ những khoảnh khắc đáng nhớ của mỗi người, cũng là nơi kết nối, giao lưu với những người có chung sở thích, cảm xúc, niềm tin,.. 

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, thời gian qua trên các trang mạng xã hội lại "nở rộ" những hội nhóm tiêu cực, thậm chí là "quái đản" khi thể hiện những sở thích khác người, trái với thuần phong mỹ tục, thậm chí vi phạm pháp luật, gây bức xúc dư luận.

Hiểm họa từ những hội nhóm 'đen' nở rộ trên mạng xã hội - Ảnh 1.

Nhiều hội nhóm có sở thích quái đản, trái thuần phong mỹ tục trên mạng xã hội.

Chỉ với vài thao tác đơn giản người dùng dễ dàng có thể tìm thấy và gia nhập các hội nhóm Facebook mà chỉ nghe tên cũng có thể thấy được sự lệch lạc như: Hội thích ngoại tình; Hội những người ghét cha mẹ; Hội chị em tìm zai đẹp; Chuyên tư vấn bùng nợ - xóa nợ xấu; Đòi nợ thuê, Hội những người đi tù; Hội Vỡ nợ muốn làm liều; Hội túng quẫn làm liều; Hội những người muốn tự tử; Hội ghét cha mẹ, Hội chán đời,...

Các hội nhóm này thường có vài nghìn đến hàng trăm nghìn thành viên tham gia với đủ tầng lớp, độ tuổi. Trong đó, các thành viên hội nhóm "đen" thường thể hiện quan điểm lệch lạc, trái với luân thường đạo lý hay những thú vui, sở thích quái đản mà ngoài đời bị lên án, thậm chí là xu hướng hành vi bạo lực, vi phạm pháp luật.

Điều đáng nói, lợi dụng những hội nhóm này, nhiều đối tượng xấu đăng tải bài viết, bình luận kích động bạo lực, đồi trụy, tệ nạn xã hội, đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân hoặc quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm, tuyển dụng, cho vay tiền…

Hiểm hoạ từ những quan điểm lệch lạc

Trái với những điều bình thường trong cuộc sống, tham gia vào những hội nhóm này dễ dàng có thể nhận được tư vấn nhiệt tình của các thành viên về việc sử dụng các chất cấm như cần, cỏ thậm chí là ma túy, các chiêu trò trốn nợ, đòi nợ, tự tử... Những vấn đề trái với thuần phong mỹ tục như ngoại tình, tình một đêm cũng được bàn tán sôi nổi, thậm chí cuộc sống ở tù lại được tung hô như một điều gì đó rất đáng tự hào. 

Trong đó, có nhiều hội nhóm tiêu cực mà phần đông thành viên là thanh, thiếu niên ở tuổi mới lớn, tâm lý chưa ổn định lại thường xuyên tiếp xúc với những định hướng tiêu cực, mang tính phản kháng dễ dẫn tới hình thành tính cách lệch lạc. Đây cũng là nỗi băn khoăn của nhiều bậc cha mẹ khi con cái hiện có thể dễ dàng tiếp cận với mạng xã hội.

Hiểm họa từ những hội nhóm 'đen' trên mạng xã hội - Ảnh 2.

Nhiều hội nhóm mang màu sắc tiêu cực với thành viên ở độ tuổi thanh, thiếu niên.

Đơn cử như trong Hội những người ghét Cha mẹ, hầu hết những chia sẻ trong hội nhóm này đều thể hiện sự bức xúc của các thành viên với đấng sinh thành. Tuy rằng mỗi gia đình có hoàn cảnh khác nhau nhưng không có cha mẹ nào ghét bỏ con cái chính mình, chỉ có cách thể hiện tình thương mỗi người một khác. Thế nhưng, các bạn trẻ tại nhóm này thể hiện cái nhìn xem cha mẹ như kẻ thù và chán ghét cuộc sống gia đình.

Điều đáng nói, những dòng trạng thái trên lại nhận được những bình luận chia sẻ, động viên hoặc hướng dẫn cho cách thoát khỏi cuộc sống, gia đình hiện tại. Ban đầu, nhiều thanh niên tham gia các hội nhóm với mục đích đơn thuần để tán gẫu, giải tỏa tâm lý, nhưng không ngờ lại bị chính những hội nhóm tiêu cực dẫn dắt, thao túng tâm lý, dễ thực hiện những hành vi tiêu cực, có khi là vi phạm pháp luật. 

Anh Nguyễn Quốc V. (Hoàng Mai, Hà Nội) lo lắng khi lứa tuổi học sinh hiện dễ dàng tiếp cận với mạng xã hội, với những thông tin đa chiều, không được kiểm chứng dễ gây ra sự tiếp nhận không đúng với thanh, thiếu niên. "Nhiều phụ huynh trong lớp đều lo lắng khi các con hiện tiếp xúc với nhiều thông tin trái chiều trên mạng xã hội, do đó thường xuyên trao đổi, chia sẻ để nắm bắt tâm lý của con. Đồng thời, thường xuyên quan tâm tới những nội dung con tham gia trên mạng xã hội để kịp thời định hướng, giải thích những chiều hướng thông tin tiêu cực, tránh ảnh hưởng tâm lý ở độ tuổi này".

Lo lắng của các bậc phụ huynh không phải không có cơ sở khi thời gian qua, tại Hà Nội đã xảy ra nhiều vụ  án có tính chất manh động. Điều đáng nói là các thủ phạm quen nhau qua những hội nhóm làm liều trên Facebook, sau đó tập hợp lại để cùng nhau thực hiện các hành vi phạm tội. Có trường hợp hai đối tượng đều nợ nần do đánh bài bạc trên mạng, quen nhau qua "Hội những người vỡ nợ thích làm liều" để rồi kết nối, bàn bạc và thống nhất đi cướp tài sản. 

Hay một cô gái từng nhiều lần có ý định tự tử khi gia đình bị vỡ nợ. Cô tìm tới "Hội những người muốn tự tử". Cả tháng trời, cô lên tầng 25 của 1 tòa nhà với suy nghĩ sẽ nhảy xuống...  

Đó là 2 trong nhiều vụ việc có hậu quả khôn lường do ảnh hưởng từ những hội nhóm "đen" với những người có tư tưởng, nhận thức lệch lạc với những người có tâm lý không vững vàng.

Để không bị cuốn vào các hội, nhóm tiêu cực, mỗi cá nhân khi tham gia sử dụng mạng xã hội cần cẩn trọng, tỉnh táo trong việc lựa chọn hội nhóm, cũng như biết lựa chọn thông tin để tiếp nhận. Đồng thời không thực hiện chia sẻ, lan truyền các thông tin tiêu cực, kích động, thông tin chưa được kiểm chứng trên mạng xã hội.

Đối với các bậc phụ huynh, cần quan tâm và có định hướng phù hợp khi con em sử dụng mạng xã hội, tránh bị ảnh hưởng bởi những thông tin xấu mang tính kích độc, tiêu cực trên mạng xã hội. 

Theo Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3-2-2020 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, xử phạt từ 10-20 triệu đồng đối với những hành vi lợi dụng MXH để cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn; hành vi kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc…

Xem thêm video được quan tâm:

Chân dung “Ông trùm” điều hành băng nhóm chuyên đòi nợ thuê cho các ngân hàng, cty tài chính | SKĐS


Minh Ngọc
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn