Đi khám bệnh đầu năm có xui xẻo?

PGS.TS Hoàng Bùi Hải

PGS.TS Hoàng Bùi Hải

Phó Giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19, Trưởng khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

08-02-2017 12:30 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Nhiều người có quan niệm vào viện đầu năm để khám bệnh là không may mắn (!), nên mặc dù được bác sĩ tư vấn phải nhập viện điều trị vẫn chần chừ không chịu đến BV. Hậu quả xui xẻo là đã có bệnh nhân tử vong khi trì hoãn việc đi khám bệnh ngày Tết.

2 người tử vong vì không chịu đi khám bệnh ngày Tết

TS.BS Hoàng Bùi Hải, Trưởng khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, BV ĐH Y Hà Nội chia sẻ: “Nếu nói việc khám bệnh đầu năm là không may mắn, là “giông” cả năm thì các nhân viên y tế chúng tôi làm việc không chỉ đầu năm mà quanh năm ngày tháng chúng tôi vẫn phải làm”.

TS.BS Hoàng Bùi HảiTS.BS Hoàng Bùi Hải

Trên thực tế, theo TS. Hải, dịp Tết Đinh Dậu 2017 vừa qua, nhiều bệnh nhân nán lại ở nhà ăn Tết xong đến mới nhập cấp cứu. Điều này đã thành truyền thống, đáng tiếc năm nay có 3 ca đau ngực được bác sĩ khuyên đi viện trước Tết nhưng bệnh nhân sợ cả năm phải nằm viện nên cố thủ ở nhà. Tuy nhiên đáng buồn là 2 người trong số đó đã tử vong vì tắc động mạch phổi.

Khi nào cần đi khám?

Cũng vì nặng nề quan niệm khám bệnh đầu năm là gặp xui xẻo nên không ít các trường hợp cảm, cúm, sốt… người dân coi đó là chuyện vặt, qua loa không cần đi viện. Song, TS. Hải cho biết: “Các dấu hiệu cảm cúm rất thường gặp, biểu hiện viêm long đường hô hấp trên như sổ mũi, ho, đau đầu, đau người, sốt... đó là triệu chứng chung của nhiễm virus. Virus có nhiều loại, cần phải có thời gian và các phương tiện xét nghiệm mới xác định được. Gần đây có dịch cúm H5N1, H1N1, dịch cúm gia cầm hoặc dịch Zika, nếu người dân cứ ở nhà không chịu đi khám thì sẽ không thể biết mình đang bị nhiễm loại cúm nào. Chính vì thế người dân cần đến bệnh viện cho dù là biểu hiện nhẹ, nhưng khi đi khám bác sĩ sẽ hỏi về tình hình dịch tễ.

tắc động mạch phổiHình ảnh Cắt lớp vi tính động mạch phổi, có tắc nhánh 7, 8 động mạch phổi (P) sau mổ viêm phúc mạc tiểu khung. Ảnh: BSCC.

Có những người bị hen, nhưng sốt dễ làm cơn hen nặng hơn, hoặc người bệnh tiểu đường có cơn sốt sẽ làm đường máu rối loạn… Do vậy người dân cần hết sức cảnh giác những biểu hiện ban đầu như sốt, cảm cúm... có thể là dấu hiệu của bệnh khác nặng hơn”- TS. Hải nhấn mạnh.

TS. Hải khuyến cáo, khi có các dấu hiệu bất thường, bệnh nhân nên vào viện càng sớm càng tốt. Sốt thường là biểu hiện của rất nhiều bệnh lý khác như các bệnh lý nhiễm virus, vi khuẩn, bệnh hệ thống hoặc ung thư. Dấu hiệu nặng của sốt có thể kèm theo như ho, khó thở... có thể là viêm phổi; sốt kèm đau ngực... có thể viêm cơ tim, sốt kèm đi ngoài, tiểu rắt, tiểu buốt, đau đầu... đều là biểu hiện nhiễm trùng của một cơ quan cụ thể.... Những trường hợp này cần đến bệnh viện để được khám và điều trị kịp thời, tránh để mất đi cơ hội điều trị.


Dương Hải
Ý kiến của bạn