Tới dự cuộc đi bộ tập thể có Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến.
Sự kiện nhằm nâng cao nhận thức, kêu gọi hành động ngăn chặn, kéo giảm tai nạn giao thông do lái xe vi phạm nồng độ cồn gây ra. Ngoài ra, thông qua hoạt động đi bộ quanh Hồ Hoàn Kiếm, Ban tổ chức mong muốn truyền tải thông điệp hãy uống có trách nhiệm vì đằng sau tay lái của mình là cuộc sống của mình và những người xung quanh.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại sự kiện
Phát biểu tại sự kiện, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết, từ chỗ mỗi năm có gần 12.000 người chết vì tai nạn giao thông, đến năm 2018, con số này đã giảm còn trên 8.000 người. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng, kết quả trên không cho phép chúng ta quên rằng mỗi ngày tai nạn giao thông vẫn cướp đi 21 sinh mạng và làm gần 40 người bị thương tật vĩnh viễn suốt đời, mang đến những nỗi đau không gì bù đắp nổi cho gia đình, người thân và cộng đồng. "Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông do lái xe vi phạm nồng độ cồn gây ra, điển hình là 2 vụ tai nạn giao thông ngày 22/4 và 1/5/2019 tại Hà Nội, đã cướp đi 3 người mẹ, đã khiến cho 5 cháu nhỏ đang hạnh phúc ấm êm trong vòng tay mẹ bỗng trở nên bất hạnh, côi cút, vĩnh viễn không còn mẹ!", Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng kêu gọi người dân hãy cương quyết không uống rượu bia nếu bạn là người phải lái xe sau bữa ăn. Không mời, không ép bạn bè, người thân uống rượu, bia nếu biết rằng họ phải lái xe sau bữa ăn. Hãy từ chối, cương quyết từ chối ngồi lên xe ô tô hay mô tô mà người lái xe vừa uống rượu, bia. Những người chủ nhà hàng, quán nhậu hãy hỏi để biết và cung cấp đồ uống không có cồn cho khách hàng phải lái xe sau bữa ăn.
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nói, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp để giảm tai nạn giao thông. Trong năm 2018 và 4 tháng đầu năm 2019 tình hình tai nạn giao thông đã giảm trên tất cả các tiêu chí, tuy nhiên trong thời gian gần đây các vụ tai nạn giao thông có liên quan tới uống rượu bia khiến dư luận xã hội bức xúc. Người đứng đầu thành phố Hà Nội kêu gọi người dân đã uống rượu bia không lái xe, đeo dây an toàn khi lái xe, đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. .., kêu gọi người dân thủ đô thực hiện văn hóa trong tham gia giao thông.
Tham dự cuộc đi bộ đồng hành gồm rất đông người dân thủ đô, các thành viên của Nhóm cựu học sinh PTTH 91- 94 Hà Nội với trang phục có dòng chữ "Đã uống không lái - Đã lái không uống" hoặc các logo cảnh báo không uống rượu bia khi tham gia giao thông được dán trên áo những người tham gia. Tại sự kiện đi bộ đồng hành, ban tổ chức phát miễn phí 1 triệu sticker cho những người tham gia đi bộ, và để dán lên xe ô tô như một lời cam kết Đã uống rượu bia -Không lái xe".
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình trao sticker cho những người tham gia đi bộ đồng hành
Phó Chủ tịch Ủy ban an toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, sự kiện này là một sự phối hợp tuyệt vời giữa cộng đồng 91-94 và sự hưởng ứng và vào cuộc của các cơ quan chức năng trước lời kêu gọi có thiết thực của cộng đồng. Bởi sau sự ra đi vì tai nạn giao thông của 2 cô gái trong cộng đồng 91-94 mà nguyên nhân là do lái xe sử dụng rượu bia, nhóm 91-94 phát động phong trào không uống rượu bia khi tham gia giao thông...
Sự kiện đã nhận được sự hưởng ứng của Chính phủ, lãnh đạo chính quyền, các ngành, đoàn thể địa phương
Tại sự kiện này còn diễn ra các hoạt động cộng đồng như: Tham gia trò chơi thực tế ảo mô phỏng trạng thái lái xe khi say xỉn bằng sa hình và kính mắt chuyên dụng; Nhảy flashmob hưởng ứng lời kêu gọi; Trải nghiệm và chụp ảnh check-in tại con đường bánh xe ước vọng (con đường được sắp xếp và trang trí từ hơn 300 chiếc vỏ lốp được gắn Sticker mang thông điệp “Đã uống rượu bia - Không lái xe”); Thi trắc nghiệm giao thông nhận phần thưởng mũ Bảo hiểm đạt chuẩn; Các gia đình sẽ giao lưu cùng các nghệ sĩ nổi tiếng về những kiến thức an toàn giao thông…
Tại vạch về đích, mọi người ký vào biểu tượng của chương trình để thay cho lời cam kết “Đã uống rượu bia - Không lái xe”, “Tôi biết, Tôi hành động - Còn bạn?”.
Đặc biệt, mỗi người tham dự đều chụp ảnh và đăng lên tài khoản Facebook cá nhân một thông điệp kêu gọi bạn bè, người thân cùng hành động “Đã uống rượu bia - Không lái xe” hoặc “Đã uống, không lái - Đã lái, không uống”.
Sự kiện có sức lan tỏa mạnh mẽ, thu hút rất đông người tham gia.
Các đại biểu cùng đi bộ 1 vòng Hồ Hoàn Kiếm kêu gọi không lái xe khi đã uống rượu bia
Ngày 10/5, Thủ tướng Chính phủ đã ra văn bản chỉ đạo thực hiện các biện pháp ngăn chặn các vụ tai nạn giao thông do các hành vi vi phạm nồng độ cồn và bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương trên toàn quốc với nòng cốt là lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra, kiểm soát theo chuyên đề gắn với các hành vi uy hiếp nghiêm trọng đến trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là hành vi vi phạm quy định về ma túy và nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ; ra quân thực hiện các đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với lái xe trong các dịp nghỉ lễ dài ngày, các thời kỳ cao điểm về hoạt động lễ hội, du lịch tại từng địa phương; cương quyết xử lý, trấn áp các hành vi chống đối lực lượng thi hành công vụ; bảo đảm các điều kiện trang thiết bị, vật dụng phục vụ công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn và chất ma túy; chủ động phối hợp với cơ quan báo chí để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm quy định pháp luật và ủng hộ lực lượng chức năng làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy; yêu cầu các tổ chức, cá nhân tuyệt đối không tự ý sử dụng vỉa hè, lòng đường trái quy định để tổ chức các hoạt động cộng đồng không phục vụ mục đích giao thông.
Chính quyền địa phương có phương án xây dựng những khu sinh hoạt cộng đồng nhằm phục vụ nhu cầu của nhân dân địa phương (liên hoan, hiếu, hỉ…). Trong trường hợp bắt buộc phải sử dụng lòng đường, vỉa hè để tổ chức các hoạt động cộng đồng thì phải xin phép các cơ quan chức năng và phải có phương án đảm bảo tuyệt đối an toàn giao thông.