Từ "dạy" cách chế pháo nổ đến bán thuốc pháo trá hình dưới dạng "phân bón"
Trên kênh YouTube có tên pháo cối với hơn 55.000 người theo dõi, thời gian gần đây các video clip dạy cách làm các loại pháo được đăng tải liên tục. Đáng chú ý, các clip còn hướng dẫn công thức, trộn hóa chất để tạo hiệu ứng nổ, tiếng hú của viên pháo...
Để minh chứng cho chất lượng pháo, tay nghề làm pháo, các chủ kênh còn quay các video clip thực hiện nổ pháo ngoài trời. Sau khi đăng tải, các video clip này nhận được hàng trăm bình luận, trao đổi về cách làm pháo nổ.
Tìm hiểu trên mạng xã hội Facebook, xuất hiện hàng loạt trang trao đổi, mua bán nguyên liệu chế thuốc pháo. Có trang còn đặt tên công khai, cụ thể như: "Bán các loại thuốc nổ" hay "Mình có bán kclo3, lưu huỳnh, than, natribenzoat và thuốc nổ đen, trắng"...
Tại đây, tràn ngập hình ảnh pháo nổ, nguyên liệu chế tạo pháo được rao bán công khai. Hoặc nếu có nhu cầu chỉ cần tham gia vào nhóm là có thể đăng tải thông tin mua các loại thuốc nổ, dây cháy chậm để làm pháo. Thậm chí còn rao bán cả pháo nổ thành phẩm nhập lậu cho ai có nhu cầu cần mua chơi tết.
Trên trang tìm kiếm google, chỉ cần gõ cụm từ "thuốc pháo" sẽ cho ra hàng loạt kết quả, trong đó có cả các trang thương mại điện tử. Tuy nhiên, tại các trang này, các gian hàng sẽ giới thiệu bán các túi lẻ hoặc combo 3 loại phân bón "1kg kclo3 + 1kg than, 500g lưu huỳnh hàng tinh khiết không pha" với giá khoảng hơn 200 nghìn đồng. Thực chất combo này là hóa chất được bán lẻ đúng theo tỷ lệ để chế thuốc pháo. Bởi ngay dưới phần phản hồi có không ít ý kiến cho rằng "hàng tốt, nổ to" hoặc "hàng không như mong đợi, nổ không to"… cho thấy người mua không phải là nông dân và không phải mua để phục vụ trồng trọt.
Những tai nạn thương tâm do tự chế pháo
Cuối tháng 12/2021, tại thôn Thanh Văn 2 (xã Tân Hoa, Lục Ngạn, Bắc Giang) đã phát hiện tiếng nổ lớn tại nhà anh Phan Văn D. Cảnh tượng vụ nổ làm nhiều người bàng hoàng: Cháu Phan Công M. (SN 2008, con anh D.), trên người đầy vết thương, nằm bất động giữa ngổn ngang xác pháo. Mặc dù được nhanh chóng đưa đến Trung tâm Y tế huyện cấp cứu. Tuy nhiên, do vết thương quá nặng, cháu M không qua khỏi.
Khám nghiệm hiện trường, Công an huyện Lục Ngạn xác định nguyên nhân vụ nổ dẫn đến cái chết thương tâm của cháu M là do cháu sử dụng một số hóa chất trộn với nhau rồi cuốn thành các khối hình trụ tạo pháo nổ. Trong quá trình chế pháo, pháo đã phát nổ và gây ra vụ việc trên. Cơ quan công an còn phát hiện trong ngăn kéo bàn học của cháu M. còn 9 quả pháo tự chế.
Trước đó, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tiếp nhận ca tai nạn do pháo nổ. Bệnh nhân là T.T.H (19 tuổi, ở Hải Dương) vào nhập viện trong tình trạng đa chấn thương sọ não, chấn thương hàm mặt, vết thương nhãn cầu trái, vết thương dập nát bàn tay. Do tình trạng vết thương dập nát quá nặng, bàn tay không có khả năng bảo tồn.
Được biết, nam thanh niên này đã mua bột về tự chế tạo pháo, trong quá trình thực hiện thì bất ngờ pháo tự chế phát nổ.
Cứ gần đến dịp Tết câu chuyện về pháo lại trở nên "nóng" và kèm theo đó là những sự việc đau lòng vì pháo mà nhiều nạn nhân chính là những em học sinh. Ngoài việc việc kiểm tra, xử phạt vi phạm về sử dụng pháo nổ, tuyên truyền về hậu quả của tai nạn do pháo nổ.
Cơ quan chức năng cũng cần "làm sạch" thông tin trên không gian mạng về pháo nổ. Bởi những nội dung trên mạng không được kiểm soát tốt có thể dẫn tới hành vi vi phạm ngoài đời. Khi những thanh thiếu niên có thể dễ dàng "học" cách chế tạo pháo, thuốc nổ trên mạng, sẽ khó tránh khỏi những chuyện thương tâm.
Theo quy định tại Điều 305 Bộ luật Hình sự 2015, người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ có thể bị phạt tù 1 – 5 năm, cao nhất có thể bị phạt tù 15 – 20 năm hoặc tù chung thân tùy theo mức độ vi phạm. Ngoài ra, tùy vào mức độ vi phạm, có thể bị phạt tiền 500.000 – 40.000.000 đồng và các hình thức quản chế khác.