Gõ từ khóa "xem bói đầu năm" trên mạng xã hội, từ bói bài tarot, xem tử vi, tướng số cho đến gọi hồn, giải hạn... tất cả đều được quảng cáo rầm rộ trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok, YouTube hay Zalo. Nhiều thầy bói online còn thực hiện livestream để thu hút người xem, tạo cảm giác chân thực và hấp dẫn.
Ghi nhận của PV Báo Sức khỏe và Đời sống, tình trạng xem bói online liên tục nở rộ, các hội nhóm này có tới hàng trăm nghìn thành viên tham gia. Thực tế, không ít người đã rơi vào bẫy của những lời quảng cáo mang danh nghĩa "cầu an", "giải hạn", "xua đuổi xui rủi, bệnh tật" trên không gian mạng.
Chia sẻ với PV, chị Dung (34 tuổi, nhân viên văn phòng tại Hà Nội) cho hay, vừa qua chị đã mất gần 1 triệu đồng vì tin lời quảng cáo xem tử vi online.
Theo chị Dung, dịp Tết Ất Tỵ, trong một lần lướt Facebook bỗng nhiên hiện lên một bài đăng với nội dung xem tử vi miễn phí cho người hữu duyên. Tò mò về vận hạn, đường tình duyên của mình trong năm tới, chị đã nhắn tin nhờ xem giúp.
"Ban đầu, khi xem miễn phí, người ta nói sơ qua về tính cách và vận hạn của tôi. Tuy nhiên khi muốn xem kỹ hơn phải chuyển tiền, mỗi một lá số tử vi sẽ mất 999.000 đồng/lần xem. Tôi đã chuyển khoản, tuy nhiên khi vừa chuyển khoản xong người này chặn tài khoản facebook, số điện thoại làm tôi không liên hệ được", chị Dung kể.
Hành nghề mê tín dị đoan là vi phạm pháp luật
Theo luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn Luật sư TPHCM), pháp luật Việt Nam quy định, việc thực hiện các hoạt động mê tín dị đoan như bói toán, xem tử vi, đoán mệnh... có thể bị xem là hành vi vi phạm nếu nhằm mục đích: Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Nếu các hoạt động này lợi dụng niềm tin của người khác để chiếm đoạt tài sản thì có thể bị xử lý về hành vi lừa đảo, xuyên tạc, gây ảnh hưởng tiêu cực.
Khi việc xem bói biến tướng trở thành hành vi mê tín dị đoan với những tác động tiêu cực đến đời sống xã hội, thì hành vi mê tín dị đoan này được xem là vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt hành chính.
Cụ thể, việc xử phạt vi phạm hành chính sẽ được thực hiện theo điểm đ, Điều 14 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính đối với hoạt động mê tín dị đoan như sau: Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động mê tín dị đoan.
Nếu người nào hành nghề mê tín dị đoan mà đã bị xử phạt vi phạm hành chính còn vi phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, nếu đưa ra thông tin gian dối, sai sự thật có tính chất mê tín dị đoan để chiếm đoạt tiền, tài sản của người khác từ 2.000.000 đồng trở lên thì người thực hiện hành vi này sẽ bị xử lý hình sự về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự.
Để phòng tránh thủ đoạn lừa đảo tinh vi trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, thận trọng, không nên quá mù quáng tin vào hình thức liên quan đến tâm linh trên mạng xã hội. Chỉ nên lựa chọn và tìm đến những địa chỉ uy tín, không nên quá tin tưởng vào những hình thức biến tướng khi xem tâm linh trên không gian mạng.
Người dùng cần tìm hiểu kỹ và xác minh chính xác danh tính đối tượng trước khi thực hiện bất kỳ một giao dịch nào trên mạng xã hội. Nêu cao tinh thần cảnh giác, không gửi tiền quyên góp, ủng hộ vào các tài khoản không rõ nguồn gốc.