Hà Nội mù mịt, đứng thứ 2 trong danh sách các thành phố ô nhiễm không khí

14-07-2025 10:42 | Xã hội
google news

SKĐS - Sáng 14/7, với chỉ số AQI ở mức 166, chất lượng không khí của Hà Nội ở mức màu đỏ "không lành mạnh", đứng thứ 2 trong danh sách 126 thành phố ô nhiễm trên thế giới.

Hà Nội sẽ mở rộng vùng phát thải thấp để khắc phục ô nhiễm không khíHà Nội sẽ mở rộng vùng phát thải thấp để khắc phục ô nhiễm không khí

SKĐS - Quận Ba Đình và Hoàn Kiếm được thí điểm vùng phát thải thấp từ năm 2025 và năm 2031 trở đi, TP. Hà Nội sẽ áp dụng phát thải thấp ở hầu hết các quận. Các phương tiện giao thông đặc biệt là xe có khí thải gây ô nhiễm môi trường cao sẽ bị hạn chế.

Theo dữ liệu từ ứng dụng đo chỉ số chất lượng không khí IQAir vào lúc 10h15 hôm nay, Hà Nội đứng thứ hai trong bảng xếp hạng các thành phố ô nhiễm nhất thế giới, chỉ sau Kinshasa (Cộng hòa Dân chủ Công-gô), với chỉ số AQI chạm ngưỡng 166 – mức có hại cho sức khỏe con người.

Hà Nội mù mịt, đứng thứ 2 trong danh sách các thành phố ô nhiễm không khí- Ảnh 2.

Danh sách các thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới.

Các điểm đo tại nhiều khu vực nội thành ghi nhận tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, thuộc ngưỡng đỏ – ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe cộng đồng, đặc biệt với nhóm người nhạy cảm như trẻ nhỏ, người cao tuổi và người mắc bệnh hô hấp.

Tại khu vực quanh Hồ Tây, hàng loạt điểm đo khác như Tô Ngọc Vân (AQI 179), Xuân Diệu (AQI 175), Từ Hoa (AQI 167),...

Ngoài phường Tây Hồ, nhiều trục đường giao thông chính trong thành phố cũng không thoát khỏi tình trạng tương tự. AQI tại Phạm Ngọc Thạch là 177, Lê Duẩn 174, Đỗ Đức Dục 173… đều thuộc nhóm cần hạn chế tối đa các hoạt động ngoài trời.

Theo VN Air - Ứng dụng cung cấp thông tin chất lượng môi trường không khí trên smartphone do Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, khu vực ô nhiễm nhất cả nước tính đến thời điểm 7h30 sáng 14/7 thuộc về xã Thái Thụy (tỉnh Thái Bình) với chỉ số AQI ở mức 335, màu nâu "nguy hiểm."

Hà Nội mù mịt, đứng thứ 2 trong danh sách các thành phố ô nhiễm không khí- Ảnh 3.

Hà Nội mù mịt vì ô nhiễm không khí sáng nay.

Cũng theo VN Air, chỉ số chất lượng không khí tốt nhất trên cả nước thuộc về xã Đồng Phú (tỉnh Bình Phước) với chỉ số chất lượng không khí màu xanh lá, ở mức 11 - Tốt.

AQI là chỉ số theo dõi chất lượng không khí dao động từ 0-500, chỉ số càng cao thể hiện mức độ ô nhiễm và tác động đến sức khỏe càng cao. VN Air là ứng dụng được nghiên cứu và phát triển bởi Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc thuộc Cục Môi trường-Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

Với các mức AQI từ 151 đến 200, các chuyên gia y tế cảnh báo người dân nên hạn chế ra ngoài nếu không thực sự cần thiết. Trong trường hợp buộc phải di chuyển, người dân cần đeo khẩu trang đạt chuẩn, tránh vận động mạnh và ưu tiên di chuyển trong khung giờ có chỉ số AQI thấp hơn, thường là vào đầu buổi chiều.

Đối với các nhóm nhạy cảm, người dân nên đóng kín cửa nhà, hạn chế mở cửa sổ, sử dụng máy lọc không khí và theo dõi diễn biến chất lượng không khí hằng giờ để có điều chỉnh phù hợp.

Theo giới chuyên gia, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí kéo dài ở Hà Nội vẫn đến từ những nguồn thải cận mặt đất như giao thông, hoạt động xây dựng, đốt rác tự phát…

Trong bối cảnh những ngày gần đây nắng nóng kéo dài, không khí bị tích tụ do thiếu gió và độ ẩm thấp đã khiến bụi mịn không thể khuếch tán, khiến chất lượng không khí ở nhiều khu vực rơi xuống mức báo động. Nhiệt độ cao trong ngày, cộng thêm lớp nghịch nhiệt tầng thấp buổi sáng sớm khiến bụi không thể phát tán lên cao, bị giữ lại sát mặt đất và tích tụ từng giờ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 20 ngày 12/7/2025 về một số nhiệm vụ cấp bách nhằm ngăn chặn, xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường, trong đó có nhiều nội dung liên quan đến phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch tại Hà Nội.

Theo chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ, Hà Nội được yêu cầu nghiên cứu việc điều chỉnh tăng lệ phí trước bạ, phí đăng ký, cấp biển số đối với ô tô, xe máy chạy xăng, dầu. Thành phố Hà Nội cũng cần xây dựng lộ trình tăng giá dịch vụ trông giữ phương tiện tại khu vực trung tâm, với mốc triển khai đầu tiên dự kiến bắt đầu từ quý III năm 2025 và điều chỉnh định kỳ hằng năm.

Ngoài ra, chỉ thị đặt ra mục tiêu đến ngày 1/7/2026, không còn xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong khu vực Vành đai 1. Từ ngày 1/1/2028, phạm vi cấm mở rộng ra cả Vành đai 2 với xe máy và hạn chế ô tô cá nhân chạy xăng, dầu. Từ năm 2030, lộ trình tiếp tục mở rộng tới khu vực trong Vành đai 3.

Cũng trong Chỉ thị 20, Thủ tướng cũng yêu cầu Hà Nội ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp phương tiện sử dụng năng lượng sạch, doanh nghiệp phát triển hạ tầng phục vụ phương tiện sử dụng năng lượng sạch trong thực hiện chuyển đổi xanh; chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân chuyển đổi từ phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang phương tiện sử dụng năng lượng sạch hoặc sử dụng phương tiện công cộng.

Dùng trí tuệ nhân tạo "chỉ điểm" vùng ô nhiễm ở Vịnh Hạ LongDùng trí tuệ nhân tạo 'chỉ điểm' vùng ô nhiễm ở Vịnh Hạ Long

SKĐS - Giám sát thông minh chất lượng nước Vịnh Hạ Long bằng công nghệ viễn thám và trí tuệ nhân tạo của các nhà khoa học giúp quản lý chính xác tình trạng ô nhiễm nước mà không cần phải lấy mẫu xét nghiệm.


Tô Hội
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn