Năm học 2023 - 2024, các trường THCS, THPT trên cả nước tiếp tục thực hiện cách đánh giá học sinh lớp 6, 7, 8 và 10, 11 theo Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT; nghĩa là chỉ có danh hiệu học sinh Xuất sắc, học sinh Giỏi và không còn danh hiệu học sinh Khá (học sinh tiên tiến) như trước. Với học sinh khối 9, 12, cách tính học sinh giỏi áp dụng theo Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT ban hành năm 2020. Học sinh được xếp loại học lực Giỏi khi có điểm trung bình chung các môn từ 8,0 trở lên.
Với cấp tiểu học, từ năm 2006 đến nay, khái niệm "học sinh giỏi" không còn được sử dụng. Thay vào đó là các đánh giá: Hoàn thành xuất sắc, Hoàn thành tốt, Hoàn thành và Chưa hoàn thành.
Điều này giúp hạn chế phần nào "cơn mưa" giấy khen mỗi dịp cuối năm học đã tồn tại bấy lâu nay nhưng lại làm cho kỳ vọng của cha mẹ đối với con tăng lên vì phải có thành tích tốt, thậm chí là rất tốt mới được tặng giấy khen.
Nhiều phụ huynh cho rằng, đã làm cha làm mẹ thì ai cũng muốn con mình học giỏi và việc khoe thành tích của con để mọi người biết và chia sẻ niềm vui là chuyện bình thường. Sau một năm học nỗ lực cố gắng, con cái giỏi thì cha mẹ có quyền tự hào, có quyền khoe, vừa tạo động lực cho con đồng thời cũng là niềm hãnh diện chính đáng của cha mẹ.
Nhưng lại cũng không ít người cho rằng việc "khoe" này của cha mẹ cần phải cân nhắc để đảm bảo ý nghĩa, sự riêng tư và phù hợp. Với việc đăng tải giấy khen, bảng điểm của con trên mạng xã hội, cha mẹ nhất thiết phải hỏi ý kiến của con bởi ở đó, ngoài danh hiệu khen thưởng còn có rất nhiều thông tin cá nhân cần giữ bí mật. Thậm chí, có người còn cho rằng hành động này là thiếu tế nhị, có phần phản cảm, bởi vô tình cha mẹ đã tạo áp lực cho những phụ huynh, học sinh khác cũng như chính bản thân con mình nếu không có được kết quả học tập như ý.
Khi xã hội càng tiến bộ, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thì việc phụ huynh đăng thành tích học của con trên các nền tảng mạng xã hội cần xem xét và thận trọng. Bên cạnh mặt tích cực là thỏa mãn tâm lý tự hào về con thì cũng có thể dẫn đến những nhận thức lệch lạc và hệ lụy khó có thể lường trước.
Thực tế, việc đăng tải giấy khen lên mạng xã hội ít tạo cho trẻ động lực học tập mà ngược lại còn mang đến cho các con nhiều áp lực hơn. Không phải cứ khoe con cái chăm ngoan, học giỏi thì con sẽ tiếp tục phấn đấu đạt thành tích tốt mà điều này vô hình trung lại gây áp lực nặng nề không chỉ cho con mình mà còn cho phụ huynh khác hoặc con người khác - những em học sinh không đạt kết quả cao.
Bằng cách công khai điểm số, các em bị đặt vào tình thế so sánh và cảm thấy tự ti về năng lực của mình. Thấy "con nhà người ta" đạt nhiều danh hiệu, thành tích, không ít phụ huynh lại so sánh, nhiếc móc hoặc thúc ép con mình lao đầu vào học không có cả nghỉ hè. Một năm có khi cả 12 tháng con trẻ bị "ép" học để bố mẹ có được tấm giấy khen, được "oai" với cư dân mạng, với cơ quan công tác hay hội khuyến học của dòng họ. Điều này đánh cắp tuổi thơ tươi đẹp và hồn nhiên của con trẻ khi suốt ngày chỉ "lao" đến trường rồi "phi" tới lớp học thêm.
Chưa kể, việc "khoe" này của cha mẹ có thể khiến trẻ kiêu căng, tự mãn. Điều này làm mất đi giá trị của sự khiêm tốn, khiêm nhường và lòng nhân ái trong xã hội. Các em học sinh có thể bị người khác xem nhẹ hoặc đánh giá thấp khi họ nhìn vào điểm số, thay vì dựa trên phẩm chất và khả năng cá nhân.
Điều nguy hiểm, khi phụ huynh "khoe" bảng điểm của con em mình trên mạng và để ở chế độ công khai sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ mất an toàn cho trẻ. Các thông tin cá nhân có thể bị sử dụng sai mục đích hoặc bị lợi dụng bởi những cá nhân hay tổ chức không đúng đắn, dẫn đến ảnh hưởng tiêu cực tới chính học sinh đó, mang lại những rắc rối không đáng có. Nếu để lộ thông tin, kẻ xấu dễ dàng đánh cắp và dùng thông tin cá nhân của trẻ để gây bất lợi như bắt cóc tống tiền, xâm hại…, vô tình khiến trẻ rơi vào tình huống nguy hiểm.
Để bảo đảm an toàn cho con, cha mẹ nên tiết chế và cân nhắc thật kỹ trước việc "khoe" giấy khen, thành tích học tập có đính kèm họ tên, lớp học, thông tin về trường lớp, thậm chí là những thông tin khác liên quan đến giáo viên hoặc gia đình của con lên mạng xã hội. Thay vì chia sẻ thông tin, hình ảnh của con ở chế độ công khai, cha mẹ nên chia sẻ ở những hội, nhóm kín đáo, riêng tư dành cho gia đình, người thân.
Tấm giấy khen không có lỗi và việc có nên khoe thành tích của con lên mạng xã hội hay không phụ thuộc vào quan điểm của mỗi người.
Mỗi đứa trẻ đều có những nỗ lực riêng, ưu trội riêng. Thay vì chỉ tập trung vào kết quả, cha mẹ hãy khích lệ, động viên và tôn trọng con mình bởi thành công không chỉ đo lường bằng giấy khen mà còn là sự nỗ lực, cố gắng, tiến bộ từng ngày để vượt qua chính mình.
Luật Trẻ em đã có hiệu lực từ 1/6/2017
Theo đó, luật nghiêm cấm các hành vi công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em.
Nghị định 56/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định một số điều hướng dẫn thi hành Luật Trẻ em có hiệu lực từ 1/7/2017 cũng đã quy định rõ thông tin bí mật đời tư của trẻ em là các thông tin về tên, tuổi, đặc điểm nhận dạng cá nhân, địa chỉ thông tin về trường lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em,…