Tại Hội nghị Tăng cường kiểm soát nguồn gốc và chất lượng dược liệu do Bộ Y tế tô chức ngày 14/9, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, chúng ta có nguồn gốc lâu đời về thuốc y học cổ truyền, nếu không duy trì, bảo tồn và phát triển thì chúng ta chịu phần thiệt thòi và tự hủy hoại nền y học cổ truyền của nước nhà. Cũng theo Bộ trưởng để nâng cao chất lượng dược liệu cần tăng cường kiểm soát nguồn gốc, kiểm soát dược liệu nhập khẩu qua đường tiểu ngạch...
Hơn 80% dược liệu sử dụng tại Việt Nam là nhập khẩu
TS Trương Quốc Cường – Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, hiện dược liệu dùng cho sản xuất thuốc tại Việt Nam vẫn còn chưa đảm bảo chất lượng. Hơn 80% trong số 60.000 dược liệu sử dụng mỗi năm tại Việt Nam là nhập khẩu, đa số lại nhập theo con đường tiểu ngạch. Khi đó, các dược liệu lại được nhập như nông sản hoặc đăng ký sản xuất mỹ phẩm nên khó đạt tiêu chuẩn để làm thuốc.
Bổ sung thông tin, PGS.TS Phạm Vũ Khánh – Cục trưởng Cục Quản lý Y dược cổ truyền (Bộ Y tế) cũng cho biết, từ tháng 3.2016 đến này, Cục mới cấp 14 giấy phép nhập khẩu dược liệu cho các công ty sản xuất dược tại Việt Nam, với tổng số 1.400 tấn. “Mỗi năm Việt Nam dùng khoảng 60.000 tấn dược liệu, trong đó 80% dược liệu là nhập khẩu. Trong khi đó mới có 1.400 tấn dược liệu nhập khẩu có nguồn gốc, xuất xứ. Điều này cho thấy tình hình dược liệu vận chuyển lậu đang diễn biến rất phức tạp.
Các đại biểu tham dự hội nghị Tăng cường kiểm soát nguồn gốc và chất lượng dược liệu ngày 14/9
Ông Khánh cũng cho hay, việc thông quan dược liệu qua cửa khẩu còn rất nhiều hạn chế, chẳng hạn như dược liệu không có bao bì, nhãn mác theo đúng quy định, phần lớn được đóng gói trong bao dứa, thùng giấy, không kiểm tra được cụ thể các mặt hàng. Tại các cửa khẩu, cán bộ kiểm tra chỉ kiểm tra được số lượng, trọng lượng bao hàng, không kiểm tra được chất lượng các dược liệu trong khi đó quá trình kiểm tra chất lượng dược liệu lưu hành trên thị trường thì phần lớn dược liệu nhập khẩu vào Việt Nam đa phần là dược liệu kém chất lượng hoặc đã bị chiết xuất một phần hoạt chất.
Với dược liệu trong nước, theo đại diện của Viện Dược liệu, cả khâu trồng, chế biến dược liệu trong nước còn nhiều vấn đề. Theo đó trong công tác trồng dược liệu còn mang tính manh mún, tự phát, chưa có sự tham gia của các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương, chưa áp dụng phương pháp khoa học, chưa có sự liên kết giữa doanh nghiệp nhà khoa học, nông dân và Nhà nước nên chất lượng chưa đảm bảo, ảnh hưởng tới sản xuất. Trong chăm sóc dược liệu người dân sử dụng rất nhiều phân hóa học và hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật nên chất lượng dược liệu bị ảnh hưởng. Cụ thể như việc người dân dùng chì để đánh đen bóng tam thất, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng. Hay phương pháp sơ chế dược liệu bằng cách xông sinh đã bị cấm từ lâu do thiếu tính an toàn nhưng hàng năm ở các làng nghề Nghĩa Trai, Ninh Hiệp hay các vùng trồng dược liệu ở Hưng Yên, Bắc Giang rất nhiều dược liệu vẫn được sơ chế và bảo quản bằng phương pháp này...
Cảnh báo tình trạng đông dược trộn tân dược
Dưới góc độ làm công tác kiểm nghiệm, TS Nguyễn Đăng Lâm, Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thuốc TW thông tin, trong năm 2015, Viện phối hợp với Cục Y dược cổ truyền kiểm tra, khảo sát các dược liệu có nghi ngờ về chất lượng tại các bệnh viện y học cổ truyền và các công ty xuất nhập khẩu dược liệu trên toàn quốc, qua đó đã kiểm tra 109 mẫu, trong đó phần lớn mẫu được lấy từ khu vực cửa khẩu biên giới với Trung Quốc. Kết quả có 56 mẫu không đạt chất lượng, trong đó có 24 mẫu là dược liệu nhầm lẫn, giả mạo đã được đưa vào các cơ sở y tế công lập sử dụng.
Nhiều thuốc đông dược, dược liệu trên thị trường có chất các chất tân dược, chất bảo quản
Cũng theo ông Lâm, thời gian qua, Viện Kiểm nghiệm Thuốc TW phát hiện nhiều thuốc đông dược có pha lẫn tân dược, gồm cả thuốc tễ, viên hoàn được chế biến sẵn, thuốc siro và cả trong từng thang thuốc. Cá biệt, xuất hiện thuốc đông dược trộn tới 3-4 loại tân dược.
“Các thuốc đông dược thường được pha trộn tân dược như thuốc giảm đau, thuốc chữa khớp, thuốc chữa ho, thuốc tễ cho trẻ em. Điển hình như thuốc tân dược paracetamol được pha trong thuốc đông dược điều trị cảm sốt; thuốc corticoid trộn trong thuốc đông dược trị khớp, hen, ăn uống kém; Glibenclamid và metformin trộn vào thuốc đông dược chữa tiểu đường; sidenafil được trộn trong đông dược có tác dụng bổ dương, tăng cường sinh lực dùng cho nam giới”- ông Lâm chia sẻ.
Đánh vào tâm lý thích dùng thuốc đông y với hy vọng lành tính, ít tác dụng phụ, giá thành rẻ nhưng lại muốn khỏi bệnh nhanh của người dân, không ít người hành nghề y học cổ truyền đã trộn tân dược vào đông y để tăng tác dụng điều trị. Tuy nhiên, ông Lâm cho hay thuốc tân dược cần phải có kê đơn của bác sĩ, đúng liều lượng, đúng bệnh và được khuyến cáo, theo dõi những tác dụng phụ. Nếu người dân uống đông dược trộn tân dược có thể gặp các tác dụng phụ nghiêm trọng.
“Đáng ngại nhất là người dân vừa điều trị tân dược, vừa thích uống đông dược bổ sung. Nếu đông dược có tân dược sẽ dẫn đến quá liều lượng, gặp các tác dụng phụ nghiêm trọng có thể dẫn đến quá liều”- ông Lâm cảnh báo.
Càn sự phối hợp của nhiều cơ quan trong kiểm soát thị trường dược liệu
Ông Trần Hùng, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban 389) quốc gia dẫn số liệu đại diện Bộ Y tế thông báo mỗi năm cả nước sử dụng hơn 60.000 tấn dược liệu. Trong đó nguồn cung trong nước chỉ chủ động khoảng 20% và có tới 80% nguồn dược liệu nhập “chui” qua đường tiểu ngạch. “Nhẩm tính thôi thì con số dược liệu nhập chui vào Việt Nam mỗi năm hơn 40.000 tấn, cần phải xem dược liệu nhập lậu là hàng giả, xử lý nghiêm”, phó chánh văn phòng Ban 389 nói.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại hội nghị Tăng cường kiểm soát nguồn gốc và chất lượng dược liệu
Đại diện Ban 389 cho rằng muốn kiểm soát vấn đề nhập lậu dược liệu cần sự phối hợp của nhiều cơ quan, phân định trách nhiệm rõ ràng như biên phòng, công an, quản lý thị trường. Qua đó quản lý từ khâu nhập khẩu đến lưu thông, tiêu thụ. Đặc biệt phải xem dược liệu kém chất lượng là hàng giả, xử lý như thuốc giả.
Còn bà Trần Thị Hồng Phương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý y dược cổ truyền (Bộ Y tế) cho rằng, khi Luật Dược (sửa đổi) có hiệu lực vào ngày 1-1-2017, Luật Dược đã có những quy định nhằm chặn dược liệu kém chất lượng như: khi lưu hành phải được đóng gói, trên bao bì ghi nơi sản xuất, chất lượng, số lô, ngày đóng gói; dược liệu phải bảo đảm chất lượng, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, mức tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản, giới hạn kim loại nặng… không được vượt mức quy định. Do vậy thời gian tới, tình trạng dược liệu kém chất lượng sẽ được kiểm soát chặt chẽ, cơ quan quản lý sẽ có căn cứ, thẩm quyền để kiểm tra, xử phạt các đơn vị vi phạm. Tuy nhiên, bà Phương cũng cho rằng, để thị trường dược liệu hoạt động lành mạnh, chất lượng dược liệu bảo đảm cần có sự thực hiện trách nhiệm và phối hợp của các cơ quan như hải quan, quản lý thị trường, công an...
Đồng tình với nhiều ý kiến tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Hội nghị về tăng cường kiểm soát nguồn gốc và chất lượng dược liệu lần đầu tiên được Bộ Y tế tổ chức cũng là một trong những cố gắng của Bộ trong việc tìm giải pháp, tăng cường quản lý dược liệu.
Bên cạnh đưa ra nhiều chỉ đạo, đưa ra giải pháp, yêu cầu trong công tác quản lý chất lượng dược liệu, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thông tin nhiều nội dung liên quan tới việc triển khai, phát triển lĩnh vực y học cổ truyền.