Hy hữu, bé trai 30 tháng tuổi nuốt 23 chiếc đinh ghim sắt vào bụng

08-02-2024 11:05 | Camera bệnh viện

SKĐS - Trong lúc chơi đùa một bé trai 30 tháng tuổi đã nuốt 23 chiếc đinh ghim vào bụng, sau đó bé xuất hiện đau bụng dữ dội, các bác sĩ đã tiến hành gây mê, nội soi để gắp dị vật.

Hy hữu bé trai 30 tháng tuổi nuốt 23 chiếc đinh ghim sắt vào bụng- Ảnh 1.
Hy hữu bé trai 30 tháng tuổi nuốt 23 chiếc đinh ghim sắt vào bụng- Ảnh 2.

Hình ảnh dị vật trong dạ dày bé T.M.K. Ảnh BVCC

Sáng 8/2, trao đổi với phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống, BS CKI Đặng Quốc Đạt - Khoa Thăm dò chức năng, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, đơn vị vừa tiến hành nội soi gắp thành công dị vật là 23 chiếc đinh ghim bằng kim loại ra khỏi dạ dày bé trai 30 tháng tuổi.

Tối 5/2, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tiếp nhận bé trai T.M.K. 30 tháng tuổi (ở Thị xã Thái Hòa, Nghệ An) nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội. 

Qua khai thác bệnh sử được biết, chiều cùng ngày bố của bé K. mua một túi đựng đinh ghim sắt về để gia cố trần nhà. Lúc này, bé trai chơi đùa gần đó và đã dùng tay lấy nhiều chiếc đinh ghim bỏ vào miệng nuốt. Khi nghe tiếng bé khóc lớn, gia đình mới phát hiện ra sự việc, đưa bé đi cấp cứu.

Bé T.M.K. được chỉ định chụp X.quang và thực hiện các cận lâm sàng cần thiết. Kết quả phim X.quang cho thấy, có rất nhiều dị vật nằm trong dạ dày.

Các bác sĩ khoa thăm dò chức năng đã tiến hành hội chẩn với khoa ngoại và đưa ra quyết định gây mê và gắp dị vật bằng phương pháp nội soi, đồng thời đưa ra phương án dự phòng là sẽ phẫu thuật mở thông dạ dày để lấy dị vật nếu nội soi thất bại.

Sau hơn 1 giờ đồng hồ nội soi, các bác sĩ đã gắp từ dạ dày bé T.M.K. 23 chiếc đinh ghim bằng kim loại có chiều dài 2cm. Sau nội soi sức khỏe bé K. ổn định, tiếp tục được chuyển về khoa Ngoại theo dõi, hiện bé K. vừa  được xuất viện.

Hy hữu bé trai 30 tháng tuổi nuốt 23 chiếc đinh ghim sắt vào bụng- Ảnh 3.

Dị vật là đinh ghim kim loại được lấy ra từ dạ dày bé trai T.M.K. Ảnh: BVCC

Ths.Bs Lê Trọng Thông cho biết, đây là trường hợp rất phức tạp vì trẻ nuốt một lúc nhiều dị vật sắc nhọn, cũng rất may mắn là dị vật đang nằm ở dạ dày, chưa gây các biến chứng. Nếu các dị vật này di chuyển xuống ruột thì rất nguy hiểm.

Thời gian qua, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tiếp nhận, cấp cứu nhiều trường hợp nuốt phải dị vật đường tiêu hóa. Trước đó, ngày 24/1, khoa Thăm dò chức năng, Bệnh viện Sản Nhi cũng tiếp nhận một trường hợp bé gái V.H.B.A. (13 tháng tuổi, ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh) vào viện trong tình trạng ho, khò khè, sổ mũi, quấy khóc, không nôn trớ, đại tiện bình thường.

Khai thác tiền sử bệnh nhi thường tự chơi một mình, không ghi nhận tiền sử nuốt dị vật. Bệnh nhi được các bác sĩ khoa Hô hấp thăm khám và chỉ định chụp X.quang ngực thẳng, X.quang bụng thẳng nghiêng, Siêu âm ổ bụng phát hiện: Trong lòng manh tràng có hình ảnh dị vật tăng âm kích thước 19x1.3 mm.

Ngay khi phát hiện hình ảnh dị vật, các bác sĩ đã nhanh chóng hội chẩn phối hợp nội khoa và ngoại khoa theo dõi sát. Sau 21 giờ phát hiện dị vật, trẻ đã đi ngoài ra một đinh sắt, kích thước khoảng gần 2 cm, có dấu hiệu rỉ sét. Gia đình được bác sĩ tư vấn tiếp tục theo dõi sát toàn trạng.

Hy hữu bé trai 30 tháng tuổi nuốt 23 chiếc đinh ghim sắt vào bụng- Ảnh 4.
Hy hữu bé trai 30 tháng tuổi nuốt 23 chiếc đinh ghim sắt vào bụng- Ảnh 5.

Hình ảnh phim X.quang cho thấy trong lòng manh tràng có hình ảnh dị vật tăng âm kích thước 19x1.3 mm và dị vật sau khi ra khỏi cơ thể bé V.H.B.A.

BS CKI Đặng Quốc Đạt cho biết, dị vật đường tiêu hóa có thể là tăm xỉa răng, đinh, đinh ghim... đều là vật dụng sắc nhọn. Nếu nuốt phải những dị vật sắc nhọn có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ như tắc nghẽn đường thở, dẫn đến ngạt thở, hoặc gây thủng đường tiêu hóa, dẫn đến viêm ruột, nhiễm trùng, thậm chí là tử vong nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời.

Trẻ nhỏ nuốt phải dị vật thường có các biểu hiện như: Quấy khóc, đau bụng, nôn mửa, đi ngoài phân máu hoặc đen, sốt, mệt mỏi… Nếu phát hiện trẻ nhỏ có các dấu hiệu trên, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay lập tức để được thăm khám và thực hiện các cận lâm sàng, thăm dò chức năng để xác định vị trí dị vật.

Nếu dị vật nằm ở đường thở, bác sĩ sẽ tiến hành nội soi phế quản để lấy dị vật ra ngoài. Nếu dị vật nằm ở đường tiêu hóa, bác sĩ sẽ cân nhắc phương pháp điều trị phù hợp, có thể là nội soi lấy dị vật hoặc phẫu thuật.

Bên cạnh đó, người lớn cần giám sát, theo dõi trẻ trong lúc chơi đùa, đặc biệt là trẻ từ 2 - 7 tuổi, vì ở độ tuổi này trẻ rất hiếu động, thích khám phá và hay cho các vật dụng vào miệng.... , BS CKI Đặng Quốc Đạt khuyến cáo.

Xử trí đúng khi hóc dị vật đường tiêu hóa Xử trí đúng khi hóc dị vật đường tiêu hóa

SKĐS - Các trường hợp hóc dị vật đường tiêu hóa do chủ quan và cách xử trí sai cách sau khi bị hóc dị vật phổ biến. Vì vậy mọi người cần chú ý cảnh giác khi ăn uống vì nhiều dị vật sắc nhọn hay độc tố gây hậu quả nghiêm trọng.


Khánh Tâm
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn