Phát biểu tại hội thảo “Thảo dược thiên nhiên với sức khỏe con người” do Bộ Y tế phối hợp với Tập đoàn TH tổ chức ngày 20/8 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, hiện nay, nhiều nước trên thế giới với xu hướng "trở về thiên nhiên" nên việc sử dụng các thuốc từ dược liệu của người dân ngày càng gia tăng, những thuốc này phù hợp với qui luật sinh lý của cơ thể con người mà rất ít những tác động có hại.
Tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Y tế nói:nhìn lại chặng đường hơn 4000 năm dựng nước và giữ nước, nền y dược học Việt Nam có một lịch sử lâu đời. Tổ tiên ta đã có tục nhai trầu để bảo vệ bộ răng và da dẻ hồng hào, biết uống chè vối cho dễ tiêu; dùng gừng, hành, tỏi để làm gia vị và để phòng bệnh.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại hội thảo
Đối với Nhà nước ta, từ lâu đã luôn quan tâm đến việc kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại. Trong kháng chiến, quân dân ta đã tận dụng nguồn dược liệu ở địa phương để bào chế ra thuốc men, tự túc được một phần quan trọng trong nhu cầu phòng bệnh và chữa bệnh. Nhiều chỉ thị, nghị quyết của Nhà nước về phương châm kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại, khai thác phát triển cây thuốc và động vật làm thuốc, nghiên cứu và sử dụng thuốc Nam đã được ban hành và đi vào cuộc sống.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, với điều kiện thiên nhiên nhiều ưu đãi, Việt Nam có khí hậu nhiệt đới nóng ẩm cùng một hệ sinh thái phong phú và đa dạng, đó là điều kiện thuận lợi để phát triển nguồn dược liệu phục vụ nhu cầu sản xuất trong nước. Tuy nhiên, nhiều loại dược liệu quý có thể thuốc chữa bệnh cho nhân dân, nhưng chưa được quy hoạch, phát triển chuỗi giá trị, dẫn đến hiệu quả thấp, việc khai thác chế biến còn bất cập.
“Nhiều loại dược liệu quý có nguy cơ cạn kiệt; đặc biệt việc nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất chế biến dược liệu còn manh mún và chưa kịp so với các nước trong khu vực…”- Bộ trưởng nêu thực trạng
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, mặc dù có tiềm năng thế mạnh rất lớn về tài nguyên dược liệu nhưng có một nghịch lý là hiện nay chúng ta mới chủ động được 30% nhu cầu, còn 70% còn lại chúng ta phải phụ thuộc nguồn nhập khẩu với chất lượng khó kiểm soát. Vì vậy, Đề án phát triển ngành Dược đến năm 2030 đặt ra bốn mục tiêu: Phát triển bền vững; gắn dược liệu vào sản xuất công nghiệp; phải có đầu tư của nhà nước về chính sách về nghiên cứu cây trồng; bảo tồn và xã hội hóa để các thành phần kinh tế cả trong và ngoài nước tham gia.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, Việt Nam có thể tận dụng thời cơ để củng cố, phát huy sức mạnh nền y dược học cổ truyền, nhất là trong bối cảnh các nhà khoa học, nhà sản xuất trên thế giới đang rất quan tâm tìm kiếm các hoạt chất tự nhiên có hoạt tính sinh học cao để làm thuốc chăm sóc sức khỏe con người. Với nguồn tài nguyên dược liệu phong phú, cùng với vốn kinh nghiệm chữa bệnh của cộng đồng, các dân tộc người Việt chính là tiềm năng to lớn để nghiên cứu, chiết xuất các hoạt chất và tạo ra những loại thuốc mới từ dược liệu có hiệu lực chữa bệnh cao, những thực phẩm có chức năng hoàn toàn tự nhiên, tốt cho sức khỏe.
Công nhân thu hái rau má được nuôi trồng theo mô hình dược liệu sạch của Tập đoàn TH
Cùng với xu hướng chung của thế giới, những năm gần đây, các doanh nghiệp trong nước, trong đó có Tập đoàn TH đã ưu tiên phát triển chuỗi dự án chăm sóc sức khỏe đang được hình thành như trồng rừng kết hợp phát triển nguồn dược liệu sạch - chất lượng cao; chiết xuất và bào chế dược liệu bằng công nghệ tiên tiến để cung cấp cho lĩnh vực dược phẩm, thực phẩm, mỹ phẩm…
“Thảo dược hiện không chỉ là nguồn cung cấp nguyên liệu cần thiết cho ngành Y Dược mà còn thật sự hữu ích cho cả ngành sản xuất thực phẩm, mỹ phẩm, hương liệu... Bộ Y tế ủng hộ chủ trương nhất quán của TH khi chọn sản xuất các sản phẩm thực phẩm thiết yếu sạch, hoàn toàn từ thiên nhiên là hướng đi phù hợp với xu hướng hiện nay là hướng tới thiên nhiên chăm sóc sức khỏe cộng đồng”- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói.