Hà Nội

Gia tăng các ca chấn thương nặng do pháo nổ tự chế

19-01-2021 16:12 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Cứ vào dịp gần Tết Nguyên đán lại xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tích do tự chế pháo nổ, không ít học sinh đã phải nhập viện trong tình trạng chấn thương nặng, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng. Điều đáng lo ngại là hiện nay việc tìm kiếm các thông tin liên quan đến việc hướng dẫn cách làm pháo, mua hóa chất… có thể tìm kiếm dễ dàng qua mạng internet.

Hậu quả nặng nề từ pháo nổ tự chế

Chỉ trong tuần qua, BV Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí đã tiếp nhận và điều trị cho 3 trường hợp tai nạn do pháo nổ. Trường hợp bệnh nhân nam (17 tuổi,ở Yên Thọ, Đông Triều, Quảng Ninh) nhập viện trong tình trạng 2 mắt đau rát, chảy nước mắt, khó mở mắt, nhìn mờ, đau rát mặt, tay chân. Sau khi được các bác sĩ thăm khám, bệnh nhân được chẩn đoán cả 2 mắt bỏng giác mạc độ 2 (giác mạc đục trắng), bỏng vùng mặt độ 2, bỏng vùng mu bàn tay và vùng gối phải độ 2. Theo người nhà chia sẻ, tại gia đình, bệnh nhân có học chế tạo pháo trên mạng và trong quá trình làm, không may bị phát nổ.

Riêng tại BV Việt Đức, trong vòng 1 tháng trở lại đây đã tiếp nhận gần chục bệnh nhân chấn thương nặng do pháo nổ tự chế. Riêng trong 3 ngày (từ ngày 5-8/1), BV Việt Đức tiếp nhận liên tiếp 3 trường hợp nhập viện trong tình trạng chấn thương rất nặng do pháo tự chế. Điển hình như trường hợp của nam bệnh nhân N.Q.T. (15 tuổi, ở Hà Nội). Trong lúc chế pháo cùng bạn, T. lấy bột cạo từ hộp que diêm để đốt. Thời điểm phát nổ, T. bị chấn thương còn người bạn may mắn không sao. Ngay sau đó, T. được người nhà chuyển đến bệnh viện huyện sơ cứu và 3h sáng 8/1 được chuyển lên BV Việt Đức. Qua phim chụp X-quang cho thấy, T. bị gãy xương bàn tay trái. Bệnh nhân được mổ cấp cứu, sau đó tiếp tục chuyển sang BV Mắt Trung ương để xử lý chấn thương mắt.

Theo PGS.TS. Nguyễn Mạnh Khánh, Phó Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình, BV Việt Đức cho biết, các ca cấp cứu do pháo nổ có đặc thù khác với cấp cứu do tai nạn lao động hay tai nạn giao thông. Nhiều trường hợp rất nặng phải cắt bỏ ngón tay bàn tay do thuốc pháo phát nổ có sức công phá mạnh như một quả mìn nhỏ. Khả năng bị nhiễm trùng vết thương cũng rất cao do các bệnh nhân thường bị bỏng nặng và điều trị cũng rất tốn kém, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của bệnh nhân và tinh thần của những người thân trong gia đình bệnh nhân.

Chăm sóc bệnh nhân bị chấn thương do pháo tự chế phát nổ tại BV Việt - Đức. Ảnh: HM

Chăm sóc bệnh nhân bị chấn thương do pháo tự chế phát nổ tại BV Việt - Đức. Ảnh: HM

Tai nạn do pháo nổ mỗi dịp Tết gia tăng theo từng năm

Theo thống kê của Bộ Y tế, nếu dịp Tết Nguyên đán 2018, cả nước ghi nhận 197 trường hợp đến khám, cấp cứu do pháo nổ, thì đến dịp Tết Nguyên đán năm 2019 đã tăng lên 287 trường hợp và dịp Tết Nguyên đán 2020 tăng lên tới 321 trường hợp phải khám, cấp cứu do pháo. Như vậy, số ca tai nạn do pháo nổ mỗi dịp Tết gia tăng theo từng năm. Còn năm nay, càng gần đến Tết Nguyên đán lại có nhiều trường hợp phải nhập viện cấp cứu do tự chế pháo nổ. Điều này cho thấy, một bộ phận không nhỏ người dân, đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên còn rất mơ hồ hay thiếu ý thức trong chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng pháo.

Tại nạn do pháo là đặc biệt nguy hiểm, không chỉ gây bỏng do tỏa ra nhiệt lượng mà còn có sức công phá và ảnh hưởng của hóa chất, gây ra các vết thương nghiêm trọng, dễ bị các tổn thương nặng ở mặt, mắt, tay. Đó cũng là lời cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng đối với các trường hợp còn chưa hiểu hay cố tình vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng pháo trong nghị định mới của Chính phủ.

Từ những hậu quả đáng tiếc do pháo nổ gây ra, BS. Ngô Tuấn Hưng, Khoa Hồi sức cấp cứu, BV Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác cho rằng, để đón năm mới trong an toàn và hạnh phúc, toàn xã hội cũng như mỗi gia đình, nhà trường và bản thân mỗi học sinh nên nhận thức được mối nguy hiểm của việc tự chế thuốc gây nổ. Từ đó, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng pháo nổ. Trẻ em là đối tượng tò mò, dễ học theo bạn bè và các thông tin trên mạng. Do đó, cùng với việc siết chặt quản lý của cơ quan chức năng, gia đình, nhà trường, chính quyền, đoàn thể tại địa phương cần giáo dục, tuyên truyền để các em nhận thức được mối nguy hiểm của việc pha trộn các loại hóa chất, trong đó có việc làm thuốc pháo nổ để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn