Doanh nghiệp chuyển sang trạng thái ứng phó với dịch cấp độ cao nhất
Sau 20 ngày bùng phát dịch, đến 18 giờ ngày 9/10, tỉnh Hà Nam ghi nhận 598 ca bệnh đã được Bộ Y tế cấp mã. Đợt dịch COVID-19 lần này tại Hà Nam được đánh giá khá nghiêm trọng với số lượng người mắc nhiều, đặc biệt tại các khu công nghiệp (KCN).
Chỉ riêng KCN Châu Sơn (TP Phủ Lý) có hơn 100 công nhân dương tính với SARS-CoV-2 và trên 600 công nhân đang là F1 phải cách ly tập trung. Xác định KCN Châu Sơn là vùng đỏ, nguy cơ lây nhiễm rất cao nên mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp phải chuyển sang trạng thái ứng phó với dịch COVID-19 cấp độ cao nhất.
Với phương châm "lấy mẫu thần tốc, xét nghiệm tích cực, kết quả chính xác", trong thời gian ngắn nhất, việc lấy mẫu xét nghiệm cho người lao động trong KCN Châu Sơn đã được hoàn thành, giúp phát hiện, truy vết, khoanh vùng kịp thời các trường hợp F0 và cách ly các trường hợp F1, F2. Cụ thể, ngoài hơn 100 bệnh nhân COVID-19 đã được chuyển đến các cơ sở y tế để chữa trị, các trường hợp F1, F2 đã được cách ly ngay tại doanh nghiệp như ở Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dream Plastic có hơn 2.000 công nhân, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Espoir Việt Nam có hơn 100 người, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Jungwon có hơn 320 lao động...
Đến thời điểm này, trong KCN Châu Sơn có 103 doanh nghiệp đã thực hiện phương án "3 tại chỗ". Doanh nghiệp nào không đáp ứng yêu cầu phòng dịch, không bảo đảm an toàn cho người lao động phải dừng hoạt động. Hầu hết các doanh nghiệp đều nỗ lực triển khai phương án này trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, chấp nhận chi phí tăng cao, công tác quản lý nhân sự có những biến động.
Tại Công ty TNHH Dream Plastic Vina, trong những ngày qua, gần 2.800 công nhân đã thực hiện phương án ăn ngủ, nghỉ và làm việc tại chỗ. Bà Nguyễn Thị Ly, Trưởng phòng Quản lý Nhân sự công ty cho biết: "Ngay từ khi phát hiện F0 trong nhà máy số 1, chúng tôi đã phối hợp với các cơ quan chức năng xét nghiệm sàng lọc cho toàn thể nhân viên, người lao động trong công ty, điều tra truy vết F1, F2. Để người lao động yên tâm ở lại làm việc, công ty đã tổ chức ngày 3 bữa chính cho công nhân, nâng mức ăn và chất lượng bữa ăn bảo đảm dinh dưỡng và sức khỏe cho công nhân. Ngoài ra, hằng ngày công ty còn thực hiện 2 bữa phụ vào 15 giờ và 21 giờ với sữa, bánh ngọt, bánh mỳ, hoa quả, nước ngọt.
Ban lãnh đạo công ty cũng hỗ trợ thêm cho mỗi công nhân 250.000 đồng/ngày ngoài lương, phụ cấp từ 24/9 đến 10/10 để động viên tinh thần họ cùng doanh nghiệp chung tay vượt qua khó khăn này. Rất may, khi xảy ra dịch bệnh ở công ty, các đối tác, những nhà cung cấp quan hệ với doanh nghiệp đã cùng chung tay hỗ trợ để chúng tôi tổ chức phương án "3 tại chỗ", vừa chống dịch, vừa duy trì sản xuất".
Tương tự, để ngăn chặn nguồn lây nhiễm, bảo đảm an toàn sức khỏe cho người lao động và không bị đứt gãy chuỗi sản xuất, nhiều biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đã được Công ty TNHH Nhôm ASEAN triển khai quyết liệt.
Theo ông Tseng Chieh Yuan, Quản lý Hành chính Nhân sự, Công ty TNHH Nhôm ASEAN, với cách làm này, công ty chủ động nguồn nhân lực duy trì hoạt động sản xuất, còn người lao động vẫn bảo đảm nguồn thu nhập ổn định trong thời điểm dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Từ ngày 22/9 đến nay, công ty đã thực hiện "3 tại chỗ" cho người lao động; bố trí một khu vực rộng rãi để làm nơi ngủ, nghỉ và thực hiện kiểm soát chặt chẽ sức khỏe người lao động; phối hợp tốt với ngành y tế lấy mẫu, xét nghiệm sàng lọc dịch bệnh cho người lao động.
Còn tại Công ty Dệt Hà Nam, đã có hơn 700 công nhân của doanh nghiệp đăng ký ở lại làm việc. Công ty đã bố trí 900 giường gấp phục vụ cho công nhân. Mỗi công nhân hằng ngày được bố trí ăn đủ 3 bữa, trong đó chất lượng dinh dưỡng bảo đảm tốt hơn ngày bình thường để bảo đảm sức khỏe vừa sản xuất, vừa chống dịch. Thực hiện sản xuất "3 tại chỗ", công ty đã duy trì được sản xuất ổn định, không ảnh hưởng đến các đơn hàng xuất khẩu sợi đã ký kết với đối tác.
Thành lập "Tổ an toàn COVID-19" trong các doanh nghiệp
Hiện tại, Ban Quản lý KCN Châu Sơn đang phối hợp với các ngành, chính quyền địa phương thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. 6 chốt kiểm soát dịch, bảo đảm an ninh cho KCN đã được thiết lập. Đến thời điểm này tình hình dịch bệnh trong KCN cơ bản đã được kiểm soát tốt. Hầu hết những ca F0 được phát hiện mới những ngày qua liên quan đến KCN này đều là các trường hợp được cách ly tập trung. Trừ Công ty TNHH Espoir Việt Nam tạm dừng hoạt động để xử lý ổ dịch; còn lại các doanh nghiệp đang hoạt động đều thực hiện phương án "3 tại chỗ". Mặc dù, để thực hiện phương án này, các doanh nghiệp gặp phải nhiều khó khăn, nhưng đó là giải pháp tốt nhất lúc này, chỉ có làm như vậy mới khống chế được dịch bệnh và bảo đảm kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Ông Trần Văn Kiên, Trưởng ban quản lý các KCN tỉnh Hà Nam cho biết, Ban quản lý các KCN vẫn đang tiếp tục chỉ đạo triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch tại các doanh nghiệp trong các KCN, chế xuất. Tăng cường công tác truyền thông, hướng dẫn người lao động nghiêm túc khai báo y tế, đặc biệt là các trường hợp từ các địa phương đang có dịch về.
Yêu cầu các đơn vị duy trì chế độ thường trực 24/7 để sẵn sàng triển khai ngay các biện pháp truy vết thần tốc, khoanh vùng xử lý kịp thời các ca bệnh, ổ dịch nhỏ lẻ, không để bùng phát thành ổ dịch lớn. Ban đã thành lập những đoàn kiểm tra các doanh nghiệp thực hiện phương án "3 tại chỗ"; chỉ đạo thành lập "Tổ an toàn COVID-19" trong các doanh nghiệp…
Ban Quản lý các KCN tỉnh Hà Nam vẫn đang tích cực phối hợp với ngành Y tế tăng cường lấy mẫu xét nghiệm cho người lao động trong các KCN; đẩy mạnh tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người lao động. Ðến hiện tại, tổng số lao động tại các KCN trên địa bàn Hà Nam đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 1 là hơn 70.000 người.
Ngoài ra, để góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hà Nam đã tích cực bám sát doanh nghiệp để triển khai gói hỗ trợ cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất nhằm giúp cho người sử dụng lao động giảm bớt khó khăn. Chương trình thực hiện đến hết tháng 3/2022, không những giúp doanh nghiệp có tiền trả lương, giữ được công nhân mà còn giúp ổn định đời sống của người lao động, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn vươn lên trong đại dịch.
* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ