Câu lạc bộ Ban Dân y miền Nam: Kế tục truyền thống, phát huy sứ mệnh

03-05-2016 07:00 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Kế thừa truyền thống hào hùng của Ban Dân y miền Nam trong công cuộc đấu tranh và thống nhất đất nước...

Kế thừa truyền thống hào hùng của Ban Dân y miền Nam trong công cuộc đấu tranh và thống nhất đất nước, Câu lạc bộ truyền thống Ban Dân y miền Nam ra đời góp phần tích cực vào công tác giáo dục lịch sử, nâng cao tinh thần trách nhiệm phục vụ người bệnh của các y bác sĩ trong thời đại mới...

Cứ mỗi năm vào dịp này, những người chiến sĩ áo trắng kiên trung, anh dũng từng công tác tại Ban Dân y Trung ương Cục miền Nam năm nào lại từ khắp mọi miền đất nước hội tụ về xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh để tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Hơn mấy mươi năm trước, biết bao chàng trai, cô gái vừa độ mười chín, đôi mươi vừa tốt nghiệp hoặc đang theo học tại các trường y ở miền Bắc đã xếp bút nghiên, từ giã gia đình lên đường hành quân vào chiến khu Trung ương Cục miền Nam. Và cũng biết bao nhiêu lớp y bác sĩ anh hùng đã ngã xuống dưới làn bom đạn của kẻ thù trong cuộc chiến khốc liệt này.

Đoàn cán bộ Bộ Y tế thăm Khu lưu niệm truyền thống Ban Dân y miền Nam.

Họ - những chiến sĩ áo trắng với những công tác âm thầm cứu chữa hàng ngàn, hàng chục ngàn thương bệnh binh, đồng bào vùng giải phóng, giúp bộ đội mau khỏe mạnh để tiếp tục chiến đấu trực thuộc Ban Dân y miền Nam - một đơn vị đặc biệt đã tồn tại suốt mười mấy năm trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, góp phần không nhỏ cho công cuộc giải phóng và thống nhất đất nước 30/4/1975 năm nào. Đơn vị đặc biệt ấy nằm ở đầu nguồn sông Vàm Cỏ Đông, dọc biên giới Campuchia - Việt Nam hướng Tây Bắc Tây Ninh, giáp ranh với cửa khẩu Sa Mát, cách Sài Gòn gần 100km đường chim bay với tên gọi đầy đủ là Ban Quân Dân y Trung ương Cục miền Nam.

PGS.TS. Trần Thị Trung Chiến, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ban Dân y miền Nam bùi ngùi nhắc lại: “Vào quý II năm 1964, dưới sự chỉ đạo của Trung ương Cục, Ban Quân Dân y Trung ương Cục miền Nam đã ra đời. Các bác sĩ, y sĩ được tuyển chọn, đưa vào từ miền Bắc có nhiệm vụ phối hợp với lực lượng quân y tại chỗ, tổ chức cấp cứu, điều trị thương binh, bệnh binh, bà con trong vùng giải phóng, tổ chức các cơ sở sản xuất thuốc, sản xuất vắc-xin, vật tư, trang thiết bị y tế, đào tạo cán bộ y tế ngay tại chiến trường bất chấp sự tấn công, càn quét quyết liệt của kẻ thù”.

BS. Trương Thị Xuân Liễu, nguyên Giám đốc Sở Y tế TP.HCM kể lại: Năm 1972, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang bước vào giai đoạn ác liệt nhất, sau khi tốt nghiệp Trường đại học Y Hà Nội, theo tiếng gọi tất cả vì miền Nam ruột thịt yêu dấu, tôi và bao lứa bạn bè nằng nặc xin bố mẹ để được lên đường vào Nam chiến đấu. Sau hơn ba tháng “xẻ dọc Trường Sơn”, vượt qua bao núi cao, rừng sâu, hai lần bị bệnh sốt rét hành hạ, tôi đã đặt chân đến nơi này. Thật khó có thể tưởng tượng được sự thiếu thốn của ngành y lúc đó. “Dụng cụ y tế chỉ có một bộ trung phẫu, ôxy thiếu, đa số phải gây mê tĩnh mạch, bàn mổ trong rừng chỉ là chiếc chõng tre anh em tự đóng lấy, ban đêm mổ phải dùng 2 chiếc đèn pin thay ánh sáng”. Cũng vì thế, đã bao giọt nước mắt bất lực đổ xuống vì những mất mát không tránh khỏi trước sự ra đi của anh em đồng đội...

Không thể kể hết những khó khăn nguy hiểm mà họ đã phải trải qua trong những năm tháng nếm mật nằm gai gian khổ ấy: những trận càn, pháo kích, dội bom ngày này qua ngày khác... Tất cả dường như đều trở thành thử thách thêm hun đúc cho sự can trường và ý chí cách mạng quật khởi. TS.BS. Phạm Ngọc Thái nhớ lại chiến công vang dội khi phục vụ cho cuộc tấn công cứ điểm Thiện Ngôn tại Bệnh viện Liên Cơ vào cuối năm 1968. Sau khi nhận lệnh tiếp nhận, cứu chữa thương binh trong cuộc tấn công, chúng tôi chuyển bệnh nhân nội thương vào một khu vực, ngoài việc xử trí tại chỗ, bệnh viện còn cử nhiều y bác sĩ đi tiếp cứu, phối hợp vận chuyển thương binh từ mặt trận về. Tiếng pháo các loại xen lẫn tiếng mìn bộc phá cấp tập, thương binh vẫn được vận chuyển về bệnh viện. Các chiến sĩ bị thương nằm la liệt trên cáng võng, trong lúc đó địch cử nhiều loại máy bay quần thảo, dòm ngó cánh rừng nơi bệnh viện đang hoạt động...

Trong bao nhiêu năm của cuộc kháng chiến chống Mỹ trường kỳ, các y bác sĩ tại Ban Dân y miền Nam đã lập nhiều chiến công sáng chói, là chỗ dựa vững chắc cho tiền tuyến. Chiến tranh qua đi, những người lính áo trắng năm xưa trở về với thời bình, đến nay người đã về hưu, người còn đương chức song trong tâm khảm của họ vẫn nuôi dưỡng và phát huy tinh thần cách mạng. Tinh thần ấy đã được hun đúc thành tổ chức quần chúng tự nguyện trong Câu lạc bộ truyền thống Ban Dân y miền Nam ra đời năm 2009. Câu lạc bộ quy tụ những người đã công tác tại Ban Dân y miền Nam qua các thời kỳ. Đây là những cá nhân, tổ chức có nhiệt tình với việc bảo vệ truyền thống Ban Dân y Trung ương Cục miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ do PGS.TS. Trần Thị Trung Chiến làm Chủ nhiệm. Ngoài ra, câu lạc bộ còn tập hợp những người đã và đang làm việc trong ngành y tế...

Từ khi thành lập đến nay, Câu lạc bộ Ban Dân y miền Nam đã quy tụ được khoảng 1.000 hội viên. Câu lạc bộ hoạt động trên tinh thần trách nhiệm và nghĩa vụ chứ không có quyền lợi. Dù không có nguồn hỗ trợ từ Nhà nước, song các hội viên đã tích cực vận động, đóng góp kinh phí xây dựng Nhà truyền thống Ban Dân y Trung ương Cục miền Nam và sưu tầm các kỷ vật, hiện vật, hình ảnh, tài liệu để trưng bày làm lưu niệm. Câu lạc bộ cũng phối hợp với các bệnh viện tổ chức khám bệnh phát thuốc cho bà con vùng sâu, vùng xa; người nghèo, diện chính sách... Theo kế hoạch, câu lạc bộ sẽ phối hợp với các tỉnh thành thuộc khu vực phía Nam hướng tới phát triển mô hình du lịch sinh thái kết hợp với du lịch lịch sử và du lịch y học. Các đơn vị liên quan sẽ tổ chức những tour tham quan về Chiến khu R (Bắc Tây Ninh) nhằm cung cấp những kiến thức lịch sử cho cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ.


Nguyễn Tùng
Ý kiến của bạn