Nhiều người vẫn giữ quan niệm kiêng khám bệnh đầu năm, sau Tết bởi coi đó là điềm xui xẻo, lo sợ cả năm phải đi viện. Chính tâm lý e ngại này đã khiến nhiều bệnh nhân trì hoãn việc điều trị, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
TS.BSCKII Trà Anh Duy (Trung tâm Sức khỏe Nam giới Men's Health) chia sẻ, sau Tết Nguyên đán, trung tâm thường tiếp nhận nhiều ca bệnh nam khoa trong tình trạng muộn, có biến chứng nguy hiểm do bệnh nhân chủ quan, trì hoãn khám chữa vì quan niệm sai lầm trên.
Anh N.V.A (32 tuổi tuổi, ngụ ở quận Bình Thạnh, TPHCM) đến phòng khám ngày mùng 7 Tết với tình trạng sưng đau tinh hoàn trái kéo dài hơn 2 tuần. Anh cho biết, trước Tết anh đã có biểu hiện tiểu buốt, tiểu rát, nhưng do bận rộn công việc cuối năm nên không đi khám. Sau Tết, tình trạng của anh trở nên nghiêm trọng hơn với cơn đau tăng dần, tinh hoàn sưng to, nóng, đỏ. Anh A vẫn chần chừ không đi khám vì sợ "mở hàng bệnh viện" đầu năm sẽ gặp xui xẻo.
Cầm cự đến mùng 7 Tết, anh A buộc phải đi khám. Sau khi thăm khám, TS.BSCK2 Trà Anh Duy cho biết, anh A đã trong tình trạng viêm tinh hoàn - mào tinh hoàn diễn biến áp xe, cần phải nhập viện can thiệp ngoại khoa kịp thời.
BS Trà Anh Duy cho biết, nếu anh A đi khám sớm hơn, khi bệnh còn ở giai đoạn đầu, việc điều trị sẽ đơn giản hơn. Do để bệnh kéo dài, vi khuẩn gây viêm đã tạo thành ổ áp xe, gây nhiều đau đớn cho bệnh nhân và tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
!['Kiêng' khám bệnh đầu năm, nguy hiểm khôn lường- Ảnh 1. 'Kiêng' khám bệnh đầu năm, nguy hiểm khôn lường- Ảnh 1.](https://suckhoedoisong.qltns.mediacdn.vn/thumb_w/640/324455921873985536/2025/2/7/tsbs-tra-anh-duy-1738897421149347890563.png)
TS.BSCKII Trà Anh Duy cho biết, quan niệm "kiêng khám bệnh sau Tết" là quan niệm dân gian hoàn toàn không có cơ sở khoa học, gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe.
Khác với anh A, ông N.M.N (48 tuổi, TP Thủ Đức, TPHCM) tiền sử bị tiểu đường, từ ngày 26 Tết đã có dấu hiệu tê bì chân tay, phù bàn chân, cẳng chân, ngứa ngáy. Mặc dù vợ con động viên đi khám nhưng ông N nhất định không đi vì lý do sợ "mất Tết", đợi ra Giêng sẽ khám lại. Theo ông N, cả năm mới có dịp Tết để sum vầy, sợ đi khám rồi bác sĩ bắt nhập viện.
Đến mùng 5 Tết, thấy chồng bị phù toàn thân, mệt mỏi, vợ và các con ông N mới đưa ông đi viện cấp cứu. Sau khi thực hiện một loạt xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán ông N đã bị biến chứng đái tháo đường sang thận, chỉ số HbA1c cao gấp 3 lần người bình thường.
Theo TS.BSCKII Trà Anh Duy, quan niệm "kiêng khám bệnh sau Tết" là quan niệm dân gian không còn phù hợp, hoàn toàn không có cơ sở khoa học, thậm chí còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe.
Thực tế cho thấy, rất nhiều trường hợp phải nhập viện cấp cứu, thậm chí rơi vào trạng thái nguy kịch chỉ vì tâm lý "chờ hết Tết rồi tính sau". Đặc biệt, với người mắc bệnh mạn tính, Tết thường lơ là chủ quan trong việc uống thuốc và sinh hoạt, có người bỏ hẳn chế độ điều trị. Đây là nguyên nhân gia tăng số bệnh nhân khám và nhập viện sau mỗi dịp lễ Tết.
Ngoài ra, nhiều người vì tâm lý e ngại nên trì hoãn việc khám chữa bệnh, khiến bệnh tiến triển nặng hơn, khó điều trị và tăng nguy cơ biến chứng.
Theo bác sĩ, trong nhiều trường hợp, việc chẩn đoán và điều trị kịp thời là rất quan trọng để cứu sống bệnh nhân. Trì hoãn khám chữa có thể khiến bệnh nhân bỏ lỡ thời gian vàng, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
"Đừng để những quan niệm mê tín ảnh hưởng đến sức khỏe của mình. Khi có dấu hiệu bất thường, hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức. Quan niệm "kiêng khám bệnh sau Tết" là sai lầm và nguy hiểm, có thể gây ra những hậu quả đáng tiếc cho sức khỏe. Hãy luôn đặt sức khỏe lên hàng đầu, chủ động khám chữa bệnh khi có dấu hiệu bất thường", BS Trà Anh Duy khuyến cáo.