Ngày 7/5, người phát ngôn Bộ Y tế Indonesia Siti Nadia Tarmizi cho biết bộ này đã tăng cường cho các bệnh viện chuyển tuyến để xử lý các ca bệnh nghiêm trọng nhằm ngăn chặn sự lây lan của bệnh viêm gan cấp tính bí ẩn ở trẻ em.
Nỗ lực này bao gồm tiến hành các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm để xác định các nguyên nhân gây ra bệnh viêm gan cấp tính. Bộ Y tế đã chỉ định Phòng thí nghiệm thuộc Khoa Y - Đại học Indonesia (FKUI) làm phòng thí nghiệm tham chiếu để kiểm tra các mẫu bệnh phẩm.
Ngoài ra, Bộ Y tế Indonesia cũng đã gửi công văn cảnh báo tới các các cơ sở y tế cấp tỉnh, cấp huyện và thành phố nhằm chủ động phòng ngừa và phát hiện các trường hợp mắc bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở trẻ em.
Bà Siti cũng cho rằng cần có các nỗ lực nhằm nâng cao nhận thức, phòng ngừa và kiểm soát bệnh viêm gan cấp tính ở trẻ em. Tất cả các trường hợp có các triệu chứng điển hình phải được báo cáo ngay lập tức.
Hiện giới chức y tế Indonesia vẫn đang xác minh nguyên nhân gây ra các ca bệnh nghi là "viêm gan bí ẩn" thông qua một loạt xét nghiệm, giải trình tự bộ gene để chắc chắn rằng đây không phải là các trường hợp mắc viêm gan siêu vi A, B, C, D và E.
Nhà khoa học hàng đầu Indonesia về bệnh viêm gan cấp tính Hanifa Oswari đưa ra khuyến cáo rằng cần lưu ý đến các trẻ em bị ốm, đặc biệt nếu có các triệu chứng về đường tiêu hóa như buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy và đau bụng kèm sốt nhẹ vì có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng. Những người có các triệu chứng trên được khuyến cáo ngay lập tức tìm kiếm sự trợ giúp y tế để xác định có cần kiểm tra thêm hay không. Các nhân viên y tế cũng cần phát hiện các ca bệnh càng sớm càng tốt để điều trị tốt hơn.
Trong khi đó, Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh (CDC) của Mỹ đang điều tra 109 trường hợp trẻ em mắc bệnh viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân và hiện đã có 5 ca tử vong.
Theo Phó Giám đốc CDC Mỹ Jay Butler, các nhà khoa học tại Mỹ và thế giới đang nỗ lực xác định nguyên nhân gây bệnh. Giới chức y tế Mỹ cho rằng các trường hợp mắc bệnh có thể liên quan đến virus adenovirus và đang tập trung nghiên cứu xác minh giả thuyết này. Các chuyên gia cũng đang xem xét yếu tố môi trường liên quan tới các trường hợp mắc bệnh.
Tại Anh, ngày 7/5, cơ quan an ninh y tế công bố báo cáo cho biết 70% số các gia đình mà cơ quan này tiến hành thu thập dữ liệu đến các ca mắc bệnh viêm gan hiếm gặp có nuôi chó. Cơ quan chức năng nước này đang tiến hành nghiên cứu sâu phát hiện này để tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh.
Ngày 5/5, Panama đã trở thành quốc gia mới nhất thông báo ghi nhận trường hợp viêm gan cấp tính đầu tiên ở trẻ nhỏ. Nước này ngay lập tức tăng cường giám sát, cảnh báo dịch tễ học tại tất cả các cơ sở y tế của mình.
Trong tuần qua, Indonesia thông báo có 3 ca tử vong do bệnh "viêm gan bí ẩn". Anh ngày 6/5 thông báo đã ghi nhận 163 ca mắc bệnh, trong đó phần lớn là trẻ dưới 5 tuổi và hiện chưa ghi nhận ca tử vong nào. Tại Mỹ, 90% số ca mắc bệnh này phải nhập viện điều trị, trong đó có 14% trường hợp cần phẫu thuật ghép gan. Độ tuổi trung bình các ca mắc bệnh này là 2 tuổi và phần lớn các ca mắc đều đã bình phục hoàn toàn. Hơn một nửa số trường hợp được xét nghiệm có kết quả dương tính với adenovirus 41 - một loại virus thường liên quan đến viêm loét dạ dày.
Trong thời gian chờ đợi kết quả nghiên cứu, giới chức y tế khuyến cáo người dân nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa nguy cơ lây bệnh như thường xuyên rửa tay, tránh tiếp xúc với người ốm, ho và sổ mũi, tránh đưa tay lên mắt, mũi và miệng. Người dân cần liên hệ ngay với bác sĩ khi gặp vấn đề sức khỏe đáng lo ngại.