Chăm lo tốt nơi ăn nghỉ cho người lao động
Theo thống kê của UBND tỉnh Hà Nam, kể từ ca bệnh BN687.470 được phát hiện vào chiều 19/9/2021, đến thời điểm ngày 24/9, địa phương này đã ghi nhận 64 trường hợp mắc COVID-19. Điều đáng lo ngại là dịch đã lây lan ra khu công nghiệp và 7 doanh nghiệp với hàng chục lao động nhiễm bệnh và hơn 250 người là F1 phải đưa đi cách ly tập trung.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp, UBND tỉnh Hà Nam đã yêu cầu Ban Quản lý các khu công nghiệp xây dựng kịch bản ứng phó các tình huống dịch có thể xảy ra. Trong đó, "3 tại chỗ" được xem là một trong những biện pháp hiệu quả mà các doanh nghiệp trong khu công nghiệp ở Hà Nam đang áp chủ động triển khai để duy trì sản xuất liên tục.
Hơn một tháng nay, Công ty TNHH Nissho Việt Nam, khu công nghiệp Đồng Văn II (huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) có 20 lao động ăn, ở, làm việc tại công ty trong điều kiện sinh hoạt và các biện pháp phòng dịch được bảo đảm nghiêm ngặt.
Chị Phạm Thị Hảo ở huyện Ứng Hòa (Hà Nội) cho biết: "Tham gia mô hình "3 tại chỗ", chúng tôi được công ty trang bị đầy đủ dụng cụ, thiết bị sinh hoạt cần thiết, các bữa ăn bảo đảm dinh dưỡng. Ban lãnh đạo cũng tạo điều kiện giúp đỡ chỗ ngủ, nghỉ thuận tiện. Nhờ đó, trong mùa dịch này, chúng tôi vẫn có việc làm và thu nhập ổn định".
Để triển khai mô hình "3 tại chỗ", theo yêu cầu, hướng dẫn của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hà Nam, Công ty TNHH Nissho Việt Nam đã phải thực hiện các bước quan trọng, như: Lấy ý kiến đồng thuận của người lao động; xét nghiệm COVID-19 đầu vào; sắp xếp chỗ ăn, nghỉ cho người lao động với đầy đủ tiện nghi cần thiết; tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt phát sinh tại khu vực người lao động lưu trú; chuẩn bị đủ nguyên vật liệu phục vụ sản xuất. Cùng với đó, Nissho Việt Nam cũng đã xây dựng nội quy lưu trú tại công ty với các quy định cụ thể về bảo đảm an toàn, trật tự, sinh hoạt, vệ sinh môi trường; thành lập tổ an toàn khu lưu trú để tuyên truyền, giám sát người lao động lưu trú trong thực hiện các quy định về phòng, chống dịch...
Ông Takanori Miyata, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nissho Việt Nam cho biết: Công ty chúng tôi đã đầu tư đầy đủ vật dụng sinh hoạt cá nhân thiết yếu, bố trí không gian lưu trú rộng rãi, thoáng mát, sắp xếp riêng biệt khu nghỉ, ngủ dành cho lao động nam và nữ. Các khu ngủ, nghỉ có điều hòa, đáp ứng yêu cầu thông gió và ánh sáng tự nhiên nhằm bảo đảm sức khỏe cho công nhân lao động. Để động viên người lao động yên tâm làm việc, Nissho Việt Nam còn chú trọng làm tốt công tác tư tưởng cho người lao động, hỗ trợ cho mỗi lao động làm việc và ở lại công ty 100 nghìn đồng/ngày.
Để thực hiện mô hình "3 tại chỗ", các doanh nghiệp phải đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất, phát sinh chi phí sản xuất, tổ chức quản lý, giám sát, bố trí đội ngũ y tế để kiểm soát, sàng lọc sức khỏe cho người lao động...
Ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân "ở tuyến đầu"
Ông Trần Văn Kiên, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hà Nam cho biết: Đa phần các doanh nghiệp thực hiện mô hình "3 tại chỗ" hoạt động liên quan đến xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ và các công trình trọng điểm cần đẩy nhanh tiến độ. Thời gian qua, Ban Quản lý thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, hướng dẫn doanh nghiệp triển khai thực hiện "3 tại chỗ" đáp ứng các yêu cầu về phòng, chống dịch, thực hiện nghiêm thông điệp "5K" vì nếu có người mắc dịch sẽ lây lan và ảnh hưởng nghiêm trọng tới cả công ty và khu công nghiệp.
Mô hình "3 tại chỗ" được xem là giải pháp tình thế giúp cho các doanh nghiệp duy trì sản xuất an toàn và đáp ứng yêu cầu về tiến độ các đơn hàng. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ điều kiện để triển khai mô hình. Đơn cử như Công ty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam, khu công nghiệp Đồng Văn II (thị xã Duy Tiên), việc triển khai mô hình "3 tại chỗ" là không thể thực hiện do doanh nghiệp không có không gian để bố trí chỗ ngủ, nghỉ cho người lao động. Được sự quan tâm, hướng dẫn của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hà Nam, Sumi Việt Nam đã tổ chức cho nhân viên, người lao động lưu trú theo phương án "1 cung đường, 2 điểm đến" (1 cung đường vận chuyển công nhân từ nơi ở cố định đến nơi sản xuất, làm việc; 2 điểm đến là nơi ở của công nhân và nhà máy sản xuất của doanh nghiệp).
Ông Đỗ Thanh Bình, Phó Tổng Trưởng phòng Quản lý sản xuất, Công ty TNHH Hệ thống Dây dẫn Sumi Việt Nam chia sẻ: Sumi Việt Nam có hơn chục lao động ở Hà Nội thực hiện mô hình "1 cung đường, 2 điểm đến" với nơi ở là khách sạn Mường Thanh (TP Phủ Lý). Hiện, công ty vẫn đang đặt phòng ở khách sạn để khi cần thiết sẽ tăng cường thêm lao động tham gia phương án này nhằm bảo đảm tiến độ sản xuất. Để bảo đảm phòng dịch trong triển khai thực hiện, công ty tổ chức đưa, đón nhân viên, người lao động bằng xe riêng. Đồng thời, bố trí tất cả các bữa ăn trong ngày tại công ty cho người lao động lưu trú. Đối với các ngày nghỉ cuối tuần, người lao động sẽ ăn tại khách sạn.
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện cho doanh nghiệp, người lao động, UBND tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 cho công nhân lao động trong các khu công nghiệp, công nhân "ở tuyến đầu" sản xuất tại những đơn vị thực hiện "3 tại chỗ"; thực hiện cắt giảm tối đa các thủ tục, giấy tờ hành chính không thực sự cần thiết. UBND tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ngành, các địa phương rà soát, cập nhật tình hình khó khăn của doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp thực hiện mô hình "3 tại chỗ" để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ.
Trong ngày 24/9, UBND tỉnh Hà Nam đã tổ chức hội nghị tiếp nhận tài trợ kinh phí mua vaccine và kinh phí hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 từ các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh.
Cụ thể, Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường ủng hộ 50 tỷ đồng cho quỹ vaccine phòng dịch của tỉnh. Trước đó, doanh nghiệp này đã ủng hộ 100 tỷ đồng vào Quỹ vaccine phòng COVID-19. Ngoài ra, Công ty Cổ phần xi măng Xuân Thành ủng hộ 10 tỷ đồng phòng, chống dịch; Công ty Trách nhiệm hữu hạn YJ Hà Nam - Thanh Liêm ủng hộ 500 triệu đồng; Công ty Trách nhiệm hữu hạn YJ Hà Nam - Lý Nhân ủng hộ 300 triệu đồng; Công ty Trách nhiệm hữu hạn JK Việt Nam ủng hộ 100 triệu đồng và Công ty Cổ phần Tập đoàn BRG SeaBank tài trợ máy xét nghiệm SARS-CoV-2 với giá trị 6 tỷ đồng…
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy, bày tỏ cảm ơn sâu sắc và đánh giá cao sự chung tay, ủng hộ của các doanh nghiệp cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Hà Nam. Theo ông Huy, những ngày gần đây, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Hà Nam diễn biến hết sức phức tạp, với số ca mắc tăng nhanh. Trong khi điều kiện cơ sở vật chất phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh còn hạn chế, sự giúp đỡ, ủng hộ của các doanh nghiệp sẽ giúp tỉnh nhanh chóng khống chế, đẩy lùi được dịch bệnh.
Nêu bật những đóng góp của các doanh nghiệp thời gian qua, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam mong muốn thời gian tới, các doanh nghiệp tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như công tác phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh. Tỉnh Hà Nam sẽ tạo những điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.
* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ