Theo đó, nhiều học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn sống tại khu vực biên giới đã được các đồn biên phòng nhận nuôi, chăm sóc tại đồn, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để học tập ngày một tiến bộ.
Đổi thay phận người
Nửa tháng nay, hai cậu bé có hoàn cảnh hết sức đáng thương, cùng sinh năm 2008, ở xã cực Tây, nghèo nhất huyện Kỳ Sơn là Lo Văn Diệu và Seo Văn Điệp đã có thêm những người “bố” mới. Bố đẻ của Lo Văn Diệu mất sớm, mẹ của Diệu đi thêm bước nữa rồi cùng chồng mới đi làm ăn xa, Diệu sống cùng “ông nội” (bố người chồng sau của mẹ) ở bản Huồi Phuôn 1. Còn bố và mẹ của Seo Văn Điệp đi làm ăn xa và mất tung tích đã lâu, Điệp sống cùng bà ngoại đã già yếu ở bản Huồi Lê.
Đồn Biên phòng Keng Đu nhận nuôi 2 con Lo Văn Diệu và Seo Văn Điệp.
So với những đứa trẻ khác trong xã, Diệu và Điệp được xem là tấm gương vượt khó, học giỏi. Lo Văn Diệu từng đạt giải khuyến khích học sinh giỏi lớp 5 môn Toán cấp huyện. Sau khi hoàn thành chương trình tiểu học, Diệu cùng Điệp đều muốn học lên. “Học lên để biết nhiều hơn, để được đi xa hơn”. Nhưng với hai cháu, nguyện vọng đó mãi là giấc mơ khi mà gia cảnh không cho phép... Thế rồi giấc mơ ngỡ sớm đoạn tuyệt lại trở thành sự thật. “Chiếc đũa thần” hiện thực hóa giấc mơ mang tên Đồn Biên phòng Keng Đu, huyện Kỳ Sơn. Các cán bộ của đồn, thầy cô giáo và cán bộ ở xã đã đến tận nhà Diệu, Điệp để tìm hiểu gia cảnh, thông báo chủ trương nhận con nuôi, hỏi ý nguyện của các em và gia đình... Ngày 5/9, Diệu và Điệp chính thức trở thành con nuôi của Đồn Biên phòng Keng Đu và được đưa về đồn nuôi dưỡng. Các cán bộ, chiến sĩ ở Đồn đều trở thành “bố mẹ” của 2 cậu bé.
Đại úy Hà Huy Thành, Chính trị viên Đồn Biên phòng Keng Đu cho biết: Thực hiện mô hình “Con nuôi đồn biên phòng”, Đồn Biên phòng Keng Đu đã triển khai thực hiện nghiêm túc. Hai con được bố trí chỗ ăn ở, sinh hoạt phù hợp, chu đáo, có góc học tập riêng, có các đồ dùng và phương tiện sinh hoạt cần thiết. Đồn phân công cán bộ trực tiếp đỡ đầu, quản lý, kèm cặp, hướng dẫn, giáo dục và chăm sóc hai con... Ở Đồn Biên phòng Keng Đu, Diệu và Điệp đã có một gia đình thực sự đúng nghĩa. Với tấm lòng người bố người mẹ, các cán bộ, chiến sĩ của Đồn đã chăm lo cho các em hết sức chu đáo, từ bữa ăn, giấc ngủ đến kèm cặp, hướng dẫn học tập.
Không phụ lòng những người bố nuôi, cả 2 con sớm quen cuộc sống tại “nhà mới” và chăm ngoan, học tốt. Lo Văn Diệu sung sướng kể: “Ở nhà mới, các bố đều rất thương yêu cháu. Ở đây, cháu được ăn ngon, mặc đẹp và được học nhiều điều hay”. Quá trình cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt với các bố đã giúp hai cháu “thay da đổi thịt”, biết vệ sinh cá nhân, tự giặt quần áo và có thể gấp chăn màn gọn gàng, vuông bánh chưng kiểu bộ đội...
Niềm vui của Diệu và Điệp chính là tâm trạng chung của nhiều trẻ được các đồn biên phòng nhận nuôi, trong đó có Già Bá Thông, 9 tuổi, ở bản Nhọt Lợt, xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn. Gia đình của Thông rất nghèo, đặc biệt khó khăn. Ở năm học này, nếu không được nhận làm con nuôi của Đồn chắc hẳn cháu đã phải nghỉ học, trở thành “lao động chính” trong gia đình với những công việc nương rẫy và quán xuyến nhà cửa... Nhờ mô hình “Con nuôi đồn biên phòng”, số phận của Già Bá Thông đã đổi thay theo hướng khác, tích cực và tốt đẹp hơn. Ở Đồn Biên phòng Mỹ Lý, ngoài được chăm sóc chu đáo, Già Bá Thông còn được cán bộ, chiến sĩ cho làm quen với máy vi tính.
Đại úy Nguyễn Xuân Sơn, Chính trị viên, Phó đồn Biên phòng Mỹ Lý cho hay: “Cháu Già Bá Thông được Đồn nuôi dưỡng, học hành cho đến khi tốt nghiệp cấp 2. Khi lên cấp 3, cháu tiếp tục được Đồn hỗ trợ, đỡ đầu theo chương trình Nâng bước em tới trường... Tại Đồn Biên phòng Mỹ Lý, ngoài Thông, còn có 1 cháu nữa được nhận làm con nuôi, đó là cháu Kha Ngọc Chuyền, 10 tuổi, ở bản Xốp Tụ, đang học lớp 5A Trường tiểu học Mỹ Lý 1. Hiện nay, theo nguyện vọng của gia đình, cũng như khoảng cách địa lý từ nhà tới trường gần nên Chuyền ở với bố mẹ. Mỗi tháng, Đồn thực hiện hỗ trợ tiền ăn 1 triệu đồng cho cháu. Mỗi tuần, Đồn cử 3 lượt cán bộ cùng thầy cô giáo sang kềm cặp việc học”.
Theo dõi, kèm cặp 2 con học bài.
Vững bền biên viễn
Theo Đại úy Sơn: Mô hình “Con nuôi đồn biên phòng” chính thức bắt đầu được thực hiện từ tháng 8/2019. Những cháu được nhận làm con nuôi là trẻ trong độ tuổi từ 6-15 tuổi (có thể nhận nuôi các cháu có độ tuổi nhỏ hơn nhưng phải đảm bảo được việc chăm sóc), là người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các cháu mồ côi, các cháu con liệt sĩ, thương binh, gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở địa bàn biên giới. Mỗi đồn biên phòng tùy theo tình hình thực tế ở địa bàn để nhận “con nuôi” phù hợp, từ 2-3 cháu... Với sự chăm lo chu đáo, chắc chắn các cháu sẽ có sức khỏe tốt, có điều kiện sinh hoạt, học tập, rèn luyện, trở thành con ngoan, trò giỏi, tương lai trở thành người có ích cho xã hội.
Thông tin từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Nghệ An: Trước thời điểm mô hình “Con nuôi đồn biên phòng”, Biên phòng Nghệ An đã và đang thực hiện hiệu quả Chương trình Nâng bước em tới trường. Cụ thể Bộ chỉ huy, các phòng, ban, văn phòng, đơn vị đã làm tốt công tác tuyên truyền, tiếp nhận, đỡ đầu 106 cháu học sinh. Trong đó có 20 cháu thuộc địa bàn biên giới với 3 tỉnh Hủa Phăn, Bô Ly Khăm Xay, Xiêng Khoảng (nước bạn Lào) có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa, giúp các cháu có thêm điều kiện sinh hoạt, học tập được cấp ủy chính quyền địa phương, các ngành, các cấp ghi nhận và đánh giá cao.
Với mô hình “Con nuôi đồn biên phòng”, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Cục Chính trị, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Nghệ An đã có những hướng dẫn, triển khai thực hiện hết sức trách nhiệm. Ngoài các đồn biên phòng trực tiếp nhận nuôi thì thủ trưởng bộ chỉ huy, các phòng ban, văn phòng và các đơn vị không trực tiếp nuôi cháu thì cũng đăng ký nhận nuôi các cháu bằng cách ủng hộ kinh phí 200.000 đồng/cháu/tháng...
Mô hình con nuôi ra đời không thay thế chương trình Nâng bước em tới trường mà cùng hoạt động song song. Theo đó, thủ trưởng bộ chỉ huy mỗi đồng chí nhận đỡ đầu ít nhất 1 cháu; các phòng ban, văn phòng bộ chỉ huy đỡ đầu ít nhất 2 cháu. Đơn cử, tại địa bàn xã Bắc Lý và Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn, ngoài 2 con nuôi, còn có 6 học sinh được các lãnh đạo Bộ chỉ huy nhận đỡ đầu, 2 học sinh được cán bộ chiến sĩ Đồn Mỹ Lý đỡ đầu. Mỗi cháu được đỡ đầu nhận ít nhất 500 ngàn đồng/tháng. Hoạt động này sẽ được duy trì đến khi các cháu học xong các cấp học.
Tính đến thời điểm này, hoạt động nhận con nuôi của các đồn biên phòng trên tuyến biên giới Nghệ An - Lào đã và đang nhận được niềm tin lớn lao của người thân, người dân vùng biên giới. Bà Xồng Y Dí, mẹ của Thò Bá Xa (1 trong 2 cháu được Đồn Biên phòng Nậm Càn, Kỳ Sơn nhận nuôi) tâm tình: “Thấy con được ăn ở trong môi trường quân đội, được sự quan tâm của cán bộ Đồn nên chúng tôi rất yên tâm. Hàng ngày, hàng tuần, ngoài giờ lên lớp và ôn bài, hai con lại theo các chú ra vườn tăng gia sản xuất, luyện tập thể dục thể thao, rảnh nữa thì về thăm nhà. Tình hình ăn học của con đều được Đồn phối hợp cùng nhà trường thông báo về gia đình rất đầy đủ. Mong sao lớn lên cháu cũng là bộ đội”.
Ông Lô May Mằn, Bí thư Đảng ủy xã Keng Đu, huyện Kỳ Sơn khẳng định: “Cùng với hoạt động giúp đỡ người dân vùng biên phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh chính trị xã hội, thì hoạt động nhận con nuôi, đỡ đầu cho các cháu học sinh, khuyến học của đồn biên phòng sẽ góp phần nâng cao dân trí, tăng cường tình đoàn kết gắn bó máu thịt giữa cán bộ, chiến sĩ với đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới, xây dựng nền biên phòng toàn dân vững chắc hơn bao giờ hết ở hiện tại và tương lai”.