Tận dụng địa hình dốc, dẫn nước sông Đà làm sạch sông ở Hà Nội
Ngày 15/5, Trường Đại học Xây dựng, Hội Cơ học Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học, đề xuất các giải pháp bảo đảm an ninh nguồn nước và văn hóa nước vùng phía Tây Hà Nội.
Dự hội thảo có hơn 50 đại biểu, nhà khoa học đến từ Hội Thủy lợi Việt Nam, Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam, Hội Cấp thoát nước Việt Nam, Trường Đại học Thủy lợi, Trường Đại học Xây dựng, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội…
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Khổng Doãn Điền, Chủ tịch Hội Cơ học Hà Nội đánh giá, Hà Nội có nhiều dòng sông giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa. Tuy nhiên, nhiều dòng sông hiện nay không có dòng chảy vào mùa kiệt, ô nhiễm nghiêm trọng, trở thành "sông chết"…

Các đại biểu tham dự hội thảo.
Nguyên nhân chính là do hạ thấp đáy sông dẫn đến hạ thấp mực nước trên sông Đà, sông Hồng làm cho các công trình thủy lợi không lấy đủ nước; phát triển kinh tế - xã hội làm gia tăng nhu cầu, tính chất, mục đích sử dụng nước, tác động đến khả năng tiêu úng, thoát lũ và phòng chống thiên tai...
Để hồi sinh những dòng sông ở phía Tây Hà Nội, các nhà khoa học của Hội Cơ học Hà Nội đưa ra giải pháp sử dụng nước sông Đà thay thế, tận dụng địa hình dốc từ Ba Vì về Hà Nội, cung cấp nguồn tự chảy cho các con sông lớn của Thủ đô như sông Nhuệ, sông Đáy và sông Tô Lịch.
Giải pháp của Hội Cơ học là lấy nguồn nước sông Đà qua cống Thuần Mỹ. Cống này nằm trên bờ hữu sông Đà tại huyện Ba Vì, có khả năng lấy khoảng 100m3/s nước từ sông Đà vào sông Tích, từ đó chảy tự nhiên về Sơn Tây. Nước sông Tích về Sơn Tây có dòng chảy hở tự do không áp nên tổn thất ít, sử dụng cống điều tiết để điều chỉnh mực nước ở Sơn Tây lên 10m. Tại cống điều tiết Sơn Tây chuyển 40m3/s theo sông Tích về sông Bùi, còn 60m3/s theo đường trục quy hoạch Tây Thăng Long về đến sông Đáy xả 30m3/s, về đến sông Nhuệ xả 25m3/s, còn lại 5m3/s về sông Tô Lịch và Hồ Tây. Tuyến dẫn này có nhiều đặc biệt, đi qua nhiều điểm du lịch, văn hóa, lịch sử, tâm linh, kết hợp với văn hóa nước.

Phó Chủ tịch Hội Cơ học Hà Nội Nguyễn Trường Duy trình bày giải pháp sử dụng nước sông Đà để hồi sinh những dòng sông Hà Nội.
Theo Phó Chủ tịch Hội Cơ học Hà Nội Nguyễn Trường Duy, triển khai giải pháp trên có thể phải đầu tư khoảng 16.000-17.000 tỷ đồng nhưng tạo ra rất nhiều hiệu quả, như: Các sông có dòng chảy tự nhiên bền vững; cải thiện môi trường, nâng cao sức khỏe cộng đồng, giao thông thủy phát triển; chủ động cấp nước cho sản xuất nông nghiệp khoảng 70.000ha, tăng vụ, tăng năng suất, giảm chi phí tiền điện không phải bơm nước từ sông Hồng lên, hàng năm không phải đầu tư công trình chống hạn.
Bên cạnh đó, giải pháp trên cung cấp nước cho 20.000ha nuôi trồng thủy sản; cấp nước cho các nhà máy nước sạch để giảm khai thác nước ngầm. Du lịch, dịch vụ trên sông sẽ phát triển, cùng với các ngành được hưởng lợi nguồn nước sẽ góp phần tăng trưởng bền vững hai con số của Hà Nội…
Các dòng sông phải trở lại trong xanh như trước đây
GS Nguyễn Quang Ngọc, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, cho rằng các dòng sông phải được trở về như trước đây. Ông nhận định phương án lấy nước từ sông Đà mang tính thuận thiên bởi chi phí không quá lớn.
GS Đào Xuân Học, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, cho rằng việc xây dựng hai đập dâng để hồi sinh các dòng sông suy kiệt là khả thi. Tuy nhiên, ông đề xuất cần nghiên cứu kỹ lưỡng về chiều cao của đập dâng và phối hợp với các nhà máy thủy điện để đảm bảo lưu lượng xả ổn định.
Các chuyên gia đều nhận định nguyên nhân chính khiến lòng sông Đà và sông Hồng hạ thấp là do tình trạng khai thác cát quá mức. Do đó cần quản lý việc khai thác chặt chẽ và hợp lý. Ngoài ra cần xây dựng quy hoạch tổng thể, lâu dài. Đây là nhiệm vụ cấp bách để phục hồi các dòng sông phía tây Hà Nội, đảm bảo an ninh nguồn nước, bảo vệ môi trường và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Thời gian qua, Chương trình KHCN KC14 - Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia "Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước" đã được Chính phủ phê duyệt có mục tiêu cung cấp luận cứ, cơ sở khoa học và thực tiễn để hỗ trợ xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tăng năng lực bảo đảm an ninh nước quốc gia; đề xuất, phát triển các công nghệ tiên tiến, giải pháp đột phá trong tích trữ, điều hòa, khai thác và sử dụng nước an toàn, hiệu quả cho các vùng trọng điểm trên cả nước.
Theo Giám đốc chương trình - GS Nguyễn Văn Tính, những năm gầy đây, mực nước sông Hồng hạ thấp đã vô hiệu hóa các cửa lấy nước vào sông Tích, sông Đáy, sông Nhuệ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và làm ô nhiễm các dòng sông do không có nước lưu thông. Hà Nội đã và đang tìm cách khắc phục, có những giải pháp đang được đề xuất. Từng có những dự án, giải pháp làm sống lại sông Đáy nhưng do không có nước chảy vào nên đoạn đầu sông Đáy khoảng 50 km vẫn là dòng sông "chết"; hoặc việc xây dựng trạm bơm Liên Mạc nhằm tưới, tiêu kết hợp bơm nước sông Hồng vào sông Nhuệ để cải thiện môi trường vẫn chưa triển khai được.
Hà Nội hiện có 9 con sông chảy qua Thủ đô, gồm Hồng, Đuống, Đà, Nhuệ, Cầu, Đáy, Cà Lồ, Tích và Tô Lịch. Phía tây Hà Nội có 8 con sông, trong đó: sông Tích, sông Bùi, sông Nhuệ và sông Đáy có nhiệm vụ cấp nước tưới tiêu. Số còn lại: Kim Ngưu, Lừ, Sét, Tô Lịch có nhiệm vụ tiêu nước.