GSK cùng các Hiệp hội Y khoa tổ chức diễn đàn y tế đa chiều về chăm sóc sức khoẻ từ phòng ngừa đến điều trị

12-06-2019 13:30 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Diễn đàn được tổ chức trong hai ngày 8 và 9 tháng 6 năm 2019 tại Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, được truyền trực tuyến đến hơn 20 tỉnh thành trên cả nước. Đây là dịp các chuyên gia y tế đầu ngành trong các lĩnh vực Hô hấp, Nhi khoa, Vi sinh-Dược Lâm sàng, Tai Mũi Họng và Y học Dự phòng cùng tham gia diễn đàn y tế đa chiều bàn về chiến lược "Chăm sóc sức khỏe Hô hấp toàn diện từ phòng ngừa đến điều trị". Diễn đàn được phối hợp tổ chức giữa Hội Y học TP. Hồ Chí Minh, Hội Hô hấp Việt Nam, Hội Nhi Việt Nam, Hội Y học dự phòng Việt Nam, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, Hội Hô hấp TP. Hồ Chí Minh, Hội Tai Mũi Họng Thành phốTP. Hồ Chí Minh, Hội Hen-Dị ứng-Miễn dịch lâm sàng TP. Hồ Chí Minh và Văn phòng đại diện GSK tại Việt Nam. GSK là một trong những công ty dược phẩm và chăm sóc sức khỏe dựa trên nghiên cứu và phát triển hàng đầu thế giới. Đây cũng là sự kiện đánh dấu kỷ niệm 25 năm GSK đồng hành cùng sự phát triển của ngành y tế Việt Nam, nỗ lực mang đến các giải pháp từ phòng ngừa đến điều trị cho nhân viên y tế trên 3 lĩnh vực Dược phẩm, Vắc Xin và các sản phẩm Chăm sóc sức khỏe nhằm mang đến một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người Việt, giúp mọi người làm được nhiều hơn, cảm thấy tốt hơn và sống lâu hơn.

Diễn đàn y tế đa chiều với sự dẫn dắt thảo luận của các chuyên gia hàng đầu trong các chuyên khoa

Phát biểu tại diễn đàn, PGS. TS Trần Đắc Phu - Cục Trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết: “Trong thời đại công nghiệp 4.0, ngành y tế có những bước dịch chuyển để phù hợp với xu hướng hiện tại nhằm đáp ứng mong đợi của mọi người về chăm sóc sức khỏe. Chúng ta đã có những phát triển đáng kể trong việc xây dựng nhận thức chăm sóc sức khỏe từ sớm của người dân, dù vậy phần lớn người Việt vẫn có thói quen tự chẩn đoán và điều trị với bác sĩ “google”, tự mua thuốc về uống, không tuân thủ điều trị của bác sĩ. Chúng ta cần phối hợp nhịp nhàng và chặt chẽ hơn giữa khối phòng bệnh và khối điều trị để giúp việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng ngày một hiệu quả hơn.”

Diễn đàn y tế đa chiều với sự dẫn dắt thảo luận của các chuyên gia hàng đầu trong các chuyên khoa, tại đầu cầu TP. HCM có sự góp mặt của BS. Trương Thị Xuân Liễu - Chủ tịch Hội Y học TP HCM; TTND. BS. Bạch Văn Cam - Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu TP. Hồ Chí Minh; Giảng viên chính BS. Huỳnh Khắc Cường - Chủ tịch Hội Tai Mũi Họng TP. HCM; PGS.TS.BS. Lê Thị Tuyết Lan - Chủ tịch Hội Hen - Dị Ứng - Miễn Dịch lâm sàng TP. HCM; PGS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Dung - Phó Chủ tịch Tổng Hội Y học Việt Nam; TS.BS Phạm Hùng Vân - Chủ tịch Hội Vi sinh lâm sàng TP. HCM; PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc - Chủ tịch Hội Hô hấp TP. HCM; PGS.TS.BS Cao Hữu Nghĩa - Trưởng khoa Xét nghiệm Sinh học Lâm sàng, Viện Pasteur TP HCM. Tại Hà Nội có sự góp mặt của GS.TS Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ TW, Chủ tịch Hội Y học dự phòng Việt Nam; GS.TS.BS Ngô Quý Châu - Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam; PGS.TS.BS Khu Thị Khánh Dung - Phó Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam; PGS.TS.DS Nguyễn Hoàng Anh - Giám đốc Trung tâm theo dõi Phản ứng có hại và Thông tin thuốc. Trong dịp này, khối nhân viên y tế dự phòng và khối điều trị cùng lắng nghe và chia sẻ về xu hướng quản lý toàn diện các bệnh lý hô hấp bao gồm nhiễm khuẩn hô hấp cộng đồng, các bệnh hô hấp mạn tính như Hen/ COPD hay gánh nặng viêm phổi do phế cầu ở trẻ nhỏ.

Ông Dan Millard, Trưởng VPĐD GSK Pte tại Việt Nam cùng các chuyên gia y tế tại sự kiện

Tại diễn đàn, các chuyên gia trao đổi kinh nghiệm và thảo luận về tầm quan trọng của việc kết hợp giữa phòng ngừa và điều trị để quản lý toàn diện các bệnh lý về hô hấp ở cả người lớn và trẻ em khi mà tình hình đề kháng kháng sinh ngày càng phức tạp, một số dịch bệnh ở trẻ em bùng phát trở lại, tỉ lệ các bệnh mạn tính như Hen và Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ngày càng tăng cao. Các chuyên gia tập trung trao đổi và phân tích các chủ đề:

- Thách thức trong quản lý dự phòng và điều trị các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp trong cộng đồng

- Xu hướng điều trị nhiễm khuẩn hô hấp cộng đồng dựa trên vi sinh và dược lâm sàng cũng như kêu gọi sử dụng kháng sinh hợp lý nhằm ngăn ngừa đề kháng kháng sinh

- Xu hướng điều trị dựa trên chứng cứ y khoa đối với các bệnh nhiễm khuẩn Tai mũi họng trong cộng đồng nhằm giảm thiểu đề kháng kháng sinh

- Quản lý và kiểm soát các bệnh mạn tính như Hen và Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

- Gánh nặng bệnh tật ở trẻ nhỏ và định hướng từ phòng ngừa đến điều trị các bệnh hô hấp ở trẻ

- Tầm quan trọng của chương trình chủng ngừa trong dự phòng các bệnh lý nhiễm khuẩn hô hấp ngày nay

Tại sự kiện, các chuyên gia chỉ ra rằng, tình trạng ô nhiễm môi trường, chế độ ăn uống, sinh hoạt kém lành mạnh và lối sống ít vận động là những nguyên nhân chính khiến người Việt mắc bệnh, trong đó đáng kể là các bệnh liên quan đến hô hấp. Người Việt thường mang tâm lý chủ quan và chỉ đến gặp bác sĩ khi bệnh đã nặng và nghiêm trọng, khiến việc chữa trị gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, đa phần bệnh nhân thường không tuân thủ đầy đủ theo điều trị của bác sĩ, ngưng thuốc khi thấy triệu chứng được cải thiện nhưng không biết hệ quả dẫn đến lờn thuốc sau này, hoặc có thể quay trở lại đợt kịch phát dẫn đến phải nhập viện. Đối với trẻ em, gánh nặng bệnh tật ở giai đoạn dưới 2 tuổi là rất nặng nề, phần lớn trẻ nhập viện do các bệnh hô hấp cấp, hơn nữa hệ miễn dịch của trẻ còn non yếu, khi gặp những vi khuẩn tấn công thường không chống lại được và có thể để lại những di chứng thậm chí tử vong.

Để giải quyết những thách thức nói trên, các chuyên gia cho rằng, ba giải pháp ưu tiên trước nhất là:

1/ Sự đồng lòng của khối nhân viên y tế trong tất cả các lĩnh vực về việc kê đơn và sử dụng kháng sinh hợp lý dựa trên cơ sở vi sinh – lâm sàng – dược lâm sàng để giảm thiểu đề kháng kháng sinh;

2/ Hướng dẫn và giáo dục bệnh nhân về tầm quan trọng của việc tuân thủ điều trị với kháng sinh cho các bệnh nhiễm trùng hô hấp mắc phải trong cộng đồng; tuân thủ với điều trị dự phòng các bệnh mạn tính như Hen và COPD để quản lý hiệu quả triệu chứng và tránh các đợt cấp phải nhập viện;

3/ Ưu tiên chủng ngừa sớm nếu đã có vắc xin để bảo vệ trẻ khỏi các bệnh lý hô hấp phổ biến và nguy hiểm như ho gà hay viêm phổi do phế cầu và cả những bệnh truyền nhiễm khác.

Ngoài thảo luận về chủ đề “Chăm sóc sức khỏe hô hấp toàn diện từ phòng ngừa đến điều trị”, tại diễn đàn, các chuyên gia cũng đã nhìn nhận bước chuyển mình mạnh mẽ của ngành y tế Việt Nam trong những năm qua, thành công tạo ra những bước đột phá trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động chăm sóc sức khỏe cho người dân, liên tục đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, cơ sở hạ tầng và vật tư y tế để có thể phục vụ bệnh nhân trên khắp cả nước. Diễn đàn Y tế đa chiều đồng thời cũng là dịp kỷ niệm 25 năm GSK đồng hành cùng ngành y tế Việt Nam, góp một phần nhỏ giúp các bác sĩ, dược sĩ có thêm nhiều lựa chọn hiệu quả và đa dạng phục vụ cho công tác phòng và điều trị bệnh.

Ông Gareth Ward, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam gửi lời chúc mừng đến GSK Việt Nam nhân sự kiện đặc biệt này và đánh dấu cho sự cam kết lâu dài của Anh trong việc hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành y tế cũng như đảm bảo người dân được tiếp cận thuốc và vắc-xin có giá trị.

Ông Dan Millard, Trưởng VPĐD GSK Pte tại Việt Nam cho biết: “Chúng tôi vô cùng tự hào vì được là một phần của sự phát triển ngành y tế của Việt Nam trong suốt một phần tư thế kỷ vừa qua. Là một công ty nghiên cứu và phát triển thuốc và vắc xin, bệnh nhân luôn là trọng tâm của tất cả mọi hoạt động của chúng tôi, những người luôn đặt sức khỏe của họ trong tay của nhân viên y tế và mong đợi những phương thuốc khoa học tiên tiến trong điều trị, để sức khỏe của họ được cải thiện và vì thế cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Cùng với các đối tác chiến lược, chúng tôi nỗ lực tìm kiếm các giải pháp để giải quyết các thách thức y tế hiện nay như giảm thiểu đề kháng kháng sinh, mở rộng độ phủ chủng ngừa, quản lý các bệnh lý về hô hấp và giúp mọi người tiếp cận với chăm sóc y tế cơ bản. Trong tương lai, chúng tôi mong ước sẽ không còn em bé nào tử vong vì những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể phòng tránh được, không có người bệnh nhân nào phải gặp khó khăn với chính hơi thở của mình và kháng sinh vẫn được giữ gìn như một tài sản vô giá giúp chúng ta chiến thắng vi khuẩn”.


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn