Để ngành dược liệu Việt Nam phát triển theo hướng chuẩn hóa

23-06-2017 16:00 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Hiện nước ta có một nguồn dược liệu tự nhiên phong phú, có khoảng 5.117 loài loài thực vật có công dụng làm thuốc. Tuy nhiên, một nghịch lý vẫn đang tồn tại trong ngành sản xuất dược liệu của chúng ta đó là đa phần các công ty sản xuất dược liệu của Việt Nam hiện phải nhập khẩu từ nước ngoài. Bên cạnh đó, việc nuôi trồng, chế biến dược liệu tuy có nguồn lực nhưng vẫn phát triển tự phát, chưa tương xứng với tiềm năng.

Video: Ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai nói về hiện trạng tình hình phát triển cây dược liệu của Lào Cai

Đó chính là những vấn đề chính được đưa ra bàn luận trong buổi hội thảo “Đối thoại chính sách phát triển dược liệu theo hướng chuẩn hóa tại Việt Nam và tỉnh Lào Cai” do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai phối hợp với Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam và tổ chức Helvetas Việt Nam tổ chức ngày 23/6 tại Lào Cai.

Việt Nam có nguồn dược liệu phong phú nhưng vẫn phải nhập khẩu cây thuốc

Phát biểu tại Hội thảo, ông Phan Văn Thắng - GĐ Trung tâm Lâm sản ngoài gỗ (Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam cho biết, hiện nước ta có một nguồn dược liệu tự nhiên phong phú, có khoảng 5.117 loài loài thực vật có công dụng làm thuốc. Tuy nhiên, mỗi năm nhu cầu dược liệu ở Việt Nam khoảng từ 60 nghìn - 80 nghìn tấn dược liệu nhưng thị trường nội địa chỉ cung cấp được  từ 10 đến 20 nghìn tấn/năm. Phần còn lại phải nhập khẩu qua nhiều con đường.

Theo ông Thắng, nguyên nhân của việc không cung cấp đủ nhu cầu dược liệu trong nước này là do việc khai thác dược liệu tự nhiên không đi đôi với bảo tồn đã khiến tài nguyên này ngày càng cạn kiệt. Vấn đề trồng cây dược liệu chủ yếu là do kinh nghiệm mang tính quảng canh, nuôi trồng tự phát, chưa áp dụng theo tiêu chuẩn nuôi trồng nên năng suất và chất lượng thấp.

Bà Nguyễn Lam Giang thuộc đơn vị triển khai dự án BioTrade (dự án hỗ trợ bà con dân tộc thiểu số tại nhiều tỉnh thành Việt Nam để phát triển cây dược liệu do Liên minh châu Âu - EU tài trợ) nói về hướng đầu tư của dự án đối với dược liệu Lào Cai

Bà Nguyễn Lam Giang - Giám đốc HELVETAS Việt Nam đồng thời thuộc đơn vị triển khai dự án BioTrade (dự án hỗ trợ bà con dân tộc thiểu số tại nhiều tỉnh thành Việt Nam để phát triển cây dược liệu do Liên minh châu Âu - EU tài trợ) cho biết, việc chế biến dược liệu tại Việt Nam đa số theo phương pháp thủ công, hiệu quả không cao khiến cho chất lượng của cây dược liệu Việt nam giảm sút, làm mất uy tín của dược liệu Việt Nam trên thị trường Quốc tế.

Tình trạng nhập khẩu dược liệu của Việt Nam hiện rất khó kiểm soát về chất lượng đặc biệt là phần nhập khẩu qua đường tiểu ngạch. Các  loại dược liệu nhập qua đường tiểu ngạch không thể kiểm soát được nguồn gốc và chất lượng dẫn tới thành phẩm của dược liệu Việt nam sản xuất ra không đảm bảo chất lượng….

Bà Giang cho biết, dự án BioTrde tài trợ cho Việt Nam từ năm 2016 tới năm 2020 với số tiền là 2,7 triệu USD. Dự án chú trọng đến tăng cường khả năng cạnh tranh của các nhà sản xuất, chế biến và xuất khẩu địa phương, nâng cao sinh kế cho người dân nông thôn và khuyến khích họ tuân thủ và áp dụng các nguyên tắc BioTrade. BioTrade là một bộ nguyên tắc bao gồm các hoạt động liên quan đến việc thu hái, sản xuất, chế biến và thương mại hóa các sản phẩm và dịch vụ có nguồn gốc đa dạng sinh học bản địa, theo các tiêu chí bền vững về môi trường, xã hội và kinh tế.

Bà Giang nhấn mạnh: dự án BioTrade Việt Nam ưu tiên chuẩn hóa sản xuất dược liệu đặt lên hàng đầu mục tiêu chính là để giải quyết vấn đề nổi cộm về chất lượng cây dược liệu và uy tín dược liệu Việt Nam. Hiện nay dự án đang triển khai với hơn 20 công ty sản xuất dược liệu trong đó có trên 38 kênh dược liệu trên 23 Tỉnh, thành phố của cả nước.



Video: Theo PGS.TS Nguyễn Hoàng Nghĩa - Nguyên Viện trưởng Viện khoa học Lâm nghiệp Việt Nam: Muốn phát triển dược liệu bền vững, cần đi đôi với việc nuôi trồng và bảo tồn dược liệu, tránh tình trạng nguồn dược liệu quý bị khai thác cạn kiệt

Ông Tô Mạnh Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai cho biết Lào Cai hiện có hơn 800 ha trồng dược liệu; trong đó, trên 250 ha được trồng tập trung tại huyện Sa Pa, Bát Xát, Bắc Hà với các loại: Đương quy, cát cánh, chè dây, atiso, đan sâm, xuyên khung... Những năm gần đây, dược liệu là một trong những cây trồng chủ đạo, nằm trong nội dung tái cơ cấu ngành trồng trọt của tỉnh, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân vùng cao (bình quân thu nhập từ 120 - 240 triệu đồng/ha). Tuy nhiên, quy mô trồng còn ít, chủng loại chưa phong phú, việc phát triển mở rộng còn gặp khó khăn do thị trường tiêu thụ không ổn định, thiếu cơ sở thu gom và sơ chế, chế biến sản phẩm.

Ông Tô Mạnh Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai cho rằng, để phát triển được dược liệu tại Việt Nam nói chung và tại Lào Cai nói riêng, trước hết cần rà soát quy hoạch vùng sản xuất cây dược liệu phù hợp với từng địa phương và gắn với thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó cần bố trí kinh phí từ ngân sách để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các vùng trồng; phát triển các cơ sở thu mua kèm theo sơ chế, chế biến. Ngoài ra, các đơn vị chức năng cũng cần đầu tư nghiên cứu cung ứng nguồn giống cho bà con kèm theo việc đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại…

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai cho biết, hướng phát triển tới, Lào Cai sẽ phát triển cây dược liệu gắn với du lịch tại 2 huyện Sa Pa và Bắc Hà đồng thời, lựa chọn một số doanh nghiệp trở thành đối tác phát triển, sản xuất nhằm đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Lào Cai cùng với các tỉnh Hà Giang, Lai Châu sẽ phối hợp tạo thành vùng liên kết sản xuất dược liệu trọng điểm tại Việt Nam.

Thông tư 14-Hướng dẫn trồng trọt và thu hái cây thuốc theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới còn nhiều bất cập

Một trong những vấn đề được các nhà quản lý, nhà khoa học quan tâm tại Hội thảo Đối thoại chính sách phát triển dược liệu theo hướng chuẩn hóa tại Việt Nam và tỉnh Lào Cai là Thông tư 14 Hướng dẫn triển khai áp dụng các nguyên tắc, tiêu chuẩn "Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc" theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới còn nhiều bất cập kể từ khi được triển khai (9/2009) đến nay.

Cụ thể, thông tư 14 hướng dẫn các vấn đề sau: Hướng dẫn việc triển khai áp dụng các nguyên tắc, tiêu chuẩn "Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc" theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới; Công bố và tiếp nhận hồ sơ công bố dược liệu sản xuất theo các nguyên tắc, tiêu chuẩn "Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc"; Tổ chức đánh giá sự phù hợp các nguyên tắc, tiêu chuẩn "Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc"; Hướng dẫn kiểm tra, giám sát sự tuân thủ các nguyên tắc, tiêu chuẩn "Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc".

Đại diện Liên minh quốc tế Oxfam cho biết Thông tư 14 định hướng ngành dược liệu nhưng có nhiều phần chưa thống nhất với nhau. Thông tư 14 dường như là bản quy chuẩn mang tính hành chính chứ không thực tế.

Hội thảo có một số sở, ngành liên quan của tỉnh Lào Cai và Hà Giang, đại diện Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đại diện tổ chức Helvetas; tổ chức Oxfam tại Việt Nam tham gia

Hội thảo diễn ra sôi nổi, nhiều đại diện các doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến

Đồng tình với quan điểm này, Bà Hoàng Thị Thu Hương - cán bộ dự án BioTrade cho biết: một trong những nội dung điển hình cần xem xét là việc yêu cầu cơ sở phải có “Báo cáo nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật trồng trọt, thu hái cây thuốc (đối với quy trình tự nghiên cứu xây dựng) hoặc báo cáo sản xuất thử nghiệm 2 năm gần nhất (đối cới cơ sở sản xuất áp dụng quy trình theo các tài liệu tham khảo đã công bố)”.

Tuy nhiên theo bà Hương, yêu cầu này là không khả thi và không cần thiết. Bởi quy trình kỹ thuật là do cơ sở tự xác định trên nhiều yếu tố như: giống, thổ nhưỡng, điều kiện thời tiết khí hậu của từng thời điểm, điều kiện cập nhật công nghệ, kỹ thuật, sự ra đời của các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật … để đảm bảo chất lượng dược liệu đầu ra.

Hơn nữa, các quy trình kỹ thuật này cũng luôn thay đổi. Nếu việc yêu cầu cơ sở cung cấp quy trình kỹ thuật để thẩm định, trở thành điều kiện để tiếp nhận bản công bố thì sẽ có thể dẫn tới áp đặt, gây khó dễ cho cơ sở. “Còn nếu là tham khảo để làm cơ sở hậu kiểm thì không cần thiết vì ở thời điểm kiểm tra có thể quy trình đã được thay đổi” – bà Hương chia sẻ.


Thanh Loan
Ý kiến của bạn