Đồn Biên phòng có 72 "con nuôi"
Trung tuần tháng 11, Đồn Biên phòng Môn Sơn (Bộ đội biên phòng Nghệ An) đã phối hợp UBND xã Môn Sơn và Trường THCS Môn Sơn (huyện Con Cuông, Nghệ An) ra mắt mô hình "Đồng hành cùng ký túc xá vùng biên".
Theo đó, Đồn Biên phòng Môn Sơn cử một tổ công tác thuộc đội vận động quần chúng vào thực hiện nhiệm vụ tại khu bán trú của trường. Tổ công tác thường trú tại đây để giúp đỡ các học sinh người Đan Lai sớm làm quen, hòa nhập với cộng đồng; trải nghiệm cuộc sống, sinh hoạt, học tập gần với môi trường quân đội; tạo đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần lành mạnh, hỗ trợ, rèn luyện, nâng cao kỹ năng sống cho các cháu.
Trao đổi cùng phóng viên, Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Môn Sơn cho biết: Trường THCS Môn Sơn hiện có 72 học sinh dân tộc thiếu số là người Đan Lai (một trong 11 dân tộc thiểu số rất ít người của cả nước; chỉ phân bố tại Nghệ An).
Học cấp 1, các cháu học tại điểm trường lẻ tại bản Búng, bản Cò Phạt (nằm sâu trong Vườn Quốc gia Pù Mát, cách trung tâm xã từ 15-20km). Vào cấp 2, các cháu phải ra điểm trường chính ở trọ để học.
Ở độ tuổi 11-15 tuổi, các cháu nhỏ gặp rất nhiều khó khăn do con đường từ nhà đến trường xa xôi, cách trở; xa gia đình, nên việc sinh hoạt, học tập còn nhiều bỡ ngỡ. Vậy nên, nhiều học sinh còn có ý định bỏ học...
Để giúp đỡ các cháu học sinh người Đan Lai, năm 2018, các cơ quan, ban ngành, địa phương đã quan tâm xây dựng khu nội trú riêng và hỗ trợ tiền ăn 18.000 đồng/ngày/học sinh. Khu nội trú được hình thành nhưng vẫn chưa đủ điều kiện để được hưởng các chính sách nội trú.
Trường Trung học Cơ sở Môn Sơn cũng đã gặp nhiều khó khăn phát sinh trong công tác quản lý, đảm bảo an ninh trật tự, ngăn chặn tình trạng các em bỏ học... 100% gia đình các học sinh đều là hộ nghèo nên cuộc sống của các cháu tại khu nội trú gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, các học sinh Đan Lai vốn quen cách sống "hoang dã" biệt lập ở rừng sâu nên rất nhút nhát, không dám tiếp xúc với người lạ; phản kháng sự quan tâm của mọi người; chưa biết cách sống tập thể.
Các cháu còn có thói quen xấu đó là nếu 1 cháu bỏ học thì kéo theo cả hàng chục cháu cùng bản nghỉ theo.
Chính vì vậy, năm 2019, Trường THCS Môn Sơn đã đề xuất Đồn Biên phòng thành lập tổ công tác "cắm trường" giúp quản lý, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh...
Đi vào hoạt động, tổ công tác của đội vận động quần chúng đã tích cực thực hiện công tác quản lý, duy trì chế độ, giờ giấc trong ngày, tuần cho các học sinh người Đan Lai tại khu nội trú.
Hỗ trợ, giúp đỡ các cháu rèn luyện kỹ năng sống, tự lập sinh hoạt cá nhân, cắt tóc, giặt quần áo, cách trồng và chăm sóc hoa màu; tổ chức sinh hoạt tập thể, hoạt động thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ; tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; hỗ trợ vật chất phục vụ sinh hoạt, học tập; động viên, khen thưởng kịp thời các học sinh có thành tích tốt...
Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ: Sau 3 năm thực hiện hiệu quả việc hỗ trợ giúp các cháu học sinh Đan Lai, Đồn biên phòng đã phối hợp cùng Trường THCS Môn Sơn, UBND xã xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện mô hình "Đồng hành cùng ký túc xá vùng biên" tại khu nội trú. Kế hoạch nhận được sự đồng thuận cao của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và UBND huyện Con Cuông.
Mô hình mới được ra đời trên cơ sở kế thừa, có bổ sung rõ hơn những quy định, yêu cầu, nhiệm vụ giải pháp mới và kế thừa mô hình "Con nuôi đồn biên phòng". Nếu như trước đây, Đồn chỉ có 4 người "con nuôi" là học sinh người Đan Lai thì bây giờ Đồn đã có tới 72 người con nuôi.
Các con đã "Yêu trường, yêu lớp" nhiều hơn
Thiếu tá Phan Văn Thắm - thành viên tổ công tác Đồng hành cùng Ký túc xã Vùng biên cho biết về trách nhiệm "làm cha, làm mẹ": Tổ công tác có 3 người, thực hiện theo dõi, duy trì và hỗ trợ việc sinh hoạt, học tập của học sinh trong khu nội trú. Cụ thể, tổ công tác cố gắng tạo cho các cháu có lối sống, sinh hoạt như trong môi trường quân đội (như báo thức, tập thể dục sáng, vệ sinh, sắp xếp nội vụ,...); trang bị kiến thức về mọi mặt (đặc biệt chú ý đến ngôn ngữ) để các cháu nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống mới; tạo tiền đề cho các cháu phát triển tư duy toàn diện và có cơ hội phát triển bản thân cả về tri thức và kinh tế - xã hội;
Phối hợp với chính quyền địa phương đảm bảo an ninh trật tự tại khu nội trú cho các cháu yên tâm học tập, sinh hoạt, gắn bó với khu ký túc...
"Thực sự, chúng tôi đã coi các cháu như con ruột của mình để dồn hết tình cảm yêu thương nhất, luôn theo dõi từng bữa ăn, giấc ngủ, ốm đau" – Thiếu tá Thắm tâm tình.
Cháu Lê Văn Sơn, 15 tuổi, ở bản Cò Phạt, học sinh lớp 9A2 Trường THCS Môn Sơn cho biết: "Cháu là con thứ 4 trong gia đình có 5 anh, chị em. Bố mẹ đều làm nương rẫy.
Trước ở nhà thì thấy cuộc sống vất vả lắm. Về ở ký túc xá học, cháu và các bạn vui lắm. Ở đây, cháu được các bố Biên phòng bày cho học, lao động, tập thể dục, được cho ăn no. Các Bố rất hiền, luôn trò chuyện và nói các con cần chịu khó học tập lên cao sự và những cơ hội nghề nghiệp".
Tương tự, cháu Lê Thị Hoa, 15 tuổi, ở bản Búng, học sinh lớp 9A1 kể: "Các học sinh nữ chúng cháu thì gần gũi với mẹ Thanh hơn (Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh, cán bộ Đồn Biên phòng Môn Sơn).
Mẹ âu yếm, dịu dàng, bày dạy cho chúng cháu rất nhiều thứ từ hát múa, may vá, vệ sinh cá nhân, kiến thức pháp luật và cả chăm sóc sức khỏe sinh sản. Mẹ dặn không được tảo hôn, lấy chồng sớm là khổ lắm, phải học lên cấp 3 rồi học lên cao nữa…Mẹ có cái gì ngon, đẹp thì mẹ đều cho".
Từ khi có sự hỗ trợ, giúp đỡ của Đồn Biên phòng, những học sinh Đan Lai ra học đã "yêu trường, yêu lớp" nhiều hơn, không còn tình trạng bỏ học giữa chừng. Các học sinh đều không muốn mình phải sống biệt lập giống "như con thú hoang" mà muốn được học cao hơn, được ra huyện, về thành phố.
Thầy giáo Lê Duy Thuận, Hiệu trưởng Trường THCS Môn Sơn khẳng định: Sự giúp đỡ của Đồn Biên phòng là cực kỳ hiệu quả. Mô hình ra đời là rất cần thiết cho việc phát triển giáo dục ở xã, huyện, khu vực miền núi.
Để mô hình "Đồng hành cùng ký túc xá vùng biên" ngày càng đi vào chiều sâu, Nhà trường sẽ tiếp tục phối hợp cùng các cán bộ tăng cường phối hợp kiểm tra, đôn đốc, quản lý các cháu học tập, sinh hoạt; nắm và trao đổi, đề xuất kịp thời về những vướng mắc, vấn đề mới nảy sinh trong quá trình các cháu học ở trường và sinh hoạt ở khu ký túc xá; biểu dương, khen thưởng kịp thời.
Theo thầy giáo Lê Duy Thuận và thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng: Ngay từ đầu xây dựng mô hình, UBND xã, Trường THCS Môn Sơn và Đồn Biên phòng Môn Sơn đã tập trung kêu gọi các cơ quan, ban ngành, nhà hảo tâm hỗ trợ thêm cơ sở vật chất nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần và môi trường học tập cho các cháu trong khu vực nội trú.
Ở thời điểm này đã có một số đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp ủng hộ. Qua đó đã thiết lập được Quỹ khuyến học trị giá 56,5 triệu đồng để khen thưởng các em; một tổ chức phi chính phủ ủng hộ thêm khẩu phần ăn cho các em 12 triệu đồng/tháng; một số doanh nghiệp có hứa cam kết đồng hành…
Tuy nhiên, khẩu phần ăn của các cháu vẫn còn rất "nghèo nàn", không đảm bảo dinh dưỡng. Mong rằng, có thêm nhiều hỗ trợ để cải thiện bữa ăn, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần và môi trường học tập cho các học sinh Đan Lai trong khu nội trú.