Diễn đàn lần thứ 3 Trung tâm Hợp tác của WHO: Ba mục tiêu 3 tỉ

22-11-2018 14:03 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Thêm 1 tỉ người được hưởng lợi từ UHC (Universal Health Coverage - Bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân); thêm 1 tỉ người được bảo vệ tốt hơn trong các trường hợp y tế khẩn cấp; thêm 1 tỉ người được thụ hưởng tình trạng sức khỏe tốt hơn và cuộc sống khỏe mạnh hơn.

PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, đã nhấn mạnh đến 3 mục tiêu trên tại diễn đàn lần thứ 3 các Trung tâm Hợp tác của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ở khu vực Tây Thái Bình Dương. Diễn đàn đã diễn ra trong hai ngày 22 - 23/11/2018 tại TP.HCM.

Bộ trưởng Bộ Y tế Kim Tiến cho biết, vài thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc cải thiện sức khỏe và chất lượng sống của người dân. Ngành y tế Việt Nam cũng đã đạt được phần lớn các mục tiêu thiên niên kỷ liên quan đến sức khỏe trước thời hạn và đang trên con đường thực hiện Mục tiêu Phát triển Bền vững.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến dự Diễn đàn lần thứ 3 các Trung tâm Hợp tác của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ở khu vực Tây Thái Bình Dương ngày 22/11/2018

“Việt Nam đã thực hiện nhiều cải cách trong các quy trình thực hiện đối với chăm sóc sức khoẻ toàn dân, tăng cường mạng lưới chăm sóc sức khỏe ban đầu và thúc đẩy phát triển y tế cũng như phòng ngừa bệnh tật. Theo đó, Luật Bảo hiểm Y tế của Việt Nam đã được sửa đổi vào năm 2017. Mức tối thiểu trợ cấp bảo hiểm y tế là 70%. 87% dân số hiện nay được bảo hiểm y tế chi trả,” Bộ trưởng Kim Tiến chia sẻ.

Đồng thời, ngành y tế cũng thực hiện các cải cách liên quan đến những chính sách và quản lý tài chính trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Việt Nam đã xây dựng Luật Phòng chống Thuốc lá có hiệu lực vào năm 2014. Dự thảo Luật Phòng chống và Kiểm soát các Tác hại có liên quan đến Rượu bia vừa được đệ trình lên Quốc hội để phê duyệt. Tất cả những nỗ lực này nhằm giúp giảm các yếu tố nguy cơ đến sức khỏe con người.

Phát triển y tế cơ sở là một trong những mục tiêu hướng tới bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân của ngành y tế Việt Nam

Văn phòng WHO khu vực Tây Thái Bình Dương đã tổ chức Diễn đàn các Trung tâm Hợp tác lần 1 và lần 2 vào năm 2014 và 2016 nhằm chia sẻ các ưu tiên của WHO và thảo luận cách hợp tác để cải thiện sức khỏe người dân trên quốc gia, khu vực và toàn cầu.

Tây Thái Bình Dương hiện có mái nhà của khoảng 1,9 tỷ người thuộc 37 quốc gia và vùng lãnh thổ. WHO đã làm việc với các chính phủ và đối tác nhằm cải thiện dịch vụ y tế sức khoẻ người dân, an ninh y tế, và chăm sóc các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương.

Các Trung tâm Hợp tác của WHO sẽ đóng vai trò chủ chốt trong việc đạt được những mục tiêu này. Diễn đàn lần 3 tại TP.HCM sẽ xác định các ưu tiên và đặt kế hoạch nỗ lực chung trong 5 năm tới và kế hoạch dài hạn hơn. Trong đó hướng tới các chiến lược chấm dứt bạo hành trẻ em, tăng cường đáp ứng nhu cầu đối với các dịch vụ phục hồi chức năng, quản lý các bệnh không lây nhiễm (tim mạch, đái tháo đường…)...

Các Trung tâm Hợp tác của WHO bao gồm viện nghiên cứu, các trường đại học hoặc học viện, các cơ quan chính phủ, là những đối tác tích cực đóng góp trong việc thực hiện các nhiệm vụ chiến lược và các chương trình của WHO về phát triển và tăng cường năng lực thể chế ở từng quốc gia và khu vực.

Hiện nay khu vực Tây Thái Bình Dương có 190 Trung tâm Hợp tác của WHO ở 10 nước: Trung Quốc có 63 Trung tâm; Úc có 49 Trung tâm; Nhật Bản có 36 Trung tâm; Hàn Quốc có 21 Trung tâm; Singapore có 10 Trung tâm; Malaysia có 05 Trung tâm; New Zealand có 03 Trung tâm; Philipine có 02 Trung tâm; Việt Nam 02 Trung tâm (01 Trung tâm về Sức khỏe Nghề nghiệp ở Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường và 01 Trung tâm về Y học Cổ truyền tại BV Y học Cổ truyền TW).


An Quý
Ý kiến của bạn