Dịch COVID-19 nguyên vật liệu tăng mạnh
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 3 – Quốc hội khóa XV chiều 7/6, các ĐBQH đặt câu hỏi chất vấn đến Bộ trưởng Lê Minh Hoan liên quan đến các vấn đề như: Ùn ứ nông sản tại cửa khẩu; vấn nạn phân bón giả; giá phân bón, thuốc trừ sâu… tăng giá; tình trạng được mùa mất giá…
Trước đồng bào và cử tri nhân dân cả nước, Bộ trưởng Bộ NNPTNT cảm ơn 14 triệu nông dân Việt Nam đã rất năng động, linh hoạt để góp phần làm nên kết quả xuất khẩu nông nghiệp, nông lâm, thủy sản trong năm 2021 đạt mức rất cao trong bối cảnh khó khăn.
Trả lời chất vấn các ĐBQH, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững được Thủ tướng phê duyệt đã xác định rõ chúng ta đang chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, trong đó nhấn mạnh đến yếu tố thị trường.
Về vấn đề giá nguyên vật liệu đầu vào, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, đây là vấn đề liên quan đến thị trường, vật liệu đầu vào sản xuất, nhập khẩu và xuất khẩu. Khi đứt gãy chuỗi cung ứng trong giai đoạn dịch bệnh và nhất là cao điểm ùn ứ cửa khẩu phía Bắc, Bộ đã phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao cùng vào cuộc dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để hạn chế thấp nhất thiệt thòi, thiệt hại cho nông dân.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh:"Đây là trường hợp bất khả kháng do khác biệt trong quy định chống dịch của hai bên. Nước ta làm nông nghiệp nhưng phụ thuộc rất nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu từ phân bón, thuốc, nguyên liệu để chế biến thức ăn".
Ngoài ra, Bộ cũng có nhiều phiên họp, làm việc với các hiệp hội, ngành hàng phân bón, các doanh nghiệp… nhằm giải quyết vấn đề trên.
Vùng ĐBSCL sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cao
Liên quan đến việc nông dân sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, vẫn còn tình trạng lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hóa học, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không tuân thủ nguyên tắc "bốn đúng" gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, sức khỏe con người và chất lượng nông sản.
Bộ trưởng nhấn mạnh, tại Đồng bằng sông Cửu Long, tình trạng sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đang cao.
Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, Bộ trưởng nêu rõ, trong thời gian tới, cần hoàn thiện các phương pháp thử cho các thuốc bảo vệ thực vật sinh học; ứng dụng chuyển đổi số trong công tác quản lý hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tiết kiệm, hiệu quả, an toàn và có trách nhiệm.
Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác công tư sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, sử dụng phân bón tiết kiệm nhằm hướng đến một nền nông nghiệp xanh, an toàn và nâng cao giá trị nông sản; nhân rộng các mô hình, đẩy mạnh công tác truyền thông, đặc biệt các mô hình canh tác giảm chi phí sản xuất nhưng vẫn bảo đảm năng suất, chất lượng nông sản phẩm.
Về vấn đề nông nghiệp công nghệ cao, Bộ trưởng nêu rõ, trong thời đại công nghiệp 4.0, làm nông nghiệp có thể không cần phải đầu tư và sở hữu nhiều đất, mà có thể tận dụng thế mạnh của nền kinh tế liên kết, kinh tế chia sẻ.
Ngoài hướng tập trung tích tụ đất đai hướng tới tăng quy mô sản xuất, xây dựng vùng nông nghiệp cao, vẫn có những phương thức tập trung đất đai mềm, thích ứng với từng điều kiện ở từng địa phương, kết hợp nguồn lực nhà nước với nguồn lực xã hội để cùng phát triển nông nghiệp công nghệ cao.