Hà Nội

Bộ trưởng Bộ Y tế: Đi bộ 10.000 bước chân để khỏe mạnh mỗi ngày

07-04-2019 11:28 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Sáng 7/4, Bộ Y tế phối hợp Trung ương đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Chương trình Sức khỏe Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ phát động và Tuyên dương Thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu lần thứ VIII nhân Ngày Sức khỏe Thế giới (7/4/2019).

Toàn cảnh màn đồng diễn thể dục nâng cao sức khỏe ngay tại ngày hội.

Tới dự lễ mít tinh có đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; Ông Kidong Park - Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam; Ông Lê Quốc Phong - Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, đại diện các ban ngành cùng đông đảo người dân.

Sự kiện này nhằm nâng cao nhận thức, khám sàng lọc và tư vấn để cùng vận động các tầng lớp xã hội và cộng đồng chung tay phòng chống các bệnh không lây nhiễm. Ngoài ra, thông qua hoạt động “đi bộ 10.000 bước chân” và hoạt động đồng diễn thể dục, Ban tổ chức mong muốn truyền tải thông điệp vận động để phòng chống bệnh tật, để thay đổi cuộc sống và vì một Việt Nam khỏe mạnh.

"Sát thủ" mang tên bệnh không lây nhiễm

Phát biểu khai mạc Ngày Sức khỏe thế giới 2019, hưởng ứng chương trình Sức khỏe Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, các bệnh không lây nhiễm như: bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường và bệnh mạn tính về đường hô hấp… là những “sát thủ” hàng đầu, đang chiếm 73% số ca tử vong hằng năm.

Nguyên nhân khiến tỷ lệ mắc và tử vong cao đối với các bệnh không lây nhiễm xuất phát từ lối sống và sự chủ quan của người Việt Nam như: hút thuốc, uống rượu bia, ăn ít rau, trái cây, ăn nhiều muối, thiếu hoạt động thể lực… Tình trạng thừa cân béo phì, tăng huyết áp, tăng đường máu, rối loạn lipid máu… đều có xu hướng gia tăng nhanh.

Trong khi đó, mạng lưới y tế tuyến cơ sở chưa quản lý được các bệnh mạn tính, nhiều nơi năng lực còn hạn chế, đại bộ phận người dân chưa có ý thức kiểm tra sức khỏe định kỳ, sàng lọc phát hiện sớm các bệnh không lây nhiễm và lười rèn luyện thể chất.

PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại buổi lễ.


Ngày 27/2/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát động Chương trình Sức khỏe Việt Nam, tập trung vào 11 lĩnh vực chia làm 3 nhóm: (1) Nâng cao sức khỏe: bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể lực; (2) Bảo vệ sức khỏe và phòng bệnh: chăm sóc sức khỏe trẻ em và học sinh; phòng chống tác hại của thuốc lá; phòng chống tác hại của rượu, bia; vệ sinh môi trường; an toàn thực phẩm; (3) Chăm sóc sức khỏe ban đầu, kiểm soát bệnh tật: phát hiện sớm và quản lý một số bệnh không lây nhiễm; chăm sóc, quản lý sức khỏe người dân tại cộng đồng; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; chăm sóc sức khỏe người lao động.

Thiết thực triển khai Chương trình Sức khỏe Việt Nam, Bộ Y tế đã phối hợp với các Ban, ngành, Đoàn Thanh niên và các Tổ chức quốc tế, các hội nghề nghiệp như Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, thực hành của mỗi người dân để thực hiện các hành vi có lợi cho sức khỏe, tự chăm sóc bảo vệ và nâng cao sức khỏe các nhân, gia đình và cộng đồng.

Tăng cường sự tham gia, phối hợp liên ngành để xây dựng môi trường nâng cao sức khỏe, giảm thiểu các nguy cơ sức khỏe cho người dân và cộng đồng; Bảo đảm cho mọi người dân được quản lý, theo dõi sức khỏe liên tục và lâu dài để dự phòng, phát hiện sớm và điều trị, chăm sóc sức khỏe toàn diện và hiệu quả.

Các đại biểu đi bộ hưởng ứng ngày Sức khỏe thế giới.

Một điểm rất đặc biệt ở nước ta, vào năm 2000, ngày sức khỏe thế giới đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy là “Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện” nhằm thúc đẩy hoạt động hiến máu tình nguyện trên cả nước. Từ đó đến nay, việc hiến máu  đã được các cấp, các ngành và đông đảo người dân Việt Nam hưởng ứng bằng hành động thiết thực đó là hiến máu và vận động nhiều người khác cùng hiến máu, góp phần quyết định đảm bảo cung cấp kịp thời máu và các các chế phẩm máu an toàn cho cấp cứu và điều trị, góp phần nâng cao chất lượng an toàn truyền máu.

Nhân dịp này, Bộ trưởng cũng biểu dương và cảm ơn những tình nguyện viên hiến máu của thủ đô nhân Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện, các bạn đã giúp ngành Y tế đảm bảo nguồn máu quý hiếm để cung cấp cho bệnh nhân, thể hiện nghĩa cử cao đẹp, “Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”.

Bộ trưởng trò chuyện với người dân tham gia khám bệnh miễn phí tại ngày hội.

Ông Kidong Park - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho biết, Ngày Sức khỏe Thế giới năm 2019 được Tổ chức Y tế thế giới phát động với chủ đề: Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, hướng tới mục tiêu tất cả người dân và cộng đồng được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng, hiệu quả. Trong đó bao gồm chăm sóc sức khỏe ban đầu, nâng cao sức khỏe, dự phòng bệnh tật, khám sàng lọc phát hiện bệnh sớm, điều trị khi mắc bệnh, được bảo hiểm y tế và các nguồn lực xã hội hỗ trợ chi trả, giảm thiểu những rủi ro do gánh nặng tài chính của chăm sóc sức khỏe mang lại.

10.000 bước chân thay đổi cuộc sống

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Mỗi người dân mạnh khỏe, tức là cả nước mạnh khỏe”, nhân dịp này, Bộ Y tế mong muốn mỗi người dân cùng chung tay thực hiện các hành động thiết thực cho sức khỏe của chính mình bằng cách:

- Tập thể dục giữa giờ - nhanh, vui, khỏe

- 10.000 bước chân mỗi ngày – thay đổi cuộc sống

- Ăn giảm muối, đường, ăn nhiều rau xanh trái cây để tăng cường sức khỏe, phòng chống bệnh tật

- Không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia

- Hãy nhớ số đo huyết áp như nhớ số tuổi của mình

- Đo đường máu ít nhất 1 năm một lần để phát hiện sớm bệnh đái tháođường

- Sàng lọc phát hiện sớm để chữa khỏi ung thư

- Chuyển động vì lá phổi khỏe mạnh

- Hiến máu cứu người, một nghĩa cử cao đẹp

Cũng tại ngày hội, các đại biểu cùng 5.000 đoàn viên thanh niên và lực lượng y bác sĩ trẻ sẽ tham gia đồng diễn dân vũ và tập thể dục 3 phút giữa giờ.

Đông đảo đại biểu và người dân tham gia tập thể dục 3 phút giữa giờ tại ngày hội.


Sau Lễ phát động đã diễn ra chương trình đi bộ hưởng ứng Ngày sức khỏe thế giới và chương trình Sức khỏe Việt Nam: “Đi bộ 10,000 bước chân”. Với mỗi người tham gia đi bộ, Nhà tài trợ hỗ trợ áo, mũ tập thể dục và ủng hộ 50.000 VNĐ vào Quỹ hoạt động an sinh xã hội, để triển khai các hoạt động hỗ trợ bệnh nhân như: tặng quà cho bệnh nhân ung thư có hoàn cảnh khó khăn, ủng hộ các suất ăn tình thương, ủng hộ bệnh nhi mắc bệnh tim bẩm sinh.

Những con số đáng báo động:

- Chỉ có 77% người dân hiểu sai về bệnh tăng huyết áp và các yếu tố nguy cơ của bệnh, hơn 70% người dân không biết cách phát hiện sớm và dự phòng bệnh tăng huyết áp;

- chỉ có trên 30% số bệnh nhân đái tháo đường trong độ tuổi từ 18-69 tuổi được chẩn đoán, còn đến gần 70% chưa được chẩn đoán;

- 70% người bệnh ung thư đến khám bệnh và chẩn đoán ở những giai đoạn muộn nên khả năng chữa trị hạn chế;

- Có tới 25 - 50% bệnh nhân Phổi tắc nghẽn mạn tính không được chẩn đoán đúng trước khi nhập viện điều trị.

- Mặc dù, Việt Nam là quốc gia được thế giới đánh giá hiệu quả trong phòng chống lao, nhưng đến nay vẫn còn 120.000 người mắc lao mới và 12.000 người chết vì bệnh lao, bằng 1,5 lần số người chết vì tai nạn giao thông. Các chuyên gia cho rằng, bệnh lao tuy lây nhiễm nhưng không đáng sợ, để tiến tới chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Dương Hải
Ý kiến của bạn