Đã trải qua 49 năm kể từ ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) thế nhưng với những cựu thành viên của Ban Dân Y Trung ương Cục miền Nam, những năm tháng lịch sử đó vẫn là những ký ức hào hùng, sống mãi trong tâm trí mỗi người.
Đã thành thông lệ, cứ vào mỗi dịp 30/4 hàng năm, Câu lạc bộ Truyền thống Ban Dân Y miền Nam lại họp mặt các thành viên để cùng ôn lại kỷ niệm về những ngày tháng hào hùng mà họ đã trải qua.
Gần 50 năm trước, những chàng trai, cô gái vừa độ mười chín, đôi mươi mới tốt nghiệp hoặc đang theo học tại các trường y đã xếp bút nghiên, từ biệt gia đình lên đường hành quân vào Trung ương Cục miền Nam (gọi tắt là Ban Dân Y miền Nam "R") ở xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Họ đã âm thầm cứu chữa hàng chục ngàn thương bệnh binh, đồng bào vùng giải phóng, giúp bộ đội mau khỏe mạnh để tiếp tục chiến đấu. Cũng chính họ, trong những ngày đầu giải phóng đã tiếp quản tất cả các bệnh viện, viện, cơ sở y tế trên toàn miền Nam. Đây là một công tác hết sức khó khăn.
Nay, những chàng trai cô gái đó đa số đã ở tuổi "thất thập cổ lai hy", trở thành bậc ông bà nội - ngoại. Nhớ về những ngày tháng oanh liệt đó, mắt họ ánh lên niềm xúc động.
Ông Đào Đức Long (sinh năm 1941, nguyên Phó Phòng tài vụ Ban Dân Y Trung ương Cục Miền Nam, nguyên Trưởng phòng Tài vụ Bệnh viện Nhi đồng 2) và ông Lê Minh Sáng (sinh năm 1949, nguyên cán bộ tài vụ Ban Dân y Trung ương Cục Miền Nam, nguyên Trưởng phòng Tài vụ, Công ty Dược liệu Trung ương 2), là hai đồng đội công tác chung đơn vị BS 67/C1.
Những năm kháng chiến chống Mỹ, ông Long và ông Sáng phụ trách công tác tài chính và kiêm luôn nhiệm vụ mua sắm thuốc men, vật tư y tế cho chiến trường miền Nam. Hai người đồng đội ấy vẫn nhớ như in một kỷ niệm, lúc ấy, cả hai ông được giao nhiệm vụ đi lấy tiền về cho đơn vị và phải bỏ trong balo mà vác đi.
Các cựu thành viên của Ban Dân Y Trung ương Cục miền Nam và cán bộ ngành y tế đến thắp và dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ đồi 82, Khu di tích lịch sử quốc gia Trung ương Cục miền Nam (xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh) ngày 27/4/2024. Ảnh: NVCC
"Khi đó căn cứ đóng ở khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia, trên đường về dù rất đói lại mang trên mình cả balo tiền nhưng chúng tôi nhất quyết không dùng đến những đồng tiền ấy. Lúc đó anh Long phải dùng chiếc khăn dù của mình để đổi lấy hai ổ bánh mì và hai hũ chao của một quán ven đường để ăn chống đói. Ăn xong không có nước uống, hai anh em tôi phải múc nước ruộng lên mà uống cho đỡ khát. Khổ lắm chứ, làm cách mạng rất gian nan, vất vả"- ông Sáng xúc động chia sẻ về kỷ niệm của mình cùng người đồng đội trong những năm kháng chiến.
49 năm qua, ông Đào Đức Long vẫn không thể quên ký ức ngày 30/4/1975 lịch sử. Ông vẫn còn nhớ cảm xúc của ngày cùng đoàn quân tiến vào tiếp quản thành phố Hồ Chí Minh.
"Lúc ấy cảm giác của tôi cũng như mọi người, vô cùng phấn khởi và hạnh phúc trong không khí chiến thắng", ông Long nhớ lại.
Ngày đó, ông Long cùng đơn vị của mình được giao nhiệm vụ tiếp quản trường Đại học Y Khoa Sài Gòn (nay là Đại học Y dược TPHCM). "Gần đó có một ngân hàng mang tên Tín Nghĩa, tôi thấy lúc đó nhiều người và binh sĩ của chế độ cũ đang phá cửa ngân hàng để hôi của. Lập tức tôi can thiệp giải tán, nhanh chóng báo cáo cho Ban Dân Y Trung ương Cục miền Nam và Ban Kinh tài Trung ương Cục miền Nam, rồi sau đó cùng các đồng đội khác tìm người thủ quỹ ngân hàng để tiếp quản ngân hàng. Khi mở kho của ngân hàng, trong đó tiền rất nhiều, còn vàng thì chứa đầy trong các tủ được khóa kỹ, đến nỗi Ban Quân quản Ngân hàng đếm cả ngày mới xong, nhờ đó mà giữ gìn được tài sản cho nhà nước sau ngày giải phóng", ông Long kể lại.
Tổ nghiên cứu và giữ giống vi khuẩn (TAB, dịch hạch, EV, Shigella, Coli... ) thuộc Phòng Sản xuất vaccine ở rừng Tây Ninh. Ảnh: Jean Michel Krivile chụp năm 1967.
Nhớ về năm tháng đó, ông Lê Văn Nhi (sinh năm 1949), nguyên tổ trưởng tổ phòng chống dịch, Phòng Vi trùng học Miền Nam thuộc Ban Dân Y Trung ương Cục Miền Nam, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch Viện Pasteur TPHCM cũng tự hào với những kỷ niệm hào hùng của mình.
Từ năm 1971 đến khi thống nhất đất nước, ông Nhi cùng đồng đội nhận nhiệm vụ nghiên cứu và sản xuất các loại vaccine cho nhân dân vùng giải phóng và chiến trường miền Nam. Ông Nhi chia sẻ: "Những năm ấy tại chiến khu ở Tây Ninh, để sản xuất được vaccine gặp rất nhiều khó khăn từ con người đến trang thiết bị. Nhưng để khắc phục, chúng tôi đã sáng tạo ra nhiều cách như: phòng sản xuất vaccine sẽ đặt ở dưới lòng đất, căng bạt và "xông hơi" bằng formol để đảm bảo vô trùng khi sản xuất. Hay để hấp tiệt trùng các dụng cụ y tế, chúng tôi cũng không có nồi hấp chuyên dụng mà phải đào ổ mối, rồi bỏ nước vào chiếc thùng phuy và đun lên để làm nồi hấp "dã chiến" tiệt trùng các dụng cụ y tế. Thậm chí phải dùng gạo chưng cất lên thành rượu để thay thế cồn 90 độ làm sinh phẩm y tế cho chiến khu".
Y bác sĩ trong phòng vô trùng chuẩn bị ra vaccine. Ảnh: Tư liệu
"Hồi ấy ngoài tham gia công tác sản xuất vaccine, tôi còn phải kiêm nhiệm cả làm ‘giáo viên’ cho các cán bộ, chiến sĩ của chiến khu, dạy đa môn từ văn, sử đến toán, lý và từ lớp 1 đến lớp 7", ông Nhi cười và kể thêm kỷ niệm là giáo viên "bất đắc dĩ" của mình.
Sau giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, ngày 1/5/1975, ông Nhi và đơn vị của mình được giao tiếp quản Viện Pasteur Sài Gòn (nay là Viện Pasteur TPHCM).
Khi tiếp xúc với đội ngũ nhân sự của Viện Pasteur Sài Gòn, để ổn định tâm tư của đội ngũ tại đây, ông Nhi đã phải khôn khéo và linh hoạt, ôn tồn tìm hiểu những khác biệt cũng như dùng tình cảm chân thành khi tiếp xúc với nhân viên của nơi tiếp quản, để từ đó hiểu nhau và cùng đoàn kết lại.
Và thành quả của việc đoàn kết đó là ngày 3/5/1975, bác sĩ Cao Minh Tân - nguyên Viện trưởng viện Pasteur TPHCM (giai đoạn 1975 – 1985) - tuyên bố đã nuôi cấy thành công vi khuẩn dịch hạch đang gây bệnh dịch ở Sài Gòn lúc bấy giờ.
Sản xuất vaccine tả, TAB năm 1971 tại cứ Chí Phèn. Ảnh: Tư liệu
Đã gần 50 năm trôi qua kể từ ngày non sông thống nhất, thế nhưng những người lính áo trắng năm ấy trở về từ bom đạn, vẫn tiếp tục nỗ lực xây dựng quê hương, đất nước và những ký ức về thời máu lửa vẫn in hằn trong trái tim họ.
Họ không chỉ là những thầy thuốc, mà còn là những chiến sĩ trên mặt trận y tế. Không chỉ góp phần vào chiến thắng chói lọi của đất nước, họ còn đóng góp sức lực của mình vào sự nghiệp bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Trở về với thời bình, các y bác sĩ tại Ban Dân Y miền Nam đã và đang tiếp tục cống hiến sức mình cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, phát triển nền y học nước nhà.